Thời gian qua, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án và chính sách dân tộc; từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
- Ðồng bào Khmer tham gia xây dựng nông thôn mới
- Phát triển nguồn nhân lực người dân tộc Khmer
- Bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khmer
- Ðồng bào Khmer tự lực vươn lên
Xã Tân Lộc có 229 hộ đồng bào DTTS với 812 khẩu, chiếm 7,91%. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025, năm 2023, xã triển khai thực hiện công trình theo tiểu Dự án 1, Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Ði trên tuyến đường vào khu dân cư Ấp 7 hiện nay, sẽ thấy sự thay đổi khi hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Anh Khưu Thành Tiến, khu dân cư Ấp 7, bộc bạch: “Trước đây, con đường vào nhà nhỏ hẹp, lầy lội mỗi khi mùa mưa đến. Từ khi được đầu tư nâng cấp mở rộng, người dân ở đây ai cũng vui mừng vì đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện”.
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã được triển khai, phát huy hiệu quả, như: hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi... tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo có vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào DTTS, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Năm 2006, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Lâm Ðol, Ấp 7, dân tộc Khmer, ra riêng, lúc này đời sống khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Ðược sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh được vay 13 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Vốn có nghề mộc, sau khi có vốn, anh Ðol đầu tư cơ sở mộc. Nhờ chăm chỉ, gia đình đã vượt qua khó khăn khi sản phẩm mộc của anh được nhiều khách hàng biết đến, đặt hàng.
Cơ sở mộc của gia đình anh Lâm Đol.
Gia đình anh Ðol xây được căn nhà kiên cố, mua thêm đất nuôi trồng thuỷ sản, đến năm 2011 đã thoát nghèo. “Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, giúp vay vốn để làm kinh tế, gia đình giờ đây có thu nhập ổn định”, anh Ðol chia sẻ.
Hộ ông Hữu Thanh Dung, Ấp 7, là một trong những hộ DTTS khó khăn, trước đây gia đình chỉ có 5 công đất, làm không đủ trang trải chi phí cho gia đình. Nhờ tham gia các lớp tập huấn của xã tổ chức, được hỗ trợ vay vốn, ông đã thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ðến nay, gia đình ông Dung đã có 3 ha đất nuôi tôm - cua kết hợp trồng một vụ lúa, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Hữu Thanh Dung tận dụng đất trống quanh nhà trồng dừa, chăn nuôi vịt, gà cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết: “Ðã qua, ngoài sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự hỗ trợ triển khai kịp thời của địa phương, thì sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc được phát huy. Từ đó, đời sống của đồng bào thay đổi rõ rệt, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thay đổi từng ngày. Sau khi triển khai các chương trình chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng được đầu tư như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch; các mô hình sản xuất hiệu quả tạo nhiều việc làm cho lao động góp phần tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm, hộ khá giàu tăng lên, đời sống ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng thắt chặt, an ninh được đảm bảo”./.
Tiểu Ái