(CMO) Ngày trước, khi nhắc đến cây bồn bồn và sản phẩm dưa bồn bồn, một trong những đặc sản của Cà Mau, người ta thường nghĩ đến huyện Cái Nước. Tuy nhiên, cây bồn bồn hiện đã bén rễ và phát triển tươi tốt trên vùng đất lâm phần xã Khánh An, huyện U Minh, tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình.
Tại Khánh An, bồn bồn được trồng ở một số nơi như: Ấp 13, 14, An Phú; tập trung nhiều tại Ấp 14 với 37 ha. Hiện nơi đây cũng vừa thành lập được HTX Hoà An, thu mua nông sản, kinh doanh bồn bồn, cá, chuối sấy…
Anh Quách Minh Hoà, Trưởng ấp, Chủ tịch HTX Hoà An, Ấp 14, xã Khánh An, cho biết: “HTX hiện có 14 thành viên. Mục tiêu của việc thành lập HTX là để tìm đầu ra ổn định cho bồn bồn và một số loại nông sản khác trong vùng. Hướng tới, không chỉ bán bồn bồn tươi mà còn chế biến, mở rộng nhiều sản phẩm từ bồn bồn, nâng cao giá trị của mặt hàng này”.
Ði trên tuyến đường Ấp 14, xã Khánh An thường bắt gặp cảnh người dân tập trung tách vỏ bồn bồn. |
Bắt tay vào khai khẩn đất từ năm 1995, anh Hoà cũng như những hộ nông dân lúc bấy giờ duy trì mô hình lấy ngắn nuôi dài, trồng 1 vụ lúa chờ cây tràm lớn. Thế nhưng, cây lúa không có duyên khi sản lượng, chất lượng thu lại không như ý muốn. Thấy một số người mang bồn bồn về trồng hiệu quả, năm 2016, anh Hoà mua hơn 4 ngàn cây bồn bồn giống về trồng xen lẫn nuôi cá đồng trên diện tích 1,5 ha. Ðiều kiện thổ nhưỡng phù hợp, mỗi năm anh thu huê lợi gần 300 triệu đồng từ bán bồn bồn tươi.
Lập nghiệp không thành công tại tỉnh Bình Dương, gia đình chị Trương Hồng Bế về Ấp 14, xã Khánh An, mua 12 công đất để canh tác. Chị Bế cũng quyết định chọn cây bồn bồn để phát triển kinh tế. “Cây bồn bồn từ lúc trồng đến thu hoạch ngót nghét 3 tháng, sau đó không cần trồng lại mà có nguồn thu dài dài. Mỗi công, mỗi đợt thu hoạch từ 200-400 kg. Ngoài ra, những lúc không ngay cữ thu hoạch tôi còn đi lột bồn bồn mướn, ông nhà thì đi nhổ bồn bồn thuê cũng có thêm nguồn thu nhập", chị Bế chia sẻ.
Không chỉ giúp nhiều hộ vươn lên khấm khá, cây bồn bồn còn giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi. Ngoài việc vần công qua lại, đối với những hộ không có hoặc có ít đất trồng bồn bồn có thể phụ việc nhổ bồn bồn, lột bồn bồn. Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc vào buổi trưa. Tuỳ tính chất công việc mà số tiền có được từ 120-250 ngàn đồng/buổi/người.
Cây bồn bồn sinh trưởng tại vùng đất Khánh An thân to, dài nhưng chắc chắn, phần thịt nặng và non, chất ngọt, nên được bạn hàng và người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, thu mua bồn bồn tại xã Khánh An, cho biết: “Mỗi ngày tôi cân từ 60-100 kg bồn bồn thành phẩm. Sở dĩ tôi chọn Khánh An để thu mua bởi bồn bồn tại đây giá cả ổn định, sơ chế kỹ, chất lượng lại ngon, ngọt rất dễ tiêu thụ, bán đắt hàng”.
Hiệu quả kinh tế từ cây bồn bồn mang lại đã mở ra hướng đi mới cho người dân vùng đất Khánh An. Giờ đây, không để thua sức các xã bạn, chính quyền địa phương cùng người dân hợp sức tìm ra những cách làm hay, hiệu quả, đặc biệt là định hướng được tầm giá trị, nâng chất và đưa sản phẩm bồn bồn Khánh An vươn xa đến nhiều thị trường./.
Yến Nhi