Một sáng tháng 7/2024, trong căn nhà ở Ðường 30/4, Phường 5, TP Cà Mau, ông Dương Thanh Toàn, là nhân chứng trong chuyến tàu tập kết ra Bắc - tuổi 92 cùng người ghi chép ở tuổi 86, hai mái đầu bạc trắng ngồi bên bàn trà, có cả chai rượu thuốc và hai cái cốc nhỏ. Người kể, người nghe kỷ niệm 70 năm về trước trên đất Bắc. Cuộc sao chép ký ức đã gần ba phần tư thế kỷ không tránh khỏi nhớ nhớ, quên quên. Cái quý nhất là ở không gian, thời gian và cái thật của những diễn biến cuộc đời ông
- Thống nhất các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc
- Thăm gia đình liên quan sự kiện tập kết
- Bến tập kết, bến lòng dân
- Dự án cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc đảm bảo tiến độ
Ông Dương Thanh Toàn (thứ hai từ phải sang) tặng hiện vật liên quan sự kiện tập kết cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Người đứng bìa phải là tác giả bài viết. Ảnh: KHẮC TUYỀN
Ông Dương Thanh Toàn vào chuyện:
“... Ngày 12/11/1954, chúng tôi xuống chiếc tàu há mồm của Pháp ở Chắc Băng để ra tàu Liên Xô đang neo đậu ở cửa sông Cần Thơ, bắt đầu một chuyến đi dài không phải là 2 năm theo dấu hẹn bằng 2 ngón tay mà mãi tới 21 năm. Ở tuổi 22, hừng hực sức trẻ, ra đi để chấp hành mệnh lệnh của quân đội, lại vừa đi để biết đó biết đây, khi trở về đã ở tuổi 43, đề huề vợ và đàn con có đủ cả trai, gái. Ngày nào chiếc khăn mỏ quạ còn lạ lẫm, thấy làm sao ấy, nay đã trở thành một phần của đời mình.
Bốn ngày lênh đênh trên biển, một buổi sáng chúng tôi đã nhìn thấy dải xanh rờn đất liền, ai nấy đều nôn nao một tình cảm rất lạ. Vốn là nông dân gắn bó với ruộng đồng, chỉ cái chợ Cà Mau còn không biết, nói chi đến chiếc tàu biển rộng thênh thang. Chúng tôi đinh ninh trong dải xanh rờn ấy có Bác Hồ kính yêu, có tấm lòng của Nhân dân miền Bắc ruột thịt. Ngày 16/11/1954, con tàu đã vào biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) và rồi chuyển qua ghe nhỏ vào bờ. Hồi hộp, xúc động khi được hàng ngàn đồng bào với băng, cờ chào đón. Cuộc ra đi của chúng tôi đã nhận được tình cảm ấm áp buổi ban đầu.
Ở Sầm Sơn không lâu, chúng tôi được chuyển về Hà Nội, bắt đầu học cải cách ruộng đất. Là gia đình trung nông có tám chục công ruộng, nhà cột cây, lợp lá, họ cho tôi là thành phần địa chủ bóc lột. Trầy da tróc vảy, quần tới quần lui, tôi khai báo rất thật lòng mà như van xin, cuối cùng tôi được hạ xuống còn thành phần "địa chủ thấp". Nhiều đêm tôi buồn không ngủ được, có lẽ nào mấy năm tham gia kháng chiến lại dừng lại ở đây, nơi đất Bắc xa mù, tôi phải làm gì. Nhưng tôi vẫn hy vọng rồi Ðảng sẽ thấu hiểu cho mình. Chắc cũng vì lẽ đó mà tôi phải mất 14 năm trong quân ngũ mới được đứng vào hàng ngũ của Ðảng.
Cuối năm 1955, tôi được điều về bộ phận quân khí thuộc C130, D548, E354 được đề bạt tiểu đội phó, có nhiệm vụ cùng đơn vị đi nhổ trụ sắt, cuốn dây thép gai ở cứ điểm Phù Lỗ của thực dân Pháp vừa rút khỏi. Nói gian khổ thì quá đáng, nhưng tay chân chúng tôi ai nấy đều bị gai của dây thép cứa vào da thịt rỉ máu. Năm 1956, tôi về quân giới Z63 đóng trong rừng ở Làng Ngòi, Tuyên Quang. Năm 1958, về Công trường 12 để xây dựng Nhà máy quân giới Z1, tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, được đề bạt làm tổ trưởng sản xuất rồi phó quản đốc phân xưởng cơ điện.
Hai năm hiệp thương thống nhất đất nước không có, Mỹ đã thay chân Pháp dựng chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm, trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến miền Nam thành tiền đồn chống cộng ở Ðông Nam Á, thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ, ngày đêm càn quét, bắt bớ, giết hại, giam cầm những người kháng chiến cũ và Nhân dân lương thiện, máu đồng bào miền Nam đã đổ. Chúng còn ban hành đạo luật phát xít 10/59 để hợp thức hoá hành động man rợ của mình. Những đứa con miền Nam mong được trở về chiến đấu trên mảnh đất quê hương.
Năm năm nữa trôi qua, tôi đã bước vào tuổi 27, cái cảnh ngày Bắc đêm Nam thôi thúc tôi tìm chỗ dựa. Hằng ngày, các cô gái ở hợp tác xã xóm Khe Ðá, xã Minh Quán ra đồng rất vui, dù là mùa đông rét mướt hoặc nắng hè rát mặt. Thỉnh thoảng anh em công nhân ở nhà máy quân giới Z1 cũng ra đồng giúp dân. Như có duyên định, hay là nhờ tôi tán mấy câu Kiều: “Người đâu gặp gỡ làm chi/Trăm năm biết có duyên gì hay không?” mà tôi và cô gái Trần Thị Liên, 19 tuổi, hoa khôi ở xóm Khe Ðá bén duyên. Lễ tuyên hôn được tập thể lo hết, dù đơn giản chỉ dĩa bánh kẹo và lời chúc của lãnh đạo, bạn bè và nhà gái”.
Câu chuyện đã có một hơi dài, giọng ông vẫn rổn rảng, tôi căng tai để nghe, căng óc để nhớ và căng tay để ghi. Muốn dừng lại nhờ ông cung cấp những chi tiết đáng nhớ khác, ông bảo, thôi đại khái vậy được rồi, 21 năm xa quê, dài lắm. Hai cốc rượu được nâng lên với mấy cục nem chua làm mồi. Lại cười, lại nói:
“Ðầu năm 1960, tôi cùng một số anh em được cử sang Trung Quốc học chế tạo vũ khí AK. Trước khi lên đường được học tiếng Trung 3 tháng. May mà khi ở nhà tôi có học chữ Nho 3 năm nên các ký tự tiếng Trung tôi tiếp thu rất nhanh. Trên chuyến tàu đêm, trong tôi vui, buồn lẫn lộn. Vui vì được Ðảng tin tưởng cử đi học nghề phục vụ ngành quân giới nước nhà. Buồn vì thêm xa quê hương miền Nam, xa vợ và đứa con còn trong bụng mẹ. Ðến Côn Minh - Vân Nam, với khí hậu tứ quy như xuân, chúng tôi học tập ở đây được hơn một năm thì chuyển về Trùng Khánh. Các xưởng quân giới của Trung Quốc có quy mô khá lớn, được trang bị máy móc tốt hơn ta, các kỹ sư, kỹ thuật viên Trung Quốc rất tận tình chỉ dẫn, chan hoà trong sinh hoạt. Mới giành độc lập hơn 10 năm, chính phủ và nhân dân Trung Quốc còn rất nhiều thiếu thốn, nhưng vẫn dành cho chúng tôi điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất có thể.
Với vốn liếng học tập được, cuối năm 1961, chúng tôi từ giã Trùng Khánh về nước, trở lại Nhà máy Z1 thân yêu. Ðịa danh Minh Quán, Trấn Yên, Yên Bái gắn bó với tôi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những năm giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, rồi 12 ngày đêm Ðiện Biên Phủ trên không ở bầu trời Hà Nội, Nhà máy Z1 đã chuyển lên khu rừng Phú Thọ, đất thánh Vua Hùng. Ðến sau Hiệp định Paris, chúng tôi lại chuyển về nơi nhà máy cũ đã lỗ chỗ hố bom. Các phong trào thi đua xoay quanh chủ đề: vì miền Nam thân yêu; miền Bắc là hậu phương lớn; ngày làm việc bằng hai; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Sản phẩm của nhà máy cung cấp cho Bộ Quốc phòng ngày càng nhiều, chất lượng ngang bằng với vũ khí viện trợ. Tiếng máy nổ, kim khí va chạm, chúng tôi trao đổi với nhau như quát, có lúc quơ tay, co chân ra dấu; mỗi giờ làm việc là mồ hôi ướt áo. Có lẽ, do nhiều năm làm việc trong tiếng ồn mà tôi mang bệnh nghề nghiệp là nói lớn tiếng, cho đến bây giờ vẫn vậy.
Miền Nam, quê hương hoàn toàn giải phóng, ơi... vui sao nước mắt lại trào. Cha, mẹ tôi ở tuổi bát tuần, anh em tôi đang chờ. Cái giá của độc lập, thống nhất, phải đánh đổi biết bao máu xương, mất mát, chia ly. Một cuộc đoàn tụ chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Các cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam được trở về cố quán. Hàng vạn con em miền Bắc đang chiến đấu ở miền Nam được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình.
Về Nam, cũng là về quê, tháng 7/1975, tôi được phân công về tiếp quản Lục quân Công xưởng ở Gò Vấp, phiên hiệu mới của ta là Z751. Lao động trong khung cảnh hoà bình, độc lập, thống nhất, ai nấy đều phấn khởi, kể cả những người thợ của chế độ cũ để lại. Những thiếu thốn, khó khăn thời bao cấp tôi cũng từng quen ở miền Bắc nên cũng dễ thích nghi, có khi kém vui nhưng không phải buồn, bi quan. Năm năm ở đây, lần nữa, tôi lại cuốn cả gia đình về Cà Mau, nơi có chiến công đánh chìm tàu Lơ-toa-năng loại lớn của thực dân Pháp ở Mương Ðiều, quê tôi”...
Mười chín năm sống trong lòng đất Bắc, hai năm ở xứ sở kho truyện Tàu mà ông đã đọc. Ðất Bắc chẳng những là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, đất Bắc - Yên Bái, còn là quê ngoại của các con ông. Rất thú vị khi ông ngân nga mấy câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:
“Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
Về hưu, với tinh thần lạc quan như áng văn của Hỷ Khương: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Cuộc đời như nước chảy mây trôi/Lợi danh như bóng mây chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời”. Với phương châm sống vui, sống khoẻ, sống có ích, ông Dương Thanh Toàn hết nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ Khóm 6, Phường 2, rồi Bí thư Chi bộ Khóm 7, Phường 8, Trưởng ban Liên lạc hưu trí Phường 8, Uỷ viên Thường vụ Hội Người cao tuổi, thành viên Câu lạc bộ Thơ người cao tuổi Phường 8, Hội thẩm Nhân dân TP Cà Mau, 1 trong 30 vận động viên xe đạp tỉnh Cà Mau tham gia chuyến xuyên Việt đến Hà Nội nhân 55 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ và 55 năm ngày giải phóng Thủ đô. Ông còn có vinh dự được 4 vị Chủ tịch nước từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Ðức Thắng, Trường Chinh và Trần Ðức Lương ký tặng huân, huy chương các loại; Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ ký tặng Huy hiệu Kháng chiến Nam Bộ. Năm 2023, được Tỉnh uỷ Cà Mau trao Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng. Mấy lần đến gặp ông để hoàn thành ghi chép này, tôi càng nhận ra chất lạc quan và cả chất thơ ở ông. Chín mươi hai tuổi vẫn minh mẫn và hoạt bát đáng bậc lão trượng. Vậy nên: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui”./.
Nguyễn Thái Thuận