ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 10:48:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ăn Tết ở làng rừng

Báo Cà Mau Tôi đang mở trường tư thục, dạy trên 150 học trò. Bí thư Chi bộ xã Lương Hoà là đồng chí Tư Tài, đem nghị quyết Tỉnh uỷ Bến Tre rút tôi về Ban Văn nghệ tỉnh. Chưa kịp thu xếp đi, thì má tôi (bà Hồ Thị Luỹ) ở Cà Mau qua tới. Má tôi chẻ trái chuối xiêm ra, đưa cho tôi lá thư ngắn của anh Hai Thống (Trần Hữu Vịnh, Bí thư xã Khánh Bình Tây, sau này là Phó bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải) kèm theo mấy lời chú Chín Thép, Uỷ viên Thường vụ xã (viết chung ý là “Đám giỗ làm lớn cúng ông bà, chú phải về quê nhà để cúng ông bà báo hiếu”).

Tiết mục múa “Tay cày tay súng” do biên đạo múa Võ Thanh Hồng dàn dựng (30/10/1972). Ảnh tư liệu

Tiết mục múa “Tay cày tay súng” do biên đạo múa Võ Thanh Hồng dàn dựng (30/10/1972). Ảnh tư liệu

Tôi thu xếp mọi thứ trong một ngày đêm, cho má tôi về Cà Mau trước. Sáng hôm sau anh tôi đem xe lam pết-ta, ăn mặc sang trọng như công chức, qua Lương Hoà rước tôi từ Bến Tre tìm xe về Cà Mau. Lính nguỵ thấy chúng tôi sang trọng nên chúng không hỏi han, ngăn cản gì. Chiều 22 tháng Giêng, tôi vào tới Làng rừng Khánh Bình Tây (ấp Sào Lưới - Mũi Tràm).

Thấy tôi ăn mặc, đi giày, đội nón trắng, anh em trinh sát của ta báo có một tên Việt gian xâm xâm vô làng rừng. Ðến chừng gặp nhau, mừng vui sao kể xiết! Chú Chín Thép vỗ đầu tôi: “Có cháu về, phong trào thanh niên sẽ lên cao”. Anh Hai Thống nhìn tôi, xúc động: Các cháu con tôi thường nhắc chú...

Sau đó, Tư Giàu, Hai Ðá, Ba Hồng, Tư Thoại, Dinh... những bạn bè, cũng là những đoàn viên, là học trò cũ của tôi mấy năm trước chạy lại mừng vui, ôm tôi mà rưng rưng nước mắt.

Chú Chín Thép liền phổ biến kế hoạch mừng Tết Làng rừng Khánh Bình Tây Canh Tý (1960) có mời làng rừng bạn, Huyện uỷ và Tỉnh uỷ Bạc Liêu, mời các cơ quan huyện, tỉnh ở gần làng rừng mình... chuẩn bị cho hơn 150 khách (hoặc 200 khách).

Anh Hai Thống đề nghị mời hết anh em vào phòng khách, uống trà, ăn bánh trò chuyện, phân công nhau kỹ hơn và chọn chòi nóc vỏ tràm cho chú Bá ở, bố trí cho chú gặp lại cô Út Chúc nhân Tết này.

Tôi bước qua mấy trảng choại, bồn bồn được hàng ngàn cây tràm cổ thụ cao vút đổ bóng che chắn cho máy bay địch không phát hiện được nơi ở của ta. Ngày nào L19 (máy bay trinh sát của Mỹ, mà bà con ta gọi là đầm già) cũng quần đảo, phóng pháo, nhưng ta vẫn lặng im để chúng không phát hiện.

Ðến một nhà khách cao lớn, mát mẻ, lợp vỏ tràm, ván tràm đóng chung quanh theo nghệ thuật xây đình chùa Việt. Anh Hai Thống nói, ta đã xây cất xong hội trường ngồi đủ 200 người, có sân khấu biểu diễn văn nghệ ca vũ, và có bục đặt micro để lãnh đạo diễn thuyết...

Ta lót ván tràm làm sân khấu cho đoàn văn công tập dượt các bài múa vũ Liên Xô, Trung Quốc và Tây Nguyên. Nhà nấu ăn, nơi chống khói, nước rửa chén bát, nguồn nước sạch, kể cả cầu vệ sinh... cũng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn, vệ sinh cho tất cả khu Làng rừng Khánh Bình Tây.

Tư Giàu, Hai Ðá nói: Khi anh đi Sài Gòn, chúng tôi vô làng rừng với 200 anh em khác vác lúa gạo cho làng rừng. Nhưng vác lội 2, 3 lần đường cũ bị lầy phải đạp đường mới. Nhưng tuổi trẻ Khánh Bình như anh Phan Minh Tánh (sau này là Bí thư Khu đoàn Tây Nam Bộ) nói: “Nhanh như máy bay, xoay như chong chóng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”.

Lúc anh Hai Thống và chú Chín Thép bảo tôi từ giã bạn bè để đưa tôi vào căn chòi vỏ tràm nhỏ gọn mới làm xong chiều qua. Tôi đi trên cây tràm lớn, được anh em hạ ngã xuống nối nhau làm đường đi tới lui, liên lạc các cụm chòi làng rừng. Anh Hai và chú Chín bảo tôi vô chòi ngồi trên ghế chờ họ đưa Út Chúc tới. Tôi nhớ, khi hát bài “Hồ Chí Minh - Cha chúng ta về” để đón chào Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu đến thăm trường Nhà Máy (năm 1957), Trà Thị Chúc mới có 15 tuổi. Lát nữa đây tôi sẽ gặp cô gái xinh đẹp 18 tuổi.

Chiều ấy, ánh hoàng hôn từ vịnh biển Thái Lan xuyên qua rừng tràm và dớn choại, chiếu vào căn chòi. Tôi và Út Chúc đang ngồi chuyện trò, ráng chiều xuyên qua chúng tôi. Tôi hỏi, bao người thân ai còn ai mất và sẽ quyết tâm trả thù. Chúng tôi nói chuyện cho tới khuya. Tôi dùng đèn pin co đưa Út Chúc về mà lòng cứ vấn vương.

Hôm nay còn 9 ngày nữa là ăn Tết làng rừng. Ban tổ chức cần tới 5 cưa xả mới đủ gỗ tràm lót sàn chứa 200 người và khán đài, phòng trà, phòng nghỉ cho 100 nữ đàng hoàng (chỗ tắm rửa, giặt giũ chu đáo).

Than để nướng thức ăn cho khách phải dự bị 1 tấn than, 500 con tôm càng lớn, 500 con cá lóc cơi, 5 lít mật ong để pha nước mắm và thấm thịt nướng, nấu ca ri 5 con trăn (mỗi con 30 kg), 2 con heo rừng, 3 con nai (những vật thực này do chú Hai thợ săn (kinh Lung Tràm) và chú Tám Mật ở rạch Giồng Ông cho).

Cá chẽm, cá ngát, cá biển, ruốc, tôm tép do anh em ghe cào lưới (Sào Lưới, Mũi Tràm, Ðá Bạc đem cho). Bánh tét, bánh ít, bánh ú nước tro do chị Tư Lèo vận động bà con ở Công Nghiệp, Rạch Lùm gửi cho 5 xuồng. Nước đá và Lavie (bia) chai do Hai Huệ, đoàn tàu viễn dương đi tàu hai đáy vượt biển gởi tặng từ bãi biển Mũi Tràm.

Cờ sao Tổ quốc và cờ Ðảng do đồng chí Năm Bằng, Phó bí thư Huyện uỷ, Trưởng ban Quân sự tỉnh chỉ huy; hình ảnh lãnh tụ Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Ðông... ta có đủ.

Tất cả các loài hoa phù hợp với ngày Tết làng rừng đều được học trò cũ của ấp Nhà Máy chọn hoa và rọng cho hoa tươi sống lâu để trưng dịp Tết làng rừng.

Cho dù L19 luôn soi mói quần đảo, nhưng cách nghi trang khéo léo của ta làm chúng không phát hiện được. Chiều 29 Tết, chúng phóng pháo rồi về.

Từ 2 giờ sáng, bác Hai Sơn và bác Sáu Ðạt đã giục Hai Ðông thức dậy lấy máy Kole 7 đặt lên xuồng be chín chạy xuống làng Trương Phùng Xuân, quẹo vô kinh Làng rừng Khánh Bình Tây. Nước dưới kinh bị máy Kole 7 ép xô ào ào hai bên mé. Sương đêm và mạng nhện vướng vào đầu cổ hai ông già, nhưng xuồng máy cứ việc rấn lên như bay tới. Tờ mờ sáng là Hai Ðông đã đưa hai ông cụ tới nơi. Chú Chín Thép và anh Hai Thống hiểu ý nên nấu nước châm trà, mời hai ông cụ lên phòng khách.

1 giờ sau mới tới xuồng chị Út Bình, chị Sáu Nữ - phụ nữ khu, chị Ba Dân, chị Tư Hiên - phụ nữ huyện Trần Văn Thời. Ðội vệ sĩ chạy qua rạch Công Nghiệp rước chú Sáu Thinh (chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa).

10 giờ trưa hôm đó, 5 vỏ lãi chở các anh, các chú Bí thư Huyện uỷ Ba Biền, Phó bí thư Chín Cư, anh Ba Ngọc, anh Tư Văn, anh Chín Khung (Văn phòng Huyện uỷ); Tư Ninh, Năm Tâm (Ðội bảo vệ Huyện uỷ)... Từ xã Khánh An qua, có anh Ðoàn Thanh Vị (sau này là Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải) chở 1 xuồng 9 người; xã Nguyễn Phích, anh Năm Sa cũng đến 1 xuồng máy 9 người, mặt ai cũng tươi như hoa; xuồng máy ở Làng rừng Thới Bình chở 15 người cũng vừa kịp đến...

Theo quy định của Ban Chỉ đạo, khu vực làng rừng năm 1959 xã Khánh An đã ăn Tết lớn một lần, Tết năm nay (năm 1960) Làng rừng Khánh Bình Tây ăn Tết lớn một lần này rồi Ðồng khởi.

Công tác chuẩn bị đã hoàn thành, 12 giờ chào cờ hành lễ. Ban Chỉ huy Huyện đội thực hiện nghi thức chào cờ, mặc niệm liệt sĩ và tất cả hướng về chân dung Bác Hồ. 3 đoàn văn công thay nhau múa hát trong 2 giờ liền, có tiết mục nghệ sĩ Út Chúc hát bài: “Hồ Chí Minh - Cha chúng ta về”, giọng xúc động, lời bài hát thiêng liêng.

Sau đó, các cán bộ lãnh đạo nói về Ðảng, Bác Hồ, công việc kháng chiến, sự tuyệt vời và bất hủ của Làng rừng U Minh - Cà Mau... Dịp Tết Canh Tý năm 1960 được tổ chức tại Làng rừng Khánh Bình Tây mãi là dấu ấn khó phai mờ./.

 

Nguyễn Bá

 

Miền nhớ thiêng liêng

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra trang trọng, ý nghĩa trên đất Cà Mau. Ngược miền ký ức, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam như được sống lại giai đoạn thiêng liêng của cuộc chuyển quân lịch sử. Họ gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào, bao câu chuyện về những ngày chiến đấu, lao động, học tập nối mạch ùa về...

Ðại tá từ du kích

Trong các bạn bè, đồng đội cùng hàm, trên dưới tuổi tám mươi, Ðại tá Trần Công Bình (Út Bình) có lẽ là người đậm chất từ du kích, tên ông gắn liền với du kích Thạnh Phú một thời lẫy lừng chốt chặn phía Nam tỉnh lỵ An Xuyên, bảo vệ vùng giải phóng Nhà Phấn, Rạch Mũi trong tầm đại bác của địch.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.