Trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,... là những mục tiêu mà tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hướng tới.
- Cà Mau sẽ có tuyến đường ven biển trên 8.300 tỷ đồng
- Ngày mới trên đê biển Tây
- Thúc đẩy kinh tế từ cảng biển
Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để vừa khai thác hết tiềm năng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người dân các huyện, xã, thị trấn ven biển nhưng vừa quản lý hiệu quả tài nguyên biển đảo, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Ðây không chỉ là mong muốn của chính quyền các cấp mà còn là ước vọng tương lai của hàng chục ngàn ngư dân Cà Mau.
Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) là nơi có đội tàu khai thác lớn nhất tỉnh. Ảnh: HUỲNH LÂM.
Ðộng lực giữ nghề, giữ biển
Từ bao đời nay, ngư dân luôn gắn đời mình với biển. Ðộng lực để họ vượt qua những cơn sóng lớn, gió mạnh giữa biển khơi là kỳ vọng tàu được đầy ắp tôm cá khi vào bờ. Sau mỗi chuyến biển là những câu chuyện nghề, chuyện đời và những ước vọng lại được dày thêm.
Mới bước qua cái tuổi 45 nhưng anh Nguyễn Văn Bảo (Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) đã có hơn 25 năm lênh đênh theo con sóng. Từng làm thuyền viên, sau đó là tài công trên con tàu do mình làm chủ, nên đối với anh Bảo, biển là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình. Anh tâm sự: “Nếu được lựa chọn lại thì tôi cũng sẽ vẫn chọn nghề biển, dù biết phải đối diện với hiểm nguy, gian khổ nhưng nghề nào cũng vậy, đều có lúc vui, lúc buồn. Nghề biển đôi lúc phải đối diện với cơn sóng lớn, những trận mưa như trút nước, thậm chí là cơn gió mạnh khủng khiếp, nhưng chính nó đã mang lại cho gia đình tôi và hàng ngàn hộ dân bám biển cuộc sống ấm no, sung túc, thậm chí nhà lầu, xe hơi...”.
Cửa biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) là nơi có đội tàu khai thác lớn nhất tỉnh.
Ðây chính là động lực để anh Bảo và hàng ngàn hộ dân theo nghề khai thác trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám biển. Ðối với bà con ngư dân, họ chỉ mong ước sóng yên, biển lặng để mỗi chuyến biển đều được bình an, để có thể giữ nghề, giữ biển.
Nghề đánh bắt xa bờ vất vả là vậy, thế nhưng nghề biển gần bờ cũng không ít chông chênh. Không ra biển được do thời tiết trên biển có gió lớn, anh Nguyễn Văn Vũ (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) ra khu vực bãi bồi ngoài đê biển Tây mò bắt cua, ốc, tôm tít... Anh Vũ tâm sự: “Làm nghề lưới ven bờ nên thu nhập bấp bênh lắm, có ngày may mắn kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có lúc không đủ tiền xăng. Nếu xảy ra mưa bão, sóng lớn phải nghỉ vài ngày thì xem như thiếu hụt, mà mùa này thì tình trạng như thế thường xuyên lắm. Muốn vươn khơi thì không có vốn, muốn chuyển sang nghề khác thì cũng chẳng biết làm gì”.
Dù khai thác xa bờ hay gần bờ, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh đều có chung một tình cảnh, đó là, có lúc tàu cặp bờ đầy cá tôm nhưng cũng không ít lần phải lấy tiền nhà để bù chi phí và trả công bạn tàu. Tuy nhiên, niềm tin và hy vọng mỗi khi tàu được nổ máy hướng ra biển là chưa bao giờ tắt. Bởi đối với họ, tàu, biển là nhà, là nguồn kinh tế giúp cuộc sống gia đình ổn định, sung túc hơn.
Hướng đến phát triển bền vững
Thực tế cho thấy, kinh tế biển của tỉnh đang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ngoài kinh tế thuỷ sản, đến từ hoạt động khai thác và nuôi biển thì du lịch và dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp và đô thị ven biển, kinh tế hàng hải được xem là những lĩnh vực quan trọng.
Hạ tầng phía bờ Nam Sông Ðốc ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi để nghề biển cũng như các dịch vụ nơi đây phát triển nhanh.
Xác định phát triển đi đôi bảo vệ, những năm qua Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tái tạo tài nguyên môi trường, khôi phục nguồn tài nguyên biển. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, tỉnh đã thả được 900 khối rạn nhân tạo hình lập phương, bằng bê tông cốt thép, trên khu vực vùng biển Tây tỉnh Cà Mau. Ðồng thời, đã thành lập được tổ đồng quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo, gồm 15 thành viên tham gia, với 33 tàu cá. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, triển khai phương án “Thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cap kết hợp với chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác trái phép vùng biển ven bờ tỉnh Cà Mau”.
Có thể thấy, đây là sự biểu hiện rõ nhất sự chuyển biến trong nhận thức của ngư dân, họ không còn tập trung vào khai thác bằng mọi cách, mọi hình thức để phát triển kinh tế gia đình nữa, mà đang phối hợp với chính quyền địa phương cùng làm, cùng quản lý để cùng hưởng.
Hiện nay, việc ra khơi của ngư dân đã được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn quan tâm sâu sát, để không chỉ đảm bảo cho những chuyến biển an toàn mà còn vì nghề biển bền vững. 100% tàu cá xuất, nhập bến được kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng; theo dõi, giám sát 24/7 tại hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã triển khai 33 lượt tuần tra, kiểm soát trên biển; thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng và 1.425 lượt tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển...
Phát triển kinh tế biển xanh hiện nay là xu hướng tất yếu, do đó, phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau” của UBND tỉnh đề ra. Theo đó, bên cạnh việc triển khai thực hiện các đề án, dự án để phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển... thì việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện, các xã, thị trấn ven biển, các đảo, nhằm kết nối với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng (như: du lịch và dịch vụ, năng lượng tái tạo, công nghiệp, kinh tế hàng hải...) đang được ưu tiên.
Tuyến giao thông trên đê biển Tây là trục giao thương quan trọng, thúc đẩy kinh tế biển phát triển trong tương lai.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các huyện, xã ven biển, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng biển, các khu kinh tế, ven biển... bằng những chính sách ưu đãi khuyến khích. Mục tiêu là phát triển kinh tế biển xanh, bền vững và gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với sản lượng hơn 230 ngàn tấn thuỷ hải sản từ hoạt động khai thác, cùng với đó là những dư địa lớn về năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch... kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai không xa./.
Nguyễn Phú