(CMO) Tôi gọi ông qua điện thoại, hỏi thăm về hoạt động của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau trong trận Mậu Thân 1968. Ông nói “có nhiều chuyện để kể lắm…”.
Và không để tôi xuống thị trấn Cái Nước gặp ông như đã hẹn, mấy hôm sau, nhân chuyến ra Cà Mau có việc, tôi được ông tạo điều kiện cho gặp. Ông bảo “sẵn tiện gặp luôn, khỏi mất công bây lặn lội tới dưới”.
Ông là vậy, giản dị, gần gũi, không màu mè, khách sáo. Với cách nói năng dí dỏm, mạnh mẽ, khí khái (nhiều người bảo ngang tàng), có mặt ông ở đâu là nơi đó sôi động hẳn. Tuổi đã gần 80, nhưng trí nhớ ông còn khá minh mẫn. Ông kể lại chuyện hoạt động của đoàn cách đây nửa thế kỷ đầy hào hứng, nghe như mới hôm nào. Ông chính là Soạn giả, Đạo diễn, NSƯT Huỳnh Hảnh, nguyên Phó Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau.
Ký ức Mậu Thân
“Hồi đó, đoàn vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền vũ trang đồn bót, phát động quần chúng nổi dậy, kêu gọi binh sĩ về với cách mạng, vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội, phục vụ đồng bào vùng ven... Đoàn thường chia làm 2 đội để cơ động trong phục vụ. Những lúc như thế, sân khấu sơ sài, chỉ là những khoảnh đất trống được che chắn tạm. Khi có sự kiện quan trọng, biểu diễn lớn thì tập trung đoàn, làm sân khấu đàng hoàng”, ông kể.
Một điều đặc biệt là những đợt đánh lớn, đoàn luôn bám sát các đơn vị bộ đội. Biểu diễn phục vụ văn nghệ trước khi ra trận. Chuẩn bị vở diễn, tâm thế, trực chiến để khi vừa thắng trận là phục vụ mừng công…
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông có những kỷ niệm khó quên. Ông kể: “Tôi dẫn một đội hơn 10 người phục vụ cánh quân bên Cà Mau Bắc. Mới đi khỏi vàm Ô Rô, pháo chụp xuống dữ dội. Mấy anh bên vũ trang nói: “Không được anh Bảy ơi, anh dẫn đoàn về đi để bảo toàn tính mạng cho anh chị em”. Có đắn đo, nhưng không còn cách nào khác, bởi bảo toàn lực lượng của đoàn cũng là một nhiệm vụ chính trị.
Trên đường về, tôi rất tâm trạng. Ngồi ngay trên xuồng tôi viết một mạch hoạt tượng “Nổi dậy” để ca ngợi khí thế xung trận của quân dân ta. Trong đó có những câu như: “Ầm ầm! Bão tố!/Sấm chớp bủa giăng/Trận cuối cùng này đây/Quyết phủ vây quân tàn bạo…”.
Về tới Cái Rắn là tác phẩm hoàn thành. Tôi tiến hành dựng ngay để phục vụ bộ đội, đồng bào”.
Là một trong những đoàn nghệ thuật có tiếng bấy giờ nên rất nhiều vở diễn của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau được Đài Phát thanh giải phóng thu phát sóng. Hoạt tượng “Nổi dậy” của ông cũng được thu và phát trên sóng Đài Phát thanh giải phóng suốt những năm tháng ấy.
Anh em trong đoàn kể, là người sôi nổi, có duyên ăn nói, trước khi đoàn kéo màn biểu diễn, chỉ riêng sự xuất hiện, giới thiệu của ông đã cuốn hút khán giả. Lần diễn ở vùng ven thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau) trước Xuân Mậu Thân 1968, cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.
Ông bảo, đợt 1 trận Mậu Thân, các lực lượng bị tiêu hao nhiều. Biểu diễn ở vùng ven mình còn có mục đích kêu gọi, huy động thêm lực lượng. Khi màn kéo, đại diện đoàn, ông phát biểu mấy lời với đồng bào. Phần kết ông nói: “Đêm nay diễn ở đây có chị Hằng soi sáng Ngày mai khi Cà Mau giải phóng Mời đồng bào đồng chí và các bạn hãy đến Rạp hát Huỳnh Long Ung dung phì phèo khói thuốc Thăng Long Tư duy nhìn xem Văn công biểu diễn”. Vậy là mọi người bên dưới vỗ tay rần rần.
“Đêm đó diễn xong, học sinh, nam nữ thanh niên vùng ven hết tốp này đến tốp khác gặp gỡ anh chị em trong đoàn hỏi thăm, tìm hiểu về cách mạng, chuyện trò gần tới sáng”, ông nhớ lại.
“Thời đó người ta đói văn nghệ lắm. Có đêm, người ta đi 20 cây số để coi là chuyện thường. Có người đi xuồng, có người lội bộ. Coi đến 2-3 giờ đêm lội về, mệt quá ngã ngang gốc dừa, hoặc chui vào đống rơm ngủ. Đồng bào vùng ven yêu cách mạng lắm. Thông qua đoàn, cũng là cầu nối để mình tuyên truyền cách mạng. Thằng giặc biết vậy nên đi tìm kiếm đoàn để diệt. Anh chị em vừa là diễn viên, vừa cầm súng chống trả kẻ thù bảo vệ đoàn”, ông kể.
Rồi giọng ông chùng xuống, đầy tâm trạng: “Cũng đợt 2 chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đoàn lên phục vụ tại Kinh 17, nơi anh Sáu Toàn (Chung Thành Châu) làm Phó Ban Chỉ đạo Thống nhất và trực tiếp lãnh đạo 1 tiểu đoàn, quân số gần 300 người (phần lớn lấy lực lượng Đoàn 962) tập kết ở đó. Khi đọc diễn văn xong, tôi xuống ngồi cạnh anh Sáu Toàn. Không ngờ đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau”.
Lặng im trong xúc động rồi ông kể tiếp: “Lần đó, mình hy sinh nhiều quá. Ngưỡng mộ, tiếc thương, tôi có viết bài ca cổ “Giương cao cờ khởi nghĩa”, trong đó có những câu: Đất mẹ nức nở đau thương ôm chặt bóng hình của những người con yêu sẵn sàng nằm xuống, cho Tổ quốc vươn mình trong ánh nắng ban mai. Đường anh chị đi hôm nào quân thù còn khiếp sợ…”.
Ông lặng đi hồi lâu, dường như hình ảnh của một thời đạn bom, bao mất mát đau thương, nhưng cũng rất đỗi hào hùng như những thước phim được “tua” lại...
Những chiến sĩ xung kích
“Hồi đó, anh em chữ nghĩa ít nhưng có nghề, có tài năng và có tinh thần trách nhiệm, thật sự biết làm văn hoá. Anh chị em rất chịu khó học hỏi để trau dồi chuyên môn và hết lòng phục vụ. Đội ngũ sáng tác rất hùng mạnh. Ngoài tôi, còn có Lâm Tường Vân, Anh Đạo, Bảo Nam, Hữu Thế, Lâm Thế Sư, Thế Phương, Năm Châu, Sáu Cấu, Quang Phong, Lê Phát… Có một sự kiện gì quan trọng, một trận chiến thắng nào đó là anh em tự giác giăng võng ngoài rừng nằm sáng tác, không đợi ai kêu gọi. Sáng tác xong là dựng ngay, vì vậy mà luôn có tiết mục mới, thời sự, nóng hổi, kịp thời phục vụ chiến sĩ, đồng bào”, ông hồi nhớ.
Tuổi đã gần 80, nhưng với NSƯT Huỳnh Hảnh, kỷ niệm phục vụ chiến trường vẫn vẹn nguyên trong ký ức. |
Chẳng hạn, khi Bác mất, anh chị em trong đoàn đều khóc thương. Mấy ngày sau ông viết xong bài “Bác là niềm tin”. Sau chiến thắng Chi khu Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Biên đạo múa Năm Châu sáng tác và dàn dựng tiết mục “Tiếng trống mừng công”. Khi Nguyễn Việt Khái, du kích xã Tân Hưng Tây, bắn 8 viên đạn cạc-bin hạ 4 trực thăng Mỹ, đoàn sáng tác và dàn dựng tiết mục múa “Chào mừng chiến công anh”. Trận Đất Cháy, ta tiêu diệt 1 đại đội thám báo gần 80 tên và bắn rớt 7 máy bay, tác giả Lâm Tường Vân có vở chèo “Giữ đất quê hương”, Huỳnh Hảnh có các chập cải lương vui “Đau đầu”, “Sập bẫy”…
Không chỉ làm nhiệm vụ biểu diễn, anh chị em văn nghệ sĩ còn phải lo đời sống. Sau Mậu Thân, địch phản công quyết liệt. Lương thực, nước uống không còn, đường viện trợ bị cắt, đoàn phải tự lực cánh sinh. Ông kể: “Anh Mười Mây (Lâm Tường Vân), Trưởng đoàn, cùng anh em trong đoàn đi bắt ba khía muối, hái bông súng, rau rừng đưa lên đồng bằng bán lấy tiền mua gạo cho anh em. Có lúc hết gạo, anh em phải kéo nhau đi đào đất mướn…”.
Xác định là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá văn nghệ, nên ngoài cầm súng chiến đấu bảo vệ đoàn, anh chị em còn có những hành động dũng cảm ngay trong biểu diễn phục vụ. Ông kể, lần Trung đoàn 10 (Đ10) đánh bọn thám báo ở Đất Cháy (Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời), sau khi bắn cháy máy bay, một số tên giặc còn sống sót ém vô các bờ sậy, mương vườn… tiếp tục kháng cự. Đoàn được chỉ đạo kêu gọi đầu hàng.
“Đồng chí Út Huệ (phụ trách âm thanh), Hoàng Chiến, Hoàng An (diễn viên) nhảy ra khỏi công sự, bất chấp làn tên mũi đạn chạy đi lấy loa, máy. Út Huệ mở máy, Hoàng Chiến cầm loa, Hoàng An cầm micro kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, các anh đã thất thủ, bị bao vây, hãy đầu hàng đi, sẽ được khoan hồng trở về sum họp cùng vợ con. Bằng không chúng tôi buột nổ súng tiêu diệt…”. Như vậy là rất nguy hiểm, chẳng khác nào thách thức: Tao đây nè, bắn đi. Vậy mà anh em không đắn đo, vẫn làm. Mà cái hay là mấy phút sau, tụi nó lần lượt kéo ra, Đ10 bắt trói hết ráo”, ông hào hứng kể.
Không chỉ giữ vai trò quản lý, tham gia sáng tác, đạo diễn, ông còn là diễn viên. Bản thân ông có rất nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có một kỷ niệm “suýt toi mạng”.
Lần đó diễn vở "Tình riêng nghĩa cả" (ở Ông Tự, Lợi An, huyện Trần Văn Thời), ông đóng vai Chuẩn uý Bình gian ác. Đang diễn, bỗng một loạt súng bắn lên sân khấu, màn, phông sập hết. Thì ra có anh bộ đội vì căm thù tên Chuẩn uý Bình đã không kìm nén được.
“Khi mọi việc tạm ổn, sân khấu được dựng lại, lúc đó tôi đang mặc đồ lính nguỵ rằn ri nên không dám lộ diện, chỉ hé màn đưa mặt ra nói: Có lẽ chúng tôi hoá thân vào nhân vật đạt quá nên anh em căm thù. Đấy là thành công của đoàn. Trước tiên tôi cũng cảm ơn mấy anh bộ đội không chỉ đánh giặc giỏi còn say mê nghệ thuật. Tôi xin đại diện đoàn cảm ơn đồng bào, đồng chí. Bây giờ xin đồng bào, đồng chí để chúng tôi tiếp tục kéo màn biểu diễn cho hết vở”, ông kể.
Sau đó, ông Sáu Cao (Đinh Tấn Lực, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Đặc công tỉnh Cà Mau) gặp ông nói: “Thấy nó giơ súng cạc-bin lên bắn, tôi liền nhanh tay đỡ hất lên. Anh này người Khmer, gia đình bị giặc tàn sát nên căm thù giặc tột độ. Mạng anh còn lớn lắm đó, hổng có tui thì anh chết rồi”.
Cả đời sống với nghệ thuật, sau giải phóng ông còn công tác một thời gian dài, giữ nhiều chức vụ như Trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin trước khi nghỉ hưu. Nhưng ở ông, tôi cảm nhận hình như cái thời đẹp nhất chính là những năm tháng diễn hát dưới mưa bom, lửa đạn. Sống trong khó khăn, gian khổ nhưng đầy niềm tin, lòng yêu nước, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Bởi với ông, “làm nghệ thuật trước nhất phải có tài. Và cái tài đó phải phục vụ lợi ích cho đất nước, Nhân dân". Văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, như Bác Hồ từng nói./.
Ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau được Chủ tịch nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Các nghệ sĩ: Huỳnh Hảnh, Kim Chi, Anh Đạo, Minh Đương được phong tặng nghệ sĩ ưu tú. Trong 15 năm phục vụ kháng chiến, đoàn có những mất mát to lớn không gì bù đắp được, đó là 7 anh chị em của đoàn mãi mãi nằm lại chiến trường. |
Huyền Anh