(CMO) Con đường hành lang ven biển phía Nam như nối gần khoảng cách về Biển Bạch. Ai ngờ ở vùng hoang vu ngày nào lại có đường to đẹp như vậy. Cũng như ai mà tin, Biển Bạch bây giờ là đất học, là nơi cả huyện Thới Bình ngóng về để nể phục và tin tưởng.
Như đã hẹn, chúng tôi về thăm Biển Bạch, xã "phên giậu" của tỉnh Cà Mau. Vùng đất này ở mạn Tây Bắc, theo dấu tiền nhân được khẩn hoang khá sớm, tuy nhiên, một thời được gắn với cách gọi “đất nghèo”. Anh Tuấn (Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Biển Bạch) thông tin thêm: “Trước đây, Biển Bạch còn nằm chung một phần của Khánh Thuận, huyện U Minh bây giờ. Đời sống bà con phải nói là vất vả”. Rồi con tôm, cây lúa đã phần nào giúp người dân nguôi ngoai đi mặc cảm nghèo khó.
Thế nhưng, có một câu chuyện khác, một câu chuyện cổ tích có thật ở đất này, đó là việc học hành đã xây dựng nên diện mạo và sức vóc của Biển Bạch hôm nay. Giá trị của con chữ đã thấm vào thớ đất, lòng người để cùng gây dựng tương lai.
Giờ lên lớp của cô trò Trường Tiểu học Biển Bạch Tân. |
Ông Hai Quang (Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học Thới Bình), tuổi thất thập, thâm niên làm khuyến học vài chục năm, chạy xe gắn máy ngon lành. Ông cười hóm hỉnh với chúng tôi: “Nè, anh Út Thành (đồng chí Trịnh Minh Thành, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh) dám cá với anh em là ai làm khuyến học mà chạy xe qua Hai Quang này thì cái gì cũng thua”.
Tới đây, tự dưng lại thấy nhớ thầy Vượng (Lê Văn Vượng), ông Sáu Sơn (Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp), cũng ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn miệt mài, ngược xuôi làm công tác khuyến học. Nhiều lần trò chuyện với các chú, có một điều chắc chắn được nhắc đi nhắc lại: Đất Cà Mau là đất học. Người tài Cà Mau không thiếu, người thành đạt rất nhiều. Tất cả đều bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn và sự hiếu học của nhiều thế hệ.
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Biển Bạch Nguyễn Đức Thắng thông tin sơ lược: “Biển Bạch là xã đầu tiên của huyện được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập cấp xã. Hiện địa phương có gần 1.300/1.800 hộ được công nhận gia đình học tập và 8 dòng họ học tập”.
Học sinh Trường Tiểu học Biển Bạch Tân dù còn nhiều khó khăn vẫn say mê học tập, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. |
Từng có thời gian giảng dạy, rồi làm công tác quản lý giáo dục ở Biển Bạch nhiều năm, ông Thắng kể: Hồi sau bão (năm 1997), trường tiểu học nơi ông làm hiệu trưởng tan hoang. Ông phải tất tả dựng lại trường lớp tạm để học sinh tiếp tục việc học. Cũng sau cơn dông tố của đất trời, nhiều học sinh vì hoàn cảnh bỏ luôn trường, lớp. Ngày đó, người hiệu trưởng phải đi xuồng, lội bộ đến từng nhà để vận động các em trở lại học.
Vậy rồi, cái nhận được của ông chỉ là thái độ thờ ơ của phụ huynh, ánh mắt thập thò, tiếc nuối của các em. Vị hiệu trưởng thở dài: “Không cho mấy đứa nhỏ học rồi tương lai của nó ra sao?”. Câu trả lời sau này cũng rõ, ông Thắng tiếp lời: “Có em sau này gặp tôi, ngồi khóc rưng rức, nói phải chi hồi đó ráng học hành thì giờ đâu có cực cỡ này”.
Thầy giáo trường làng hết làm nghề “gõ đầu trẻ”, quay sang làm công tác khuyến học. Ông là nhân chứng sinh động cho một bước ngoặt kỳ lạ, sự thay đổi mà ngay cả ông cũng không thể tin được: Dân Biển Bạch quyết lòng đầu tư cho con em học tập. Từng gia đình, dòng họ, nhánh xóm xa… đâu đâu cũng bàn chuyện đầu tư cho tri thức.
Cái gì cũng có nguyên cớ, chẳng thể tự nhiên. “Mở hàng” cho chuyện cổ tích ấy chính là dòng họ Nguyễn Tử. Anh Nguyễn Tử Tâm (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Biển Bạch Tân) thổ lộ: “Nhà tôi 7 anh em, từ miền Bắc vô đây. Hồi đó nghèo tới mức cơm ăn không đủ no. Vừa lớn lên là phải lao động phụ giúp gia đình, nhưng cha tôi kiên quyết không cho ai bỏ học”. Kết quả là gia đình “nheo nhóc” của họ Nguyễn Tử cả 7 người đều học hành đến nơi đến chốn, có cuộc sống ổn định.
Ông Thắng phấn chấn: “Cả họ Nguyễn Tử có vài chục bằng đại học, có cả thạc sĩ, mấy đứa đang học chưa tính đâu”. Chuyện anh em nhà Nguyễn Tử nhịn đói đi học thành tài, lội bộ hàng chục cây số tới trường lớp, đậu ngành này, làm nghề nọ trở thành giai thoại đẹp ở đất quê. Đi đâu người ta cũng nói họ Nguyễn Tử đã “mở hàng” và “mở đường” để con em Biển Bạch nở mày nở mặt với thiên hạ.
Anh Nguyễn Tử Tâm nói về một kỷ niệm của dòng họ mình: “Tôi có người anh thứ tư, nuôi hai đứa con học đại học. Anh khó khăn nhưng ngại không dám chia sẻ cùng ai, chúng tôi biết được, mỗi người một ít phụ anh nuôi cả 2 đứa thành tài”.
Ở Biển Bạch, mỗi dịp có giỗ chạp, họp mặt, ngoài chuyện lúa - tôm, sức khoẻ thì chuyện học hành là “xôm tụ” nhất. Người có dăm bảy chục công đất ngồi nói chuyện với nhà có 5, 7 bằng đại học thì chưa biết “ai trên kèo ai”. Cũng trong những dịp ấy, những khó khăn, thiếu thốn của từng gia đình cũng được san sẻ, giúp đỡ để không có bất cứ con em nào phải bỏ học giữa chừng. Không khí học tập thấm sâu vào nếp nghĩ, cung cách sinh hoạt gia đình và là chủ đề mà cả cộng đồng quan tâm.
Niềm tin càng nhân lên khi Biển Bạch giờ có rất đông cử nhân, kỹ sư, giảng viên, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ… ở nhiều lĩnh vực ngành nghề và đang công tác ở nhiều địa phương. Cứ vào dịp đầu năm, hoặc có những sự kiện của quê hương, những người con ấy lại về, góp sức nhỏ của mình vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.
Ông Thắng chắc nịch: “Đó, người thật, việc thật, tự nhiên sẽ tạo ra được động lực để con em mình phấn đấu học hành”. Điều hằng ngày cha mẹ, người lớn dạy dỗ các em là: “Dù có làm nông dân thì có chữ, có tri thức cũng tốt hơn. Xã hội bây giờ, dốt coi như là đồ bỏ”. Ông bà nói đúng, “mưa dầm thấm lâu”, cái sợ của những thế hệ tương lai Biển Bạch không còn là cái ăn, cái mặc mà chính là sợ dốt.
Xây dựng cộng đồng học tập là chủ trương rất hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước. Riêng ở Biển Bạch, mô hình cộng đồng học tập cấp xã là cái rất mới, cái tiên phong của cả tỉnh Cà Mau. Trong cộng đồng ấy, việc chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện và huy động các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp giáo dục được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, quan trọng. Học tập ở đây là học tập suốt đời, học từ cách làm người, cách làm ăn, tri thức, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Anh Tuấn phân tích: “Phải bắt đầu từ nhận thức, thay đổi được nhận thức thì mới làm được các công chuyện khác”. Như vừa đầu năm học mới này, bậc THCS tại xã có 1 em bỏ học. Lãnh đạo xã, nhà trường, Hội Khuyến học đến nhà động viên, rốt cuộc em này cũng trở lại lớp. Biển Bạch hầu như đã chấm dứt được tình trạng bỏ học, thực hiện phổ cập toàn dân các mục tiêu giáo dục.
Như sực nhớ điều gì, ông Thắng vỗ tay mạnh: “Ờ, cháu coi như vầy có phải Biển Bạch mình là đất học không nhé. Mấy anh em Nguyễn Tử rước đứa cháu ngoài Bắc về đây, nuôi ăn học đàng hoàng, bây giờ là giáo viên Trường THCS Nguyễn Thiện Thành đó”.
Câu chuyện nghe có vẻ gãy gọn, nhưng trong đó chất chứa nhiều giá trị nhân văn. Hoá ra ở đất Biển Bạch, tiếng thơm học hành đã được “gieo trồng” từ những con người bình dị như thế. Các chú, các anh đi làm khuyến học hầu như chẳng có chế độ đãi ngộ nào, “ăn cơm vợ, xin tiền nhà” để theo đuổi quyết tâm gieo chữ trên đất khó. Điều vui nhất, sung sướng nhất, như lời ông Thắng nói: “Tụi nhỏ thành tài, về chào mình một câu. Lên phát biểu với các em học sinh, tôi là người Biển Bạch, vậy thôi, nhưng… đã lắm”.
Ghé thăm Trường Tiểu học Biển Bạch Tân, nhiều em vẫn phải ngồi xuồng để đến lớp, ăn mì tôm để cầm cự giữa hai giờ học. Cơ ngơi của trường chưa thật khang trang, đường đến trường của các em vẫn còn vất vả, nhưng niềm vui được học hành, niềm tin vào con chữ thật sự hiện hữu trên từng ánh mắt, gương mặt. Có em học sinh chạy lại khều khều chú nhà báo rồi bẽn lẽn nói: “Con ráng học để sau này làm báo như chú”. Mình bật cười, nhớ tới đứa con trai răng sún, cũng cười ngoác miệng rồi nói như dao chém chuối: “Sau này con cũng làm nhà báo như ba”. Ừ, thì ai cũng có ước mơ, và con đường bắt đầu từ việc học tập của hôm nay.
Nhìn sự học ở nông thôn, ngẫm ra đủ các kiểu học thêm, ngày 3-4 buổi… của trẻ con thành thị thật sự vô cùng ái ngại. Các em học đến mức không còn thời gian để chơi, và như nhiều người ví von là người lớn “ăn cắp tuổi thơ” của con trẻ. Mục tiêu của xã hội học tập, cộng đồng học tập không phải chỉ là nhồi nhét kiến thức, chữ nghĩa. Xã hội học tập, cộng đồng học tập là nơi mà mỗi cá nhân ở đó được tạo điều kiện để phát huy khả năng, khắc phục khuyết điểm, học được cách sống sao cho có ích, có ý nghĩa. Con chữ có thể xây đời, nhưng nếu cực đoan hoá cũng sẽ phản tác dụng.../.
Phạm Hải Nguyên