ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 13-11-24 05:31:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Ngày ấy chúng tôi đi

Báo Cà Mau Chiến tranh kết thúc sau 21 năm, tôi kịp về sống giữa lòng mẹ như những ngày thơ bé, kịp quấn trên đầu chiếc khăn tang khi mẹ qua đời. Tôi cũng kịp nhận ra niềm hạnh phúc của đứa con được sống bên cạnh mẹ.

Ngày ấy ra đi tôi vừa tròn 13 tuổi. Tôi không quên ánh trăng rằm phủ xuống cây cao nơi bến sông nhà. Ðứng dưới đó là mẹ tôi, người nín lặng tiễn chân con. Cả ba tôi cũng lặng im khi đẩy chiếc xuồng con tách bến. Nhưng trên đường đưa tôi lên huyện, điểm tập trung đầu tiên, ba đã căn dặn tôi thật nhiều điều. Háo hức là vậy nhưng tôi đã khóc. Tôi khóc mà không dám bật thành tiếng, vì ba nói, nếu con không muốn đi thì ta trở lại.

Mà tôi thì có khát vọng từ lâu được đi ra Bắc, được gặp Bác Hồ...

Những học sinh chúng tôi thời đó ra đi theo chủ trương của Ðảng, Bác Hồ, Nhà nước nhằm tạo lực lượng để xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng. Là con em của cán bộ, chiến sĩ ưu tú, chúng tôi được Bác Hồ, Ðảng, Nhân dân miền Bắc gọi là những “hạt giống đỏ” của miền Nam.

Thiếu nhi Tây Nam Bộ những ngày đầu tập kết tại Thanh Hoá. Ảnh tư liệu

Thiếu nhi Tây Nam Bộ những ngày đầu tập kết tại Thanh Hoá. Ảnh tư liệu

Ðã có lớp lớp học sinh miền Nam chúng tôi trở về quê hương chiến đấu, bị tù đày và đã nằm xuống rải rác đây đó trên các chiến trường B. Kể cả những người thầy dạy chúng tôi cũng lần lượt lên đường. Có thầy đã hy sinh ngay trên mảnh đất Cà Mau này, như thầy Hiền. Có thầy sau giải phóng làm quản lý nhà trường, như thầy Nguyễn Công Thiêm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ.

Ngày ấy chúng tôi đi háo hức niềm vui và cháy lòng nỗi nhớ. Ba tôi nói là 2 năm nhưng tính từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ thì chỉ còn 18 tháng. 18 tháng không phải là dài nếu nó không trở thành 21 năm. 21 năm cháy lòng đất nước bởi chiến tranh, cháy lòng con người bởi kẻ Nam người Bắc. Nhiều rất nhiều gia đình miền Bắc có con em vào Nam chiến đấu cũng khắc khoải đợi chờ. Bởi cuộc chiến tranh này đâu của riêng ai, mà là của tất cả những người Việt Nam yêu nước, của cả dân tộc Việt Nam.

Ai có ở trong tình cảnh này mới thấu hiểu tình quê hương, nỗi nhớ gia đình của lũ trẻ chúng tôi. 21 năm, chúng tôi đã từng gắn trên áo mình miếng vải tang đen cho vụ thảm sát Phú Lợi, vụ B52 rải thảm ở huyện Trần Văn Thời; các vụ thảm sát dã man ở Hướng Ðiền, Vĩnh Trinh, Ngân Sơn, Sơn Mỹ... Và lần lượt lần lượt cha bạn này, chú bạn kia bị luật 10/59 tàn sát.

Ngày ấy chúng tôi đi chỉ là một lũ nhỏ tứ xứ gom về. Kênh xáng Chắc Băng là điểm tập trung khá lâu. Ở đó, chúng tôi được tổ chức trong các nhóm tổ đoàn, xen lẫn nam nữ, lớn bé, thành thị, nông thôn, miễn là ở độ tuổi học sinh. Ở Chắc Băng chúng tôi được hướng dẫn cách sống tập thể. Từ sáng dậy tập thể dục, vệ sinh nơi ở, cách ăn tập trung, dùng đũa hai đầu. Rồi tập đi đều, sinh hoạt, vui chơi tập thể... Chẳng còn thời gian để chúng tôi nhớ nhà. Chuyến tàu chúng tôi đi là tiết trời tháng Chạp, ngoài Bắc đã lạnh cắt da. Chúng tôi được chuẩn bị trước tinh thần, còn đồ ấm ra Sầm Sơn mới lãnh.

Ở Chắc Băng, đoàn chúng tôi lần lượt đông lên vì các nơi còn tiếp tục đưa con em mình đến. Sau những ngày ở Chắc Băng, đoàn chuyển xuống Rạch Lùm. Nghĩa là từng chặng chúng tôi nhích dần về cửa Sông Ðốc. Những ngày ở Chắc Băng thật vui. Lúc ở Rạch Lùm vì nhà rời rạc không còn sinh hoạt, chỉ có đợi chờ nên thật buồn. Nỗi nhớ nhà trào lên khiến nhiều hôm tôi cứ muốn tìm đường về. May mà chưa đầy tuần lễ chúng tôi được lệnh chuyển ra Sông Ðốc, xuống tàu.

Ðó là một buổi sáng trời buồn, có vài hạt mưa theo kiểu mưa bụi cuối đông. Bến Sông Ðốc lúc đó người đông nghịt. Ðông nhất là bộ đội, cán bộ các cơ quan và gia đình họ, sau là những đoàn học sinh của các tỉnh miền Tây Nam Bộ chúng tôi.

Phía người tiễn cũng đông không kém. Nổi bật là các cô chú trong ban tổ chức tiễn đưa. Kế nữa là người địa phương Sông Ðốc được huy động giúp đỡ, hỗ trợ công tác tiễn đưa và thân nhân những người tập kết.

Tôi nhớ hoài hình ảnh các mẹ, các chị cầm những chiếc khăn rằn lau nước mắt, rồi quàng vội cho người thân. Họ ôm hôn nhau, họ nắm níu nhau thật chặt, nửa khóc nửa cười trong giờ chia tay. Ðể rồi sau đó những chiếc tàu há mồm, những chiếc ghe buồm tách khỏi bến đưa các đoàn người ra tàu lớn.

Còn lại là hai ngón tay, hai ngón tay biểu tượng hai năm của kẻ ở người đi hẹn ngày hội ngộ. Hai ngón tay cứ thế vẫy hoài trong nỗi nhớ.

Bến Sông Ðốc thật vui vì băng cờ, biểu ngữ rợp trời nơi trụ sở, nhà dân, bến sông và trên các con tàu, chiếc ghe buồm đưa tiễn. Kể cả những giọt nước mắt cũng lấp lánh niềm vui và vinh hạnh.

Ngoài xa kia, một chiếc tàu lớn của Liên Xô đang đợi. Cán bộ, bộ đội ra đến nơi lần lượt leo lên chiếc thang dây dài thả từ boong tàu xuống sát mặt nước. Còn lũ nhỏ chúng tôi thì được người lớn ẵm chuyển từ người này qua người khác để đưa lên tàu.

Học sinh được xếp ở tầng 1, nơi ít bị dạ sóng nhất. Còn các gia đình ở tầng 2. Các chú bộ đội nằm tuốt dưới hầm tàu.

Chiếc tàu lớn có bếp nấu, phòng ăn, phòng vui chơi giải trí, phòng tập thể dục, nơi đánh bóng bàn, bóng rổ, cầu lông. Chiều buồn, lên boong tàu đi lòng vòng xem biển.

Bình thường tàu chạy từ Sông Ðốc ra Cửa Lò hoặc Sầm Sơn chỉ khoảng 3 ngày đêm. Chuyến tàu của chúng tôi phải đương đầu với bão, 9 ngày đêm, ngày 9/1/1955 dương lịch mới cập được vào Sầm Sơn (Thanh Hoá).

Hôm tàu cập bến Sầm Sơn, ban tổ chức và bà con tại chỗ ra đón đông nghịt. Chúng tôi được ẵm xuống thuyền nan và đưa vào bờ về các lán trại (với những sạp dài, rộng, lót kỹ những lớp rơm dày cho đỡ lạnh).

Có câu chuyện vui, do bất đồng ngôn ngữ, là chúng tôi mừng thầm khi được hứa về lán trại nghỉ ngơi rồi cho uống nước chè. Chúng tôi tưởng được uống chè sau chuyến đi mệt, nào ngờ chè là trà, chát đắng.

Tiết trời lạnh, học sinh chúng tôi chui vào những chiếc áo bông, đội mũ ấm vào, không còn biết ai là ai nữa, nếu không gọi tên nhau.

Nghỉ dưỡng sức, ăn uống bồi dưỡng ở Sầm Sơn một tuần, chúng tôi được đưa về Nông Cống (Thanh Hoá) ở trong các nhà dân. Lúc bấy giờ chúng tôi đã được phân ra theo lớn nhỏ, cấp học để vào các trường mang số hiệu cụ thể. Như Trường Học sinh miền Nam số 1, số 2, số 3... đến số 27, 28. Và chúng tôi buộc phải tu dưỡng, buộc phải học lần lượt hết các cấp phổ thông, vào các trường đại học trong hoặc ngoài nước.

Học cho thành tài, chúng tôi chỉ lo bao nhiêu đó. Còn cái ăn, cái mặc, sách vở cho học hành, tất cả có Bác Hồ, Ðảng và Nhân dân miền Bắc lo hết cho chúng tôi...

Giờ đây những học sinh miền Nam ngày xưa về quê hương cống hiến, vẫn sống gắn bó với nhau, giúp đỡ nhau trong cái tuổi xế chiều. Hết cống hiến cho đời, họ làm điểm tựa, bệ phóng cho con cháu mình. Họ mong sao những người thân sống có ích, trung thực và nỗ lực cho đời như họ đã từng sống./.


Ðàm Thị Ngọc Thơ

 

CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 - 2024)

Người tạo dấu ấn

Những ngày lập đông 1954, gió chướng thổi mạnh, không khí lạnh từ biển Ðông ùa vào cửa sông Ông Ðốc, cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ, con em các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Nguyễn Ngọc Cung, xuống tàu Kilinski của Ba Lan đi tập kết ra Bắc, lên bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không lâu sau đó, trên đất Bắc, Nguyễn Ngọc Cung trở thành thành viên sáng lập: Hội Sân khấu Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Ðiện ảnh Việt Nam. Ông sáng tác kịch bản phim "Biển động" vào cuối năm 1957.

Cà Mau - Trước, trong và sau tập kết

Chúng ta từng biết Cà Mau không phải là vùng đất hoang sơ “khỉ ho cò gáy”, dân trí thấp kém như một vài “học giả” không sát thực tế đã từng nói. Cũng như không phải nơi tận cùng “hải giác thiên nhai” để cho mãnh thú và tội đồ từ các nơi đến ở với “lính trốn và trốn lính” theo một vài cuốn sách nào đó, làm lem ố những dòng lịch sử chói ngời của vùng đất thiêng, bao phen làm điểm tựa cho lịch sử cả miền đồng bằng Nam Bộ.

Tư liệu quý từ ghi chép của người tập kết

Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra đã 70 năm, những yếu tố về lịch sử, chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, Bác Hồ thì sách báo đã đề cập. Tuy vậy, lớp hậu thế muốn tìm hiểu chi tiết vấn đề lại rất ít thông tin. Trong quá trình gặp gỡ, tiếp cận tài liệu từ nhân chứng (còn lại không nhiều), từ thân nhân, từ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi bắt gặp những trang nhật ký, ghi chép, hồi ức, qua đó giúp phần nào hình dung lại một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt này.

Ngày ấy chúng tôi đi

Chiến tranh kết thúc sau 21 năm, tôi kịp về sống giữa lòng mẹ như những ngày thơ bé, kịp quấn trên đầu chiếc khăn tang khi mẹ qua đời. Tôi cũng kịp nhận ra niềm hạnh phúc của đứa con được sống bên cạnh mẹ.

Cây vú sữa miền Nam - Một biểu tượng tấm lòng

Cây vú sữa miền Nam là một huyền sử bật nổi giữa muôn vàn câu chuyện về tình cảm miền Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Ðó là một sự thật hồn nhiên của cuộc sống bảo vệ Tổ quốc, nhưng nó kỳ diệu là câu chuyện diễn ra trong lúc ta chuyển quân tập kết.

Khẩn trương, chỉn chu các hoạt động kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (5/11), đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc.

Tập trung, quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ công trình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời vào chiều 4/11.

Bây giờ mới nói

Vai trò của lực lượng công an tỉnh Cà Mau trong 200 ngày tập kết ra Bắc

Cà Mau, mảnh đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc, điểm tập kết cuối 200 ngày, nơi sớm có phong trào cách mạng sâu rộng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã trở thành một trong những trọng điểm mà Mỹ - Diệm tập trung càn quét để đánh phá phong trào cách mạng miền Nam. Nhờ làm tốt công tác dân vận và thực hiện nghiêm các nội dung điện mật và kế hoạch chỉ đạo của Trung ương Cục, Phân liên khu miền Tây từ ngày 5/11 đến ngày 14/11/1954, các lực lượng công an trong tỉnh đã cùng quân, dân Cà Mau bảo vệ an toàn 4 đợt chuyển quân tập kết ra miền Bắc.