(CMO) Cà Mau từng là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm các quy định về đánh bắt thuỷ sản và hoạt động trên biển. Nhưng đến nay, an ninh trật tự trên vùng biển Cà Mau đã được lập lại và ngày càng ổn định.
Để đạt được kết quả đó, biện pháp quan trọng nhất được BĐBP và các lực lượng chức năng thực hiện là tăng cường tuyên truyền vận động ngư dân nâng cao kiến thức pháp luật, đồng thời kiên quyết không cho ra biển đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Nhiều nỗ lực giúp dân an tâm bám biển
Cà Mau hiện có trên 5 ngàn tàu đánh cá, trong đó có khoảng 2 ngàn tàu đánh bắt xa bờ. Trước đây, việc kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ nên số vụ tàu cá vi phạm quy chế vùng biển thường xuyên diễn ra; Cá biệt, có tàu còn vượt sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt. Chỉ tính từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017, BĐBP Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm kể trên với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Trung tâm giám sát tàu cá được cán bộ bộ đội biên phòng trực canh 24/24. |
Cùng với biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá. Trong năm 2018, tình hình ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt trong năm 2019, tình hình trên biển được kiểm soát hoàn toàn đối với những tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trung tâm điều hành giám sát hành trình tàu cá được UBND tỉnh giao cho BĐBP Cà Mau quản lý, vận hành. Từ trung tâm giám sát tàu trên 2 màn hình ti vi 55 inch kết nối hệ thống máy tính, sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang hành trình và neo đậu. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình.
Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau, cho biết: Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản; Hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản. Thiết bị này có độ phủ sóng rộng cho toàn vùng biển Đông và vịnh Thái Lan. Có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn. Thiết bị này còn báo cáo được vị trí tự động về trung tâm quan sát đặt tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang hành trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, BĐBP sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho gia đình chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại, nếu cố tình vi phạm chúng tôi sẽ căn cứ vào dữ liệu để xử lý.
Tính đến ngày 20/11/2019, toàn tỉnh đã có 1.105 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, qua thiết bị giám sát, BĐBP đã phát hiện kêu gọi 41 tàu đánh cá của ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài quay về vùng biển truyền thống hoạt động.
Theo Nghị định số 41 (năm 2017) của Chính phủ thì với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thuỷ sản, chủ tàu sẽ bị phạt 70 triệu đồng và thuyền trưởng bị treo bằng lái 3 tháng. Nhưng năm 2019, Chính phủ có Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019, nếu vi phạm vùng biển nước ngoài mức phạt lên tới từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, tịch thu hải sản, tàu cá…
Hiệu quả thiết bị giám sát
Anh Tô Thành Lợi, ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Trước đây giao tàu cho thuyền trưởng, ra biển rồi thì mình không biết tàu đang ở đâu, thuyền trưởng nói ở đâu mình biết ở đó. Bây giờ ngồi ở nhà là biết đang ở vị trí nào, hoạt động hay không hoạt động. Nếu tàu ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu báo ngay, hoặc mấy chú ở đồn biên phòng điện ngay cho mình nhắc nhở, kêu gọi tàu quay trở vào.
Tuy nhiên, một số chủ tàu cá còn chưa “mặn mà” với việc lắp đặt thiết bị này vì cho rằng giá thành cao (khoảng 25 triệu đồng/tàu), bên cạnh đó họ còn chưa thực sự tự giác trong chấp hành các quy định đánh bắt trên vùng biển, chưa thấy được tiện ích khi lắp đặt thiết bị này. Vì vậy, các đơn vị biên phòng đã nỗ lực tuyên truyền vận động để ngư dân hiểu rõ hơn về việc cần thiết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Với những người đã tham gia lắp đặt thì đều thấy an tâm mỗi khi phương tiện của họ ra khơi. Vì rất nhiều chủ phương tiện không trực tiếp đi tàu mà giao toàn bộ tài sản cho thuyền trưởng. Trước kia, tàu đánh bắt ở đâu, họ rất khó kiểm soát. "Nay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) là chủ tàu đã giám sát, bảo vệ được tài sản của mình", ông Đoàn Quốc Lượm, ngư dân Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết.
Tuy nhiên, ông Lượm và một số ngư dân khác vẫn chưa hài lòng về cước phí sử dụng dịch vụ, mỗi tháng thiết bị phải chi phí cố định 350 ngàn đồng/tháng; Nếu gọi điện thoại trên thiết bị này thì mỗi phút mất 18 ngàn đồng, ngoài ra còn phải đóng tiền thuê bao trước 1 năm.
Với mục tiêu lấy lại "thẻ xanh" cho hải sản Việt Nam từ Uỷ ban châu Âu (EC), hy vọng không lâu nữa, việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá của Cà Mau sẽ được triển khai đồng bộ với sự hợp tác tích cực của ngư dân trong tỉnh./.
Lê Khoa