(CMO) Từ các sản phẩm đặc trưng tại địa phương gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, cùng với niềm đam mê, sáng tạo, nhiều hội viên phụ nữ nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ.
Thông qua các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chị em đã quyết tâm tạo ra những sản phẩm OCOP, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Ðiển hình như cơ sở chế biến tôm khô Ngọc Giàu, ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi.
Sơ chế tôm chà bông tại cơ sở chế biến tôm khô Ngọc Giàu. |
Từ cơ sở thu mua, chế biến tôm, như tôm khô, mắm tôm, tôm chà bông, tôm rang… sẵn có của gia đình từ nhiều năm trước đây, thông qua các kênh thông tin từ mạng xã hội, sự khuyến khích, động viên của các cấp hội phụ nữ, năm 2019, chị Trương Ngọc Giàu đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm. Ðến năm 2020, 2 sản phẩm tôm chà bông và tôm rang của chị Giàu được công nhận OCOP chuẩn 3 sao. Chị Giàu đầu tư trên 300 triệu đồng làm nhà lưới phơi tôm khô, tủ sấy, tủ đông bảo quản sản phẩm để thực hiện dự định đăng ký thêm 2 sản phẩm OCOP, gồm khô tôm đất và chả tôm, vào năm nay.
Chị Giàu cho biết, từ nghề truyền thống của gia đình, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận, là động lực để chị phấn đấu làm tốt hơn nữa. Mục tiêu của chị đặt ra là chế biến các sản phẩm sạch, ngon, giữ được hương vị đặc trưng của đặc sản quê hương. Một mặt tạo thương hiệu riêng cho sản phẩn của mình, giúp gia đình có thêm thu nhập, mặt khác, góp phần cùng địa phương nâng chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung.
Trước đây, chị Ðặng Thị Tuyết, hội viên phụ nữ ấp Tân Lợi A, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, rất ngại khi phải đăng ký thương hiệu, đến việc tham gia sản phẩm OCOP. Thông qua tuyên truyền, thuyết phục từ các cấp Hội LHPN, chính quyền địa phương về lợi ích thiết thực khi sản phẩm có chứng nhận sản phẩm OCOP để tính đến đường phát triển lâu dài, tháng 7/2020 chị Tuyết đã đăng ký OCOP cho sản phẩm chả cá phi Bảy Thơ. Chị Tuyết cho biết: "Trước đây, gia đình chỉ xay chả bằng cối, quy mô nhỏ bán cho người dân địa phương. Thấy bán được mới tiếp tục đầu tư thành cơ sở lớn hơn vào năm 2017. Ðến nay đăng ký thành công sản phẩm OCOP 3 sao, với đầy đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn”.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị Tuyết tiêu thụ trên 4 tấn cá phi tươi, cung cấp ra thị trường trên 1 tấn chả cá phi, tạo việc làm cho từ 5-9 lao động nhàn rỗi ở địa phương (trong đó có 2 hộ nghèo). Từ mô hình này gia đình chị Tuyết có thu nhập đáng kể, góp phần tạo công ăn việc làm và giảm nghèo cho người dân địa phương.
Chúng tôi tiếp tục đến tìm hiểu hoạt động của HTX cốm ở phường Tân Thành, TP Cà Mau. Phó chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thành, Chủ tịch HÐQT, kiêm Giám đốc HTX cốm Tân Thành Ðoàn Mỹ Linh cho biết: “Các cơ sở làm cốm ở phường Tân Thành vốn hình thành cách nay trên 15 năm, ban đầu chủ yếu làm ăn, bán lẻ… Hội LHPN vận động chị em thành lập tổ làm cốm, sản xuất ra số lượng nhiều bỏ mối sỉ và lẻ nhằm tăng thêm thu nhập cho chị em. Ðến 8/2020, từ tổ hợp tác nâng lên thành HTX với 7 thành viên chính thức và nhiều hội viên phụ nữ khác cũng có thể tham gia, liên kết cung ứng, đầu ra cho sản phẩm. Mục tiêu của HTX là cố gắng thực hiện đầy đủ các yêu cầu về tem, nhãn, an toàn vệ sinh thực phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP trong năm nay”.
Bà Trần Thị Nâu, thành viên HTX cốm Tân Thành, cho biết: “Làm cốm nhẹ nhàng, dễ tiêu thụ. Các thành viên mong muốn sản phẩm sớm được công nhận sản phẩm OCOP để đưa sản phẩm xuất bán xa hơn, vươn ra ngoài tỉnh. Hiện tại, với nghề này, hàng tháng gia đình có thu nhập từ 4-5 triệu đồng”.
Bà Trần Thị Nâu (bên trái), thành viên HTX cốm Tân Thành, có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. (Ảnh chụp tháng 2/2021). |
Ðây chỉ là ba trong số rất nhiều sản phẩm OCOP do phụ nữ là chủ thể. Năm 2020, tỉnh Cà Mau có 33 sản phẩm OCOP thì trong có chiếm 60% sản phẩm do phụ nữ thực hiện. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu có 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm 3-4 sao. Ðây sẽ là cơ hội để chị em hội viên tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, vừa là chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, vừa chia sẻ, tương trợ trong hội viên, cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng./.
Loan Phương