(CMO) Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Nhưng với nỗ lực, quyết tâm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và các chủ thể, huyện Cái Nước có 12 sản phẩm đặc trưng địa phương đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục và thông qua Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, đạt 200% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Huyện Cái Nước xác định, mục tiêu Chương trình OCOP là nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển. Vì thế, ngành chuyên môn kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết phát triển sản phẩm OCOP.
Qua đó, có 4 cá nhân, doanh nghiệp đăng ký phát triển 12 sản phẩm OCOP: Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại Xuất khẩu Ðại Phát (ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân) đăng ký phát triển 5 dòng sản phẩm nước mắm Mạch Long; sản phẩm dưa bồn bồn Minh Duy (ấp Ðông Hưng, xã Tân Hưng Ðông); sản phẩm tôm khô và bánh phồng tôm của Hợp tác xã (HTX) Chế biến thương mại dịch vụ nuôi thuỷ sản Cái Bát, xã Hoà Mỹ; sản phẩm ghẹ sấy chua cay, cá cơm chiên giòn, ghẹ xay và bánh phồng ghẹ của Công ty TNHH Dịch vụ và Chế biến thương mại Minh Thảo, chi nhánh III (ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân).
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chế biến thương mại dịch vụ nuôi thuỷ sản Cái Bát, cho biết, trước đây sản phẩm chả cá phi chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chủ yếu bán cho khách hàng thân thiết là chính, sức tiêu thụ rất hạn chế. Thông qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh, HTX mạnh dạn đăng ký sản phẩm chả cá phi OCOP 3 sao và được chứng nhận năm 2020; gắn với hỗ trợ trưng bày, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Từ đó, sản phẩm chả cá phi được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, sức tiêu thụ tăng lên và giá trị sản phẩm được nâng cao. Nhận thấy Chương trình OCOP hết sức thiết thực đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm 2021, HTX đăng ký phát triển thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao, đó là tôm khô và bánh phồng tôm.
Hợp tác xã Chế biến thương mại dịch vụ nuôi thuỷ sản Cái Bát đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. |
Ông Liêu Hoàng Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Chế biến thương mại Minh Thảo, chi nhánh III, chia sẻ: “Từ khi thành lập, công ty chủ yếu sơ chế mặt hàng tôm là chính. Nhưng sau thời gian theo dõi các mặt hàng hải sản trên địa bàn tỉnh, thấy bà con ngư dân các cửa biển đánh bắt được khá nhiều ghẹ có kích thước nhỏ bé, trọng lượng tương đương con rẹm trong vuông tôm, chủ yếu bán cho thương lái ngoài tỉnh với giá rất thấp, công ty có ý tưởng chế biến sản phẩm ghẹ biển thành một số mặt hàng thực phẩm phục vụ đời sống và đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP. Mục đích nhằm nâng cao giá trị ghẹ biển, cải thiện đời sống ngư dân tỉnh Cà Mau và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương”.
Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, cho biết, thời gian qua, không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp các chủ thể tư vấn, hướng dẫn các loại hồ sơ, thủ tục để phát triển sản phẩm OCOP, nhưng ngành chuyên môn hết sức quan tâm, hỗ trợ trực tuyến thông qua điện thoại và Zalo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP.
Ðề cập đến nỗ lực, quyết tâm phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, ghi nhận: “Mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành chức năng huyện Cái Nước và chính quyền địa phương đã nỗ lực, tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng để trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.
Việt Tiến