Là một trong những địa phương được quy hoạch vùng sản xuất lúa 2 vụ của tỉnh, nhiều năm qua, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình vẫn cố gắng duy trì diện tích và đạt hiệu quả khá cao. Thế nhưng, hiện nay xã đang đứng trước nguy cơ sắp “xoá sổ” hàng ngàn héc-ta lúa 2 vụ. Nếu thế, hệ quả của nó để lại sẽ rất khó lường.
Là một trong những địa phương được quy hoạch vùng sản xuất lúa 2 vụ của tỉnh, nhiều năm qua, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình vẫn cố gắng duy trì diện tích và đạt hiệu quả khá cao. Thế nhưng, hiện nay xã đang đứng trước nguy cơ sắp “xoá sổ” hàng ngàn héc-ta lúa 2 vụ. Nếu thế, hệ quả của nó để lại sẽ rất khó lường.
Nhìn cánh đồng mẫu lớn được thực hiện cách nay không lâu nay đã là đầm tôm trắng nước, Trưởng Ban Nhân dân ấp 1, xã Tân Lộc Bắc Trần Văn Giới ngậm ngùi: “Mới ngày nào hàng trăm người dân đến đây hội thảo sau vụ mùa thắng lợi bởi sự liên kết trong sản xuất, vậy mà giờ đây, cánh đồng ấy chỉ còn trơ lại mặt nước mênh mông với những con tôm”.
Thi nhau phá vỡ quy hoạch
Cánh đồng mẫu lớn của xã Tân Lộc Bắc được phê duyệt và thực hiện với diện tích gần cả trăm héc-ta trên khu vực này hồi đầu năm 2013. Nhưng chỉ mới 3 mùa vụ, bà con ấp 1 đã đồng loạt “phá gần hết”. Là một trong những số hộ thực hiện mô hình sản xuất này, ông Hứa Văn Tống phân trần: “Trong cánh đồng này, gia đình tôi cũng có 10 công, vụ rồi nói chung năng suất trên 5 tấn/ha. Nhưng thấy làm lúa cực quá, năm được năm không, lúa mất giá, bà con làm ra không có lời, nước thì không chủ động được, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, thấy xung quanh nuôi tôm có hiệu quả lại nhàn nên tháng 12 âm lịch vừa rồi, tôi cùng bà con đưa nước mặn vào nuôi tôm”.
Cánh đồng mẫu lớn của ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình được quy hoạch năm 2013 giờ chỉ còn trơ lại mặt nước mênh mông. |
“Phong trào” ấy lan rộng, thế là 102 ha lúa 2 vụ của ấp giờ chỉ còn lại diện tích không đầy 40 ha. Trong tổng số khoảng 1.200 ha được quy hoạch lúa 2 vụ năm 2009 của xã thì hiện nay chỉ còn lại khoảng 460 ha. Trong số 9 ấp có khoảng 5 ấp về cơ bản gần như “xoá sổ” diện tích lúa vụ 2, nếu còn thì chỉ có vài héc-ta.
Trưởng Ban Nhân dân ấp 5, xã Tân Lộc Bắc Trương Văn Nở thông tin: “Dù cũng bị phá vỡ một phần diện tích hơn 60 ha nhưng diện tích lúa 2 vụ của ấp vẫn còn nhiều nhất xã”. Chỉ những “bờ ranh” mỏng manh giữa 2 ranh giới mặn và ngọt, ông Trương Văn Nở than: “Bây giờ kêu dân giữ lúa cũng khó vì một bên lúa, một bên tôm mà chỉ cách nhau có bờ kinh không quá 2 m. Mới đầu vụ này, trong lúc nắng hạn, nước mặn bên kia ngấm qua ngập cả con kinh thuỷ lợi. Cũng may, cả khu vực này đồng lòng, sợ ảnh hưởng đến lúa nên tiến hành bơm nước mặn ra ngoài. Nhờ đó, 229 ha lúa 2 vụ của ấp giữ lại được hơn 160 ha”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dân kêu vì sản xuất lúa kém hiệu quả do không giữ ngọt được cho vùng sản xuất. Chính quyền địa phương thì “đổ lỗi” cho dân ham cái lợi trước mắt. Trong khi, vùng sản xuất luôn được bao bọc xung quanh toàn là mặn. Ông Trần Văn Giới dự đoán: “Với tình hình này, 40 ha còn lại của ấp 1 vụ tới sẽ không còn vì bà con dự tính cắt xong vụ lúa này cũng sẽ phá hết. Thật ra lúa ở vùng này năng suất khá cao so với các địa phương khác, mỗi năm thu hoạch từ 5-6 tấn/ha, nhưng do không giữ nước ngọt được cho dân; nước mặn đã vào tận bờ ruộng thì làm sao dân ở đây không phá vỡ quy hoạch cho được”.
Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Lộc Bắc Nguyễn Văn Lâm nhìn nhận: “Theo thống kê mới nhất, hiện tại xã chỉ còn lại khoảng 460 ha lúa 2 vụ, nhưng con số này chưa giữ vững, còn có thể mất đi nữa. Bởi hiện nay bà con trên địa bàn đang tiếp tục đưa xáng vào múc để nuôi tôm. Dù địa phương đã cố gắng nhưng cũng không thể ngăn cản”.
Tuy nhiên, điều rất đáng lo ngại là theo thống kê, sau khi “bỏ lúa theo tôm”, số hộ trên địa bàn xã Tân Lộc Bắc được cho là “trúng tôm” chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Hứa Văn Tống bộc bạch: “Gia đình gắn bó với cây lúa đã mấy chục năm, nay phá lúa thấy cũng lo bởi không biết nuôi tôm có khấm khá lên không. Nhưng thấy mọi người làm nên làm theo, đã thả mấy đợt rồi mà không thu hoạch được gì”.
Là một trong số ít hộ quyết lòng giữ cây lúa, anh Võ Văn Sum, ấp 5, xã Tân Lộc Bắc, lo lắng: “Nhìn xung quanh ai cũng ào ào chuyển đổi mà kết quả thu về có được gì đâu, chưa thấy ai trúng tôm hết, có hộ mấy vụ thất trắng. Cứ thấy ở nơi khác người ta làm là làm theo, vùng đất này gò lắm, không giữ cây lúa coi chừng “đói thiệt"”./.
Bài và ảnh: Ðào Hồng