(CMO) Cả tuyến đường ven kinh 500 dài gần 2 km trong Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời chỉ vỏn vẹn 5 hộ dân sinh sống. Mọi người cứ lần lượt bỏ làng, rời quê tha hương. Hỏi ra mới biết, không phải vì thiếu đường, thiếu điện, thiếu trường học mà họ ra đi nhưng vì không thể tiếp tục gắn bó với vùng đất nhiễm phèn nặng lại hay ngập úng này.
Khánh Bình Tây Bắc là xã nghèo và Ấp 5 là ấp nghèo nhất trong 13 ấp của xã. Ấp có 181 hộ dân nhưng có đến 78 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Mà nghèo thì cũng không có gì làm lạ khi có tất thảy 98 hộ không đất sản xuất, phải làm đủ thứ nghề để “nuôi cái bụng”. Một số hộ dẫu đất rộng “cò bay thẳng cánh” nhưng vẫn khóc ròng vì mùa màng liên tiếp thất trắng do ảnh hưởng của thiên tai. Ở vùng đất này không chỉ cây lúa sống không nỗi mà cá đồng cũng “chịu không xong” vì nhiễm phèn quá nặng.
Hẩm hiu đất nghèo
Đường vào ủy ban xã cũng khá quanh co, nếu đi bằng xe ô tô thì chắc phải cuốc bộ đoạn đường khá xa mới có thể đến đích. Nên cũng không quá bất ngờ khi được đến ấp nghèo nhất xã phải “rụng tim” mấy lần mỗi khi xe máy lên, xuống dốc cầu.
Bên những căn nhà lá lụp xụp là vẻ mặt buồn hiu của chủ nhân mỗi khi có người “phương xa” hỏi thăm về kết quả vụ mùa mấy năm qua. Với câu trả lời hài hước: “Năm nay mà thất nữa, chắc ấp này đi Bình Dương hết trơn”, nghe có cái gì đó xót xa.
Ông Dương Văn Trung (66 tuổi, Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc) với hơn 2,6 ha đất trồng lúa và 2 ao nuôi cá đồng vẫn không thể khá nỗi. Ông tâm sự: “Hai năm vừa qua, ruộng tôi liên tục thất trắng. Năm 2015 thì hạn hán kéo dài đến nỗi con kinh không còn miếng nước. Năm vừa rồi thì ngập úng, cây lúa không thể sống. Hơn 2,6 ha đất trồng lúa mà chỉ thu hoạch được 16 bao. Ở đây không chỉ cây mọc không nỗi mà kể cả cá đồng cũng không sống nỗi. Mấy năm trước, tôi nuôi 2 ao cá đồng gần 1.000 mét vuông. Mà hễ thời tiết giao mùa là đất lại xì phèn nên cá chết nổi như lục bình”.
Sống nương dựa vào nghề nông không xong nên mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn làm tài công để kiếm tiền đắp đỗi qua ngày. Mà trường hợp của ông cũng xếp vào hạng có ăn, có mặc ở xóm này, chứ có nhiều người còn bi đát hơn. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Tý (55 tuổi, Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc) là một trong 5 hộ dân còn lại trên tuyến kinh 500, trước đây là hộ nghèo nhưng sau thời gian đã trả sổ lại cho địa phương. Mấy năm nay làm ăn thất bát, vợ con ông bỏ đi biệt xứ. Giờ trong căn nhà nhỏ chỉ có mình ông thui thủi. Ông nói, vụ mùa này mà “ông trời” không thương, chắc ông cũng phải bỏ quê “đi tìm vợ, tìm con”.
Nói về vợ chồng anh Lê Văn Hên, Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc cũng thấy thương khôn xiết. Lấy nhau với hai bàn tay trắng, không cục đất chọi chim, không một đồng vốn làm ăn. Bàn tới bàn lui, hai vợ chồng đồng lòng mướn 1,6 ha đất trồng lúa. Năm đầu thất trắng, cả gia đình phải đèo nhau lên Sài Gòn làm công nhân để trả dần tiền phân, tiền thuốc và tiền mướn đất. Dứt nợ, anh kéo vợ con về, “gồng mình” vay tiền sắm đủ chiếc xuồng máy ra Sông Đốc đưa đò để kiếm kế sinh nhai.
Hy vọng mùa tới…
Tới Ấp 5 này, tìm mãi mới thấy 1 ngôi nhà kiên cố, được giới thiệu đây là hộ giàu có nhất vùng. Vậy mà hỏi thăm về mùa màng mấy năm trước, bà Nguyễn Thị Dung, 52 tuổi, cũng lắc đầu ngao ngán. Bà Dung cho biết, gia đình bà có 1,5 ha đất trồng lúa nhưng chủ yếu là cho người ta thuê làm, chứ thu nhập chính của gia đình là đi biển. Mấy năm vừa rồi thời tiết thất thường nên ai nấy đều thất trắng, năm nay không ai dám mướn đất để tiếp tục trồng lúa. Mặc dù giá cho mướn chỉ có 4 giạ lúa 1 công.
Bà Nguyễn Thị Dung chăm bón luống rau mang nhiều kỳ công của mình. |
Tới thời điểm này, hầu hết các hộ dân trong ấp đều sạ lúa. Thời tiết tương đối ổn định, lượng nước ở mức cân bằng nên nhiều nông dân rất vui mừng, hy vọng mùa này “gỡ gạc” đôi chút. Bà Dung cho biết: “Năm vừa rồi, cây lúa đang độ 30-40 ngày tuổi thì mưa nhiều dẫn đến ngập úng, không phát triển được. Năm nay thời tiết thấy khả quan hơn nhiều nhưng tôi vẫn chưa dám sạ”.
Là vùng đất nhiễm phèn nặng nên việc trồng lúa, trồng rau màu hay nuôi cá đồng đều gặp nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm nuôi cá đồng nhiều năm qua, bà Trần Thị Thu, 63 tuổi, lóe lên tia hy vọng: “Tôi đã đào nhiều ao nuôi cá. Đầu tiên tôi thử thả cá lóc, cá rô… đều thất bại. Sau đó, tôi chuyển sang nuôi cá trê phi và nhận thấy giống cá này chịu phèn giỏi, mặc dù lượng nước rất ít nó vẫn có thể phát triển tốt. Hiện nay, cá trê trong ao cũng đã từ 300–400 gam/con”.
Qua nhiều năm nuôi cá đồng, bà Trần Thị Thu nhận thấy chỉ có con cá trê lai là sống được trên vùng đất phèn này. |
Song số người nuôi cá đồng như bà Thu giảm dần theo từng ngày và số người ly hương lại tăng theo cấp số nhân. Ông Dương Văn Trung mong ước: “Mong rằng các cấp ủy quan tâm và Phòng NN&PTNT cử kỹ sư xuống tận nơi để hướng dẫn nông dân trồng cây gì và nuôi con gì phù hợp để có thể… bám làng, bám đất mà sống được, để nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo”.
Ở ấp này, thanh niên từ 18-25 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hẳn một điều là vẫn còn đó những người yêu mến quê hương, quyết tâm bám trụ. Và họ đều mong vùng đất trũng, phèn này một ngày nào đó sẽ trở thành nơi “đất lành”.
Phóng sự của Phùng Ngọc Trầm
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Bình Tây Bắc, thông tin, hạn hán gần đây quá khắc nghiệt làm tê liệt đường vận chuyển bằng đường thủy nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Năm 2015, hạn hán khắc nghiệt, rau màu chết sạch, nước sinh hoạt lại không có. Tiếp đó thì mưa nhiều ngập úng trên diện rộng, cây lúa không thể sinh trưởng, nông dân không thể bám đất, bám làng mà phải bôn ba tìm kế sinh nhai. Hiện toàn xã có 3.510 hộ dân với trên 14.000 nhân khẩu. Trong đó, hộ nghèo là 846 hộ, cận nghèo 110 hộ. Kinh tế của bà con chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, một phần nhỏ làm lâm nghiệp. Năm qua, UBND huyện Trần Văn Thời hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất cho người dân trong vùng bị thiệt hại do thiên tai hơn 3,6 tỷ đồng với 1.397 hộ thụ hưởng. Thế nhưng bao nhiêu đó cũng không đủ vực dậy sản xuất của vùng. |