Ở Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, việc giáo dục ý thức học tập cho con, cháu đã hình thành nên phong trào khuyến học, khuyến tài rộng khắp.
Nói tới đầm Thị Tường, ai cũng quen thuộc với một mặt nước thiên tạo mênh mông, vô vàn tôm cá. Nơi đây là “hũ gạo”, là “nồi cơm” của người dân qua nhiều thế hệ. Hay nói về đầm Thị Tường một thời chiến tranh, trong tầm đạn giặc nhưng mãi mãi xứng đáng là thành đồng của vùng đất Cà Mau. Và, theo những nếp nhà ẩn sau biền dừa nước ngút ngàn, còn có một đầm Thị Tường tươi mới, ngạc nhiên và đầy hy vọng: đó là một xóm nhỏ mà ai cũng gọi là xóm đại học.
Anh Quách Trường Giang, ngụ ấp Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, mở đầu câu chuyện: “Anh em phải ghi kỹ địa chỉ à nghen. Ðầm Thị Tường giờ tiếp giáp tới 3 huyện, ấp này chỉ ven đầm thôi, nhưng con nước ra vô là chung một dòng…”.
Ở Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, việc giáo dục ý thức học tập cho con, cháu đã hình thành nên phong trào khuyến học, khuyến tài rộng khắp. |
Anh Giang giờ công tác tổ y tế ở ấp, trong lời nói có điều tiếc nuối: “Hồi đó vô làm y tế, tổ chức có ý cho đi học thêm nữa để thành bác sĩ. Ngặt nỗi còn 3 đứa em, mình làm anh lớn...". Rồi câu chuyện nhanh chóng rôm rả: “Ba đứa em tui tốt nghiệp đại học hết, coi như “mở hàng” ở xứ này”.
Nhà anh Hai Giang nức tiếng xóm nhỏ bởi đang có 2 người học cao học: con gái và con dâu. Con trai lớn của anh Giang đã hoàn thành giấc mơ bác sĩ của cha, hiện đang công tác tại TP Cần Thơ.
Anh Giang nhớ lại: “Thời mấy đứa em ruột đi học cực lắm. Xứ này nghèo, qua chiến tranh xơ xác hết. Tụi em đi học phải lội bộ từ bờ đầm ra tới Rau Dừa, cũng cả chục cây số chớ ít ỏi gì đâu”. Rồi tới mấy đứa con, chuyện đi lại đỡ vất vả hơn nhưng tốn kém trăm bề. Con sông Thị Tường nuôi nấng những biền dừa nước bạt ngàn, người Thị Tường nuôi con ăn học cũng bền bỉ như sông. Anh Giang tâm sự: “Xóm này có nhà, con vừa nhận giấy đậu đại học thì cha mất, chỉ còn người mẹ tần tảo quyết chí cho con học đến thành tài mới thôi”.
Trưởng ấp Thị Tường B, xã Hoà Mỹ Dương Văn Khắp được coi là “ngọn cà bắp đầu biền” về phong trào khuyến tài, khuyến học. Ông Khắp vận động bà con mỗi người một ít để mua sách, bút tặng học sinh nghèo. Mỗi khi hay tin ấp có con em đậu đại học thì tới động viên, chúc mừng. Thị Tường B có 409 hộ, nhẩm tính đã trên dưới 40 bằng đại học, còn cao đẳng, trung cấp thì chưa tính. Nói như anh Giang: “Cái này là tính riêng cho lớp trẻ bây giờ thôi, còn về trước thì điều kiện khó khăn quá, ít người học hành tới nơi tới chốn lắm”.
Thị Tường B có nét văn minh, mà từ đó sinh ra “lễ nghĩa, phú quý”, đó là ít con. Anh Giang tâm sự: “Hễ ít con thì mình lo lắng đàng hoàng, đầu óc thông suốt. Chớ liều mạng mà đẻ nhiều thì nghèo càng nghèo thôi”. Lứa tuổi trung niên như anh Giang, mỗi nhà nhiều lắm cũng 4 đứa con. Khoảng trăm nóc gia quần tụ ven đầm Thị Tường, hầu như nhà nào cũng có bằng đại học cất trong tủ, tiếng lành đồn xa, ai về cũng biết. Riết rồi người ta gọi thành xóm đại học, nhà này “ới” nhà kia để nhân lên và tôn vinh giá trị của con chữ, của tri thức.
Ông Dương Ngọc Ðịnh có 2 người con tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành có cuộc sống riêng ổn định. Ông nói: “Hồi đó xứ này con nít phải mướn thầy về dạy, năm học, mỗi học sinh tốn 1 giạ lúa. Giặc giã, nghèo khó mà còn làm được vậy, thì lớp trẻ bây giờ phải học hành đàng hoàng hơn chớ”.
Anh Giang tiếp lời: “Chú Út Ðịnh có người em chú bác ruột, người em đó khá giả nhưng con cái học hành chưa tới nơi, tới chốn. Sau này gặp lại chú Út Ðịnh thì than: “Tui thua anh Út cho tới chết”". Ông Út Ðịnh kể: “Lúc mấy đứa con đi học đại học, tui ngủ giật mình hoài, vì lo chuyện tiền nong gởi con. Ði gởi tiền riết, mấy cô bưu điện quen mặt, gặp là chọc “tới tháng rồi hả chú Út”".
Một đời gắn bó với đất Thị Tường B, ông Út Ðịnh nghiệm ra rằng: “Nếu cho con cái đất đai, tiền bạc, lo lắng làm ăn thì sống được, còn bằng không cũng tiêu tan hết. Nhưng khi cho con cái đi học, trong đầu có chữ nghĩa thì tài sản đó không ai lấy được hết. Mấy chú tính coi, lỡ có làm mướn mà có chữ “dằn bụng” cũng đỡ hơn chớ”. Những tính toán thiệt như đếm của ông cũng là gởi gắm lớn lao mà lớp người đi trước trông chờ vào thế hệ trẻ. Một vùng đất căn cứ địa cách mạng, một vùng đất trù phú cá tôm, không có lý do gì để thua sút nơi khác được.
Riêng ông Dương Văn Sử (nhà liền kề với ông Út Ðịnh) thì trăn trở: “Tui 9 đứa con, có 2 đứa học xong đại học, cũng tại nghèo quá mà không chu toàn hết”. Ấp ven đầm, con tôm giờ thay thế cho cây lúa làm nguồn sống. Ở đây, chuyện giàu nghèo đôi khi rớt xuống hàng thứ yếu, nhường lại là chuyện cho con, cháu ăn học thành tài. Những người nông dân đất Hoà Mỹ băn khoăn: “Hồi đó cực khổ không tính làm gì, giờ nhiều nhà có điều kiện mà con em học hành dang dở. Chưa kể học rồi xin việc làm trần ai khoai củ”. Nghe ra từ những biền dừa nước heo hút, bao nhiêu vấn đề thời sự nóng hổi vẫn đau đáu vang lên.
Xã hội giờ đã quay sang với chuyện "thừa thầy, thiếu thợ", bàn tới vấn đề phân luồng học sinh phổ thông để định hướng phù hợp nhu cầu nhân lực. Nó cũng giống như cây cà bắp ở Thị Tường, trước gói bánh lá dừa, làm lạt lợp nhà, nay mọi thứ đều được thay thế bằng những vật liệu khác. Nói như anh Hai Giang: “Mỗi thời mỗi khác mà”.
Còn ở ven đầm Thị Tường, những đọt cà bắp vẫn xé đất vươn lên một màu xanh mãnh liệt. Và tri thức - giá trị con chữ cũng vậy, sẽ mãi mãi không có gì thay thế được./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên