ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:37:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Hoạ sĩ 9X” đam mê vẽ truyện tranh

Báo Cà Mau (CMO) Suốt gần 4 năm, bằng nghị lực phi thường và mong muốn trở thành hoạ sĩ truyện tranh, chàng trai 9X khuyết tật Nguyễn Quốc Huy đã hiện thực hoá ước mơ, cho ra mắt quyển truyện tranh đầu tay 200 trang (khổ 21x29 cm), với số lượng phát hành 1.000 quyển.

Tự học qua Internet

Sinh năm 1990, bị khuyết tật chân phải do di chứng của cơn sốt bại liệt năm lên 2 tuổi, nhưng Quốc Huy luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực, ý chí kiên định, quyết đoán. “Dù khó khăn đến đâu, chỉ cần cố gắng hết sức sẽ vượt qua tất cả”, Huy chia sẻ.

Chỉ trong 10 phút, Quốc Huy đã hoàn thành các nét vẽ thần thái của nhân vật Sơn Tinh trong truyện tranh “Tản viên Sơn Thánh”.

Đọc truyện tranh “Tản viên Sơn Thánh” do Huy viết và vẽ (tên tác giả Ô Long Huy), tôi thắc mắc: “Không qua trường lớp đào tạo về hội hoạ sao em có thể vẽ được những bức tranh có hồn như vậy?”. Huy cười: “Em mê đọc truyện từ nhỏ. Hồi cấp 2 có cậu bạn vẽ truyện tranh đẹp lắm, em bắt chước vẽ theo nhân vật trong truyện. Có khi hai đứa vẽ cả tập truyện tranh bằng quyển tập 100 trang cho cả lớp đọc chơi”.

Truyện tranh “Tản viên Sơn Thánh” in 1.000 quyển, do Công ty TNHH Sách Hương Giang bảo hộ bản quyền.

Huy còn chia sẻ, năm học lớp 8, em tham gia cuộc thi vẽ tranh về chủ đề HIV/AIDS - Làm lại cuộc đời. Do nét vẽ cứng, tựa được in từ máy tính (theo lời nhận xét của ban giám khảo) nên chỉ đoạt giải Khuyến khích. Sau lần đó, cứ rảnh là Huy luyện vẽ.

Tốt nghiệp phổ thông, Quốc Huy chọn học Cao đẳng Công nghệ thông tin. Hè năm nhất, bạn bè đi làm thêm, đi du lịch..., còn Huy, do bất tiện đi lại, em bắt đầu với những nét vẽ, quyết chí vẽ nên bộ tranh 6 quyển gồm: Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh và Sọ Dừa.

Bìa truyện tranh “Tản viên Sơn Thánh” .

Quyển đầu tay là Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Huy cho biết, truyện dân gian, cổ tích Việt Nam nhiều dị bản, em tìm kiếm rất nhiều trên internet, rồi góp nhặt lại, nhưng vẫn dựa trên nền tảng là sách ngữ văn trong chương trình phổ thông do Bộ GD&ĐT xuất bản, vì đây là nguồn thông tin tin cậy cao. Em chỉ chỉnh sửa những việc phi lý của tích xưa thành những việc có lý của hiện đại. Huy còn tìm được tên thật của hai nhân vật Sơn Tinh (Nguyễn Tuấn) và Thuỷ Tinh (Trịnh Khôi), có gốc tích hẳn hoi.

“Hồi nhỏ đọc truyện em cứ thắc mắc vì sao vua kén rể cho công chúa chỉ có 2 người là Sơn Tinh và Thuỷ Tinh ứng thí, nên em viết truyện lại là rất nhiều người đến nhưng kém tài nên rút lui. Rồi thì làm sao có “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”... Từ những phi lý đó, em làm nên cái có lý, nhưng vẫn giữ đúng cốt truyện để tạo hướng mở mới cho truyện cổ tích Việt Nam”, Huy phân trần.

Còn tranh vẽ nhân vật là Huy phác thảo theo tưởng tượng tính cách nhân vật. Trước đó Huy đọc rất nhiều truyện tranh, nhất là truyện tranh Nhật Bản và Huy lấy ý tưởng từ truyện Manga Nhật Bản nhưng sửa mắt, mũi, miệng theo gương mặt người Việt để vẽ nhân vật của mình. “Cần cù bù thông minh, thế nên, em tự mày mò, tìm kiếm. Và internet dạy em hết mọi việc, từ ý tưởng, hình thành nên câu chuyện, scan màu, đến cả việc ký tác...”, Huy cho hay.

Tự kiếm tiền theo đuổi đam mê

Cha Huy, Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín, Trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm, tâm tình, thấy con đi đứng khó khăn, phải dùng tay đỡ chân bị tật mới đi được từ lúc 2 tuổi tới nay, anh vô cùng xót xa. Song, trong từng câu chuyện kể, lại là niềm tự hào về cậu con trai tật nguyền của mình. Bởi ngoài chiếc xe ba bánh anh mua để Huy tiện đi lại, thì tất cả máy móc, thiết bị Huy cần dùng để thoả đam mê của mình đều do em tự kiếm tiền mua.

Huy tự tìm và tải chương trình viết nhạc, rồi làm nên những bản nhạc chuông điện thoại bán cho các nhà mạng, với tiền công được chia theo số lượt tải về của khách (mỗi đợt nhận từ 1-2 triệu đồng). Huy còn nhận làm nhạc cho các chương trình hội diễn văn nghệ các huyện. Huy giỏi máy tính, em sửa máy kiếm tiền, viết phần mềm cũng kiếm ra tiền. Ngay cả việc thiết kế sân khấu cho Đoàn Cải lương Hương Tràm đi diễn cũng có bàn tay của Huy.

Với mỗi bản vẽ, Huy kiếm được 3-5 triệu đồng. Phòng thu âm của đoàn có trục trặc kỹ thuật, có Huy là tất cả chạy trơn tru. Các chương trình của đoàn chuẩn bị quay hình, anh Tín đều nhờ Huy giúp sức. Huy mới tậu về chiếc vi tính mới toanh từ nhuận bút quyển truyện tranh đầu tay của mình.

Khi truyện tranh của Huy được phát hành (sau 1 năm ký tác, in ấn), anh Tín giật mình và tự thấy cảm phục ý chí và nghị lực của con. Vì từ lúc Huy vẽ tranh, anh thấy con thích, cứ để nó làm. Anh nhắc giữ sức khoẻ, Huy cười trừ. Anh từng nghĩ, tranh con dù đạt hay không, anh cũng ráng tìm được nguồn phát hành để con thoả đam mê. Ngờ đâu, ngay khi hoàn thành, Huy tự tìm kiếm nhà xuất bản, gửi bản thảo, sửa in... Một mình Huy làm việc với nhiều khâu để có được quyển truyện tranh phát hành 1.000 quyển mà anh không hay biết. Đến khi Huy khoe, lòng anh tràn ngập hạnh phúc.

Vợ chồng anh đều gắn bó cuộc đời với sân khấu, thấy con có khiếu, anh Tín biểu con theo cha làm thiết kế sân khấu, khánh tiết, vừa thực tế, vừa kiếm được tiền, nối nghiệp cha mẹ. Huy cười, vì Huy cũng thích nghề đó, Huy còn thích đàn bầu, cũng có ý định học nhạc cổ truyền, nhưng đó là chuyện của sau này. Em quả quyết: “Cuộc đời chỉ sống một lần, hãy cứ sống với đam mê trước đã. Và hãy cứ làm điều mình muốn. Không có gì gọi là muộn, chỉ sợ mình không làm được thôi”.

Thế nên, mục tiêu của Huy là vẽ trọn bộ tổng thể 6 quyển truyện tranh Việt Nam như đã định. Hiện Huy sắp hoàn thành quyển 2 về Thánh Gióng, dự kiến tháng 4/2018 sẽ trình làng. Tuy vậy, mỗi lúc hết ý tưởng cho tranh, Huy mày mò viết nhạc. Huy sáng tác gần 20 bài nhạc, thể loại trữ tình và nhạc trẻ. Trong đó có nhiều bài được NSƯT Hoa Phượng hát và góp ý chỉnh sửa. Huy còn viết nhạc không lời cho game mini, nhạc chuông điện thoại, nhạc nền các chương trình...

“Em sẽ cố gắng làm những việc người khác làm trong khả năng bản thân. Dù biết nghề vẽ truyện tranh ở Việt Nam đang gặp khó , nhưng em vẫn theo đuổi đến cùng. Em ước mơ được làm đạo diễn phim hoạt hình. Vì em thấy phim hoạt hình Việt Nam thiếu sức hấp dẫn từ dựng hình đến cốt truyện, em muốn hiện đại hoá nó để gần hơn các bạn nhỏ. Nhưng nó xa thực tế, khó thực hiện, nên em xem nó là ước mơ thôi”, Huy bày tỏ./.

Băng Thanh

Em Nguyễn Hạ Hương, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, hào hứng: “Em đọc truyện Tản viên Sơn Thánh 3 lần mà vẫn thích. Truyện dễ đọc, dễ hiểu, tranh vẽ đẹp. Đặc biệt là cốt truyện khác với được nghe kể về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Hay lắm!”.
Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Lý Hoàng Vũ cho biết, truyện tranh của tác giả Ô Long Huy (Nguyễn Quốc Huy) là sự phá cách để chuyển tải truyện cổ tích Việt Nam đến độc giả. Điều này bắt kịp xu hướng đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay. Cái hay là cũng cốt truyện tích cũ nhưng truyện của tác giả viết rõ hơn tình tiết, sâu xa về nội dung, hình thức thể hiện hấp dẫn... Thư viện tỉnh sẽ làm cầu nối đến độc giả, qua đó chuyển tải thông điệp về nghị lực sống của chàng hoạ sĩ khuyết tật đam mê truyện tranh, khơi dậy văn hoá đọc trong giới trẻ hiện nay.

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.