ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-5-24 10:51:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðịnh hướng phát triển gạo lúa - tôm OCOP

Báo Cà Mau Ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng đang vận động nông dân thành lập hợp tác xã, nhân rộng mô hình sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2024. Qua đó, đảm bảo sản lượng để xây dựng thương hiệu lúa - tôm sạch cung ứng cho thị trường, gắn với phát triển sản phẩm gạo lúa - tôm OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống bà con nông dân vùng sản xuất lúa trên địa bàn, góp phần phát triển bền vững mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp.

Xã Phú Hưng là một trong những địa phương đang được hưởng lợi từ hệ thống cống Tiểu vùng Nam Cà Mau, có khoảng 60% diện tích nuôi thuỷ sản nằm trong Tiểu vùng luôn được bảo vệ an toàn khi triều cường dâng cao, diện tích gieo sạ vụ lúa - tôm tăng dần qua từng năm. Chỉ tính riêng vụ mùa năm 2023, bà con xuống giống được hơn 430 ha, tập trung chủ yếu ở 2 ấp Rạch Muỗi và Phú Thạnh, năng suất đạt bình quân từ 3,5-4 tấn/ha, tổng sản lượng lúa - tôm ước đạt 1.700 tấn, không chỉ đảm bảo cung ứng nguồn lương thực tại chỗ, mà còn xuất bán, tăng thu nhập cho hộ dân.

Vụ mùa năm 2023, bà con nông dân xã Phú Hưng xuống giống 430 ha lúa - tôm.

Ðiểm đặc biệt mô hình sản xuất vụ lúa - tôm là mỗi năm bà con nông dân chỉ canh tác duy nhất 1 vụ, thời gian còn lại cho đất nghỉ ngơi và tái tạo nguồn dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cây lúa phát triển vụ tiếp theo. Mặt khác, bà con chọn giống lúa ngắn ngày để gieo sạ, chỉ sau 3 tháng đã cho thu hoạch nên các đối tượng sâu bệnh không đủ thời gian tích luỹ, phát triển tấn công gây hại cây lúa, do đó không phải sử dụng thuốc hoá học phòng trừ sâu bệnh. Thêm vào đó, với đặc trưng vùng sản xuất lúa - tôm kết hợp, khi thu hoạch xong vụ lúa, bà con tiến hành thả tôm nuôi, thường xuyên lấy nước ra vào để ổn định môi trường giúp tôm nuôi phát triển. Phù sa theo nguồn nước bổ sung một lượng lớn cho vuông tôm, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho các đối tượng nuôi thuỷ sản và cung cấp dinh dưỡng có ích đối với các loài thực vật, trong đó có cây lúa. Vì vậy, khi nông dân gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm, cây lúa phát triển khá tốt, tiết kiệm được phân bón và tạo ra sản phẩm lúa sạch.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng (bên phải) vận động bà con nông dân tham gia chế biến mặt hàng lúa tôm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ấp Phú Thạnh, cho biết: “Ðể gia tăng giá trị mặt hàng lúa - tôm, chúng tôi vận động nông dân thành lập hợp tác xã, lựa chọn giống lúa chất lượng để gieo sạ và thông qua ngành chuyên môn tư vấn, hướng dẫn quy trình canh tác lúa sạch để xây dựng thương hiệu lúa - tôm. Ðồng thời, tuyên truyền những hộ dân có điều kiện tham gia chế biến mặt hàng lúa - tôm, theo hình thức đầu tư máy chà gạo mi ni quy mô hộ gia đình, chế biến mặt hàng lúa - tôm trở thành mặt hàng gạo sạch, đóng gói và gắn nhãn mác hợp tác xã cung ứng cho thị trường. Qua tuyên truyền, bà con nông dân trên địa bàn ấp đồng thuận rất cao, thống nhất duy trì sản xuất từ 150-200 ha lúa - tôm vụ mùa năm 2024. Bởi thực tế đã qua cho thấy, tất cả các sản phẩm tiềm năng khi đạt chứng nhận OCOP luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nâng cao giá trị từ 20-30% so với khi chưa đạt chứng nhận OCOP”./.

 

Việt Tiến

 

Thành công từ nuôi tôm "thuận thiên"

Hộ ông Hồ Minh Anh, ấp Công Trung, xã Trần Thới, là một trong những nông dân đi đầu áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) và QCCT 2 giai đoạn ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay trong thời điểm nắng hạn gay gắt.

Ngăn chặn khai thác vi phạm từ nhận thức

Thời gian qua, xã Khánh Tiến rất quan tâm thực hiện công tác phòng, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn tình trạng tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Mua giống trôi nổi, nông dân thiệt đủ bề

Cây giống là nguyên liệu đầu vào, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, thời gian qua cây giống kém chất lượng, nhất là keo lai giống, vẫn len lỏi ở nhiều nơi. Tin theo lời quảng cáo của người bán và chiêu đánh vào tâm lý muốn mua cây giống giá rẻ để tiết kiệm chi phí sản xuất, đã có nhiều trường hợp mua cây giống trôi nổi, hậu quả là mất tiền, thời gian, công sức và thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Làm giàu từ con tôm

Hiện nay, huyện Ðầm Dơi có 299 ha, với 492 hộ nuôi tôm thâm canh; hơn 1.500 ha, với hơn 1.900 hộ nuôi nuôi tôm siêu thâm canh. So với trước đây, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển khá nhanh, vì hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, bình quân đạt 30-40 tấn/ha/vụ.

Số hoá quản lý khai thác

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không ngừng đẩy mạnh số hoá trong quản lý, khai thác thuỷ sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, kiểm soát tàu cá, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Siết chặt quản lý chất lượng tôm giống

Cà Mau có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế thuỷ sản, đặc biệt là mặt hàng tôm. Với diện tích nuôi và sản lượng lớn, phong phú về chủng loại, phương thức canh tác đa dạng, nên việc quản lý, kiểm dịch chất lượng tôm giống luôn được ngành chức năng tăng cường, nhằm mang lại lợi ích cho người nuôi, giữ vững giá trị cho con tôm Cà Mau trên thị trường.

Chủ động sản xuất vụ lúa hè thu

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay, huyện Trần Văn Thời xuống giống 28.954 ha. Ðến thời điểm này, nông dân trong huyện đã cày ải phơi đất được hơn 25.070 ha; với gần 3.870 ha còn lại, do mặt đất khô cứng, máy cày không hoạt động được, làm chậm tiến độ cày ải.

Cua nuôi thiệt hại - Nông dân khó khăn

Huyện Ngọc Hiển có hơn 23.100 ha nuôi thuỷ sản. Bên cạnh con tôm, thời gian qua, con cua trở thành đối tượng nuôi chủ lực, hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, gần đây tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương trong huyện, khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Kỳ vọng nâng giá trị tôm càng xanh

Ðầu tháng 4 vừa qua, Trường Thuỷ sản (Trường Ðại học Cần Thơ) tổ chức Hội thảo, tập huấn về quy trình gây mê tôm càng xanh và chế biến sản phẩm từ tôm càng xanh tại Cà Mau, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nâng cao giá trị tôm càng xanh tại tỉnh Cà Mau” do PGS.TS Lê Thị Minh Thuỷ làm chủ nhiệm, cơ quan chủ quản là Sở KH&CN tỉnh Cà Mau.

Linh hoạt sản xuất mùa hạn

Trong mùa khô hạn gay gắt như hiện nay, một số hộ tại xã An Xuyên vẫn duy trì canh tác rau màu nhằm cung ứng nông sản cho thị trường.