Hôm ông Hai Cua (Nguyễn Văn Hai, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Châu Thành) nhắn: “Năm nay anh em họp mặt, làm ở xã An Phúc, Ðông Hải, Bạc Liêu, anh em về dự cùng cho vui”, chúng tôi chưng hửng. Trong đầu cứ thắc mắc, sao họp mặt kỷ niệm một huyện của Cà Mau lại về tuốt Bạc Liêu. Nhưng té ra, An Phúc có xa xôi gì đâu. Tắc Vân chạy xe lên tới chừng mười phút. Chúng tôi đến, nhiều gương mặt lạ hơn quen. Ông Hai dẫn vào rồi cười nói: “Anh em giờ đa phần là nông dân, ở nhà suốt có đi đâu mà gặp”.
Hôm ông Hai Cua (Nguyễn Văn Hai, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Châu Thành) nhắn: “Năm nay anh em họp mặt, làm ở xã An Phúc, Ðông Hải, Bạc Liêu, anh em về dự cùng cho vui”, chúng tôi chưng hửng. Trong đầu cứ thắc mắc, sao họp mặt kỷ niệm một huyện của Cà Mau lại về tuốt Bạc Liêu. Nhưng té ra, An Phúc có xa xôi gì đâu. Tắc Vân chạy xe lên tới chừng mười phút. Chúng tôi đến, nhiều gương mặt lạ hơn quen. Ông Hai dẫn vào rồi cười nói: “Anh em giờ đa phần là nông dân, ở nhà suốt có đi đâu mà gặp”.
Nhiều lần họp mặt, lần sau xúc động hơn lần trước, bởi đa phần đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, đâu biết còn có lần sau không. Ông Hai chuẩn bị bài phát biểu viết trên giấy học sinh dày 9 trang viết tay kín mít chữ. Phía trên khán đài, những cô dân quân, du kích, địa phương quân hồi xưa của Châu Thành trình bày tiết mục “Chiếc khăn tay”. Nhìn ai cũng trẻ, cũng hăng hái lạ lùng. Cuối bài, một cô cầm micro nói mà giọng run run: “Giải phóng 40 năm rồi, Châu Thành không còn trên bản đồ Cà Mau, nhưng trong trái tim, trong suy nghĩ, trong anh linh của biết bao đồng chí, đồng đội sẽ mãi mãi khắc ghi cái tên thiêng liêng ấy”.
Bốn mươi năm giải phóng, huyện Châu Thành lại hiện hữu trong ngày họp mặt. Ảnh: P.N |
Ông Hai Cua ngược xuôi lên xuống từ Thạnh Phú, Cái Nước, Cà Mau lên An Phúc, Ðông Hải, Bạc Liêu suốt nửa tháng trời để chuẩn bị cho cuộc họp mặt năm nay. Ông nói, năm nay có nhiều ngày lễ lớn, nhất định phải mời cho thật đầy đủ anh em. Nhiều người nói, Châu Thành là huyện mà hình hài giống cái vành bánh xèo, bao bọc trong nó là nội thị TP Cà Mau bây giờ. Với vị trí đó, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Châu Thành đã trải qua những năm tháng chống Mỹ vô cùng gian khổ; hy sinh, mất mát cũng thật lớn. Ông Hai nhắc lại đợt trinh sát mà nhờ con heo nái ông mới thoát khỏi vòng vây giặc, ông cười thiệt hiền: “Ờ, quê mình là vậy đó, cái gì cũng cưu mang, ủng hộ cách mạng”.
Nhớ năm 1968, đơn vị quyết tử của Châu Thành nhận nhiệm vụ đánh Chi khu Quản Long, tức Tắc Vân ngày nay, ta làm chủ nhiều ngày trên Quốc lộ 4, chặn đường chi viện của giặc từ Cần Thơ về. Giặc bị đòn giáng chí mạng, quay trở lại điên cuồng bắn phá. Tiểu đội quyết tử của Châu Thành 11 người, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đều hy sinh. Sau đó, 62 ấp của Châu Thành mà có tới 63 đồn địch đóng. Ðịa bàn trống trải, ta và địch ở thế cài răng lược, chỗ đứng chân của các đơn vị vô cùng khó khăn, dân bị địch bắt bớ, khủng bố dữ dội. Ðây là giai đoạn mà cách mạng miền Nam nói chung đứng trước những bước ngoặt mang tính sống còn. Có lúc, Châu Thành phải dời toàn bộ lực lượng về đứng chân ở xã Bảy Ðồng, Ðầm Dơi.
Một trong những ký ức hào hùng nhất của huyện Châu Thành chính là các trận công đồn, diệt đồn. Việc hạ diệt lần lượt các đồn chiến lược của Mỹ - Nguỵ ở Châu Thành đã dần tạo được thế và lực mới của cách mạng Cà Mau, mở toang các cánh cửa tiến về trung tâm đầu não của giặc ở nội thị Cà Mau. Bằng mưu trí, sáng tạo và cả tinh thần quyết tử, cán bộ, chiến sĩ Châu Thành đã lập nên nhiều kỳ tích đúng với nghệ thuật quân sự của dân tộc “lấy ít địch nhiều”, dùng mưu phá tan sức mạnh của giặc.
Mẹ Phan Thị Ðẹt, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đầu tiên và cũng là duy nhất của Châu Thành. Má Ðẹt đông con, mỗi lần tải đạn đều thức trắng đêm lo cơm nước cho con. Có lần, xuồng đạn hơn chục tấn rướn cừ, má năn nỉ giặc dùng tàu chiến kéo ra rồi giòng đi. Người mẹ, người chiến sĩ ấy đã nói với tổ chức: “Tôi chết không sợ, nhưng sợ con tôi mồ côi”. Lúc ấy, cô Nguyễn Hồng Thanh, Huyện đội phó, cam kết: “Lỡ chế có bề gì, tổ chức sẽ chăm sóc con chế”. Và một người mẹ bình thường, người nhỏ nhắn xứ Châu Thành đã tải hàng trăm tấn đạn dược, lương thực, truyền đưa nhiều tài liệu mật, lọt qua lưới kiểm soát dày đặc của giặc, góp sức mình vào chiến thắng chung.
Gặp ông Bùi Ðức Thắng, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Châu Thành, nhiều người ngạc nhiên. “Ổng hồi đó súng đạn khô khan lắm, giờ sao nhìn giống dân nghệ sĩ quá ta”, có cô hỏi. Ông Thắng chia sẻ: “Ủa, chế Ba. Em buông súng đạn rồi quay qua cầm máy ảnh. Giờ thì cũng lo mưu sinh, nhưng cái chính là sống theo ý mình, thoải mái là được”.
Nhìn cái máy ảnh, ông Thắng nhớ những cánh rừng chồi, ở cả mấy tháng trời không nước ngọt. Chị em gái lấy đất sét gội đầu. Chiến đấu hăng máu, nhưng khi buông ra đi không nổi vì… đói. Ông nói, phải chi lúc đó có cái này mình chụp lại. Ông ưu tư: “Anh em Châu Thành giờ nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm. Ðã đành cái tên huyện không còn, nhưng con người còn đó, chiến công còn đó, nghĩa tình vẫn vẹn nguyên, mong sao Nhà nước để ý cải thiện cuộc sống anh em”.
Ông Hai Cua thông tin thêm, tiếc nhất của Châu Thành là khi giải thể, nhiều anh em thôi công tác về chăm lo cuộc sống gia đình. Tập thể Châu Thành mà ông Hai nói, ai cũng một lòng vì cách mạng, nhiều người có cống hiến, vậy mà nhiều người giờ cuộc sống khó khăn. Ban liên lạc Châu Thành lần họp mặt này mới chính thức thành lập, trước đây, ông Hai, ông Thắng, cô Thanh tự mình lặn lội xin nhà, xin tiền, xin gạo để giúp đỡ đồng đội. Ông Hai tâm sự: “Hồi xưa chung chiến hào, giờ mình khá hơn phải giúp anh em. Cái chết không sợ, nhất định không lùi bước trước cái đói, cái nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hải Nguyễn Xuân Thuỷ có lời tri ân đến các cô, các chú. Bài phát biểu cảm động, đầy ắp nghĩa tình. Xong rồi, vị Phó Chủ tịch huyện ngồi trao đổi với ông Hai: “Tụi con vinh dự lắm mới được tổ chức buổi họp mặt này”. Ông Hai nhìn xuống phía dưới, người Châu Thành còn đông lắm, còn tâm huyết lắm, tất cả đều đã để lại tuổi thanh xuân, sức vóc, trí tuệ và cả sinh mệnh để hôm nay có những giây phút gặp gỡ bồi hồi này. Ông Hai mời đại diện các gia đình từng cưu mang anh em Châu Thành nhận phần quà tình nghĩa. Xen lẫn những cụ già có cả thanh niên, ông Hai chặc lưỡi: “Các mẹ, các chú, các bác đã vắng bóng nhiều rồi”.
Trời về trưa, cái nóng hầm hập, vậy mà ai cũng chăm chú xem văn nghệ, xong thì đi lòng vòng gặp đồng đội, đồng chí ngày xưa. Cả Châu Thành rộng lớn giờ chỉ lòng vòng mấy trăm mét cái sân, ai không muốn đi hết chặng đường này. Những người Châu Thành hôm nay vẫn đang viết tiếp chặng đường của mình trên hành trình dựng xây làng quê mới…
Ghi chép của Phạm Nguyên