ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:37:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bất cẩn

Báo Cà Mau Người dân trong xã gần như ai cũng biết ông Ba Trương. Kỳ họp hồi đầu năm ngoái hội nghị giới thiệu, bầu bổ sung và cho giữ chức vụ chủ tịch UBND xã là một bất ngờ. Với một người đầu tóc phau phau như ông già cưỡi tuần lộc phát quà giáng sinh con nít lại tình nguyện về giúp địa phương, không làm cho mọi người cật vấn đến ngờ vực sao được. Trong đám nhao nhao, có người phân bua, đoán non đoán già:

Người dân trong xã gần như ai cũng biết ông Ba Trương. Kỳ họp hồi đầu năm ngoái hội nghị giới thiệu, bầu bổ sung và cho giữ chức vụ chủ tịch UBND xã là một bất ngờ. Với một người đầu tóc phau phau như ông già cưỡi tuần lộc phát quà giáng sinh con nít lại tình nguyện về giúp địa phương, không làm cho mọi người cật vấn đến ngờ vực sao được. Trong đám nhao nhao, có người phân bua, đoán non đoán già:

- Thấy vậy chớ quý vị nhìn kỹ coi còn ngon lắm, già mà dáng người thẳng tưng, mắt sáng, có điều gương mặt chưa nói lên được điều gì. Hì hì.

Hơn một năm sau ngày ông về, bà con ai ai cũng biết và cảm phục ông bởi tài sâu sát, xốc vác, sáng tạo, không ngại khó, dám nghĩ dám làm. Chỉ thời gian ngắn nhưng dân chúng phất lên thấy rõ, toàn xã không còn hộ đói nghèo. Ðầu tiên ông chọn cán bộ tâm huyết, năng lực tham gia chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bắt tay nghiên cứu kỹ quy hoạch, đề án, nhận ra những điểm chưa phù hợp, chưa khả thi. Kịp thời xin chủ trương điều chỉnh dự án, lồng ghép, tranh thủ vốn đầu tư từ ngân sách, vốn huy động, vốn vay từ doanh nghiệp, Nhân dân giải quyết phần xây dựng kết cấu hạ tầng. Vận động tài trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Tính toán chi ly việc làm trước, việc làm sau. Với dân, ông không chỉ hạn chế vận động sự đóng góp của bà con mà còn đánh giá, phân tích điều kiện từng hộ, xóm ấp trong chăn nuôi, trồng trọt cây, con thích hợp. Nghiên cứu, dự đoán giá cả đầu ra, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật về hộ dân làm cho đời sống Nhân dân ổn định, khấm khá lên, tạo niềm tin ban đầu và tạo ý thức tự giác quyết tâm ra sức vì sự phát triển của làng quê. Lễ công nhận xã hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có cấp trên về dự đông đủ, vui lắm. Chưa tàn cuộc, một ông sồn sồn, nặc mùi thuốc khệnh khạng, khó lắm mới tới được chỗ Ba Trương, nắm tay rồi kề vai run run nài nỉ vừa đủ nghe:

- Má tui nói khi nào chủ tịch rảnh việc, sắp xếp một chuyến về lại nơi quen biết ngày xưa cho bà con thăm một chút. Má tui muốn gặp lại anh lần cuối để bà nhận lại sự nhầm lẫn, gây tai tiếng chết người mà nhiều năm chưa minh oan, để bà được ra đi trong thanh thản…

***

Học xong phổ thông, Ba Trương vào bộ đội. Sau khi xuất ngũ, lấy vợ, do hoàn cảnh gia đình túng quẫn triền miên, Ba Trương tay dắt vợ, tay ẵm con một mạch về nông thôn thuê đất làm lụng kiếm cái ăn cái mặc cho qua cơn bĩ cực lấy lại hồn vía rồi mới tính chuyện làm ăn lớn. Ðúng ba năm. Ba năm đầu tắt mặt tối cày xới, chắc ông bà thương tình nhòm ngó hay sao, nuôi gì trúng nấy, làm đâu thắng đó. Vợ con xem ra cũng dễ nuôi dễ dạy, biết tằn tiện gói ghém có cái để ăn, để dành kha khá.

Trong quê này hồi ấy có con sông cũ, hai đầu nhỏ nhắn quanh co tưởng cùng nhưng rồi nó cũng nối ra sông, ở giữa khá sâu, phình to như cái bụng ông địa đặt ngay lưng đất nhà Trương. Hằng năm, gió bấc về, nước biển tràn vào sông, trên đồng ruộng cỏ lác, rong rêu bắt đầu xuất hiện, dấu hiệu mùa khô cạn sắp về. Cá rô, cá lóc, cá trê loại lớn, khôn lắm chúng truyền thông tin cho nhau, đàn đàn chạy mặn từ ngoài sông, chạy khô từ trên đồng ruộng, tất cả hội tụ về cái bụng nơi có nước ngọt, rồi định hướng, tìm lối vào ao, đìa quanh vùng khi nước mặn tràn tới. Bao nhiêu năm rồi, loài cá nước ngọt này nói nó trốn chạy nước mặn đuổi chứ thực ra chúng di chuyển theo lập trình định sẵn một cách ung dung tự tại lẫn phấn khích trong vòng tuần hoàn của sự bảo toàn, sinh sôi nảy nở. Quy luật này bị phát hiện ngay năm đầu tiên khi Trương tới đây. Anh cùng mọi người bằng nhiều cách, đêm dùng đèn soi, đâm cá lóc nổi đầu, chài lưới bắt cá trê, cá rô và làm hầm ở cửa ao đìa bắt số lăn lóc bò trườn còn lại. Chỉ vài đêm thức trắng, mỗi nhà kiếm được vài trăm ký cá. Cả xóm bắt đầu quý anh.

Thêm nữa, ở xóm này anh biết hộ nào cũng cần có cây chài để bắt tôm cá, cây chài thuận tiện nhất kiếm cái ăn hằng ngày, cải thiện đời sống, anh mua lưới về ráp hoàn chỉnh, vừa đẹp, bền và có kỹ thuật cho bà con không lấy công cán gì cả. Anh còn chỉ cách đặt lú trong vuông tôm những ngày không mở cống xả, lấy nước như một sáng kiến ở nông thôn vậy… Chọn giống, phòng ngừa bệnh cho heo, gà, vịt nuôi tập trung, nuôi thả lan trên ruộng vườn. Ba Trương, cái tên, con người có nhiều kỷ niệm với đồng quê. Bà con trong xóm không ai quên được hình ảnh anh tất bật ngày đêm lo cho mọi người, nhất là hộ có hoàn cảnh khó khăn. “Thầy dở cũng đỡ xóm làng”. Không cần xét nghiệm gì cả, anh theo dõi sốt cách nhật hay không là đoán biết loại ký sinh trùng, rồi đưa thuốc phù hợp, đúng phác đồ trong sách hướng dẫn với bệnh sốt rét. Cả đợt dịch sốt xuất huyết giữa, cuối thập niên tám mươi, trẻ em trong xóm mắc bệnh rất nhiều, anh cứ căn dặn theo dõi ngày đêm hạ nhiệt, giữ nước, bồi dưỡng tăng sức đề kháng, duy trì liên tục năm, bảy ngày không cho sốt cao, không chuyển độ là qua khỏi. Hết mùa màng, anh còn vận động bà con đi học ban đêm để có được cái chữ. Nhờ anh, xóm giềng ăn nên làm ra, bệnh tật xảy ra triền miên, khắp nơi nhưng người ở xóm anh gần như không tốn kém tiền của, thời gian cho việc phải chở đến bệnh viện lớn chầu chực chữa trị, thuốc men.

 “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí” là chuyện người đời hay nói. Ðúc kết, may mắn có một, xui xẻo có hơn. Ba Trương giúp người, giúp hàng trăm việc, chỉ nhận lại có niềm vui của bà con quê mùa chân chất là đủ. Vậy mà sự đời không như ta tưởng, tai hoạ luôn rình rập. Một ngày mưa chiều rả rích, trời dường như đứng yên để soi tìm, không một chút gió, oi bức từ lòng đất hậm hực chui lên. Rất xa tận chân trời chớp giật, giật cơn yếu ớt ảo mờ cố giành từng tia muộn màng như ngàn vạn sợi dây leo không lá cố bám víu thân cây phẳng lỳ choán hết khoảng trời Tây màu mắt báo để rồi mọi vật đều ngất ngưởng, lơ ngơ. Hồi chiều, hay tin chị Vẹn, nhà ở cùng xóm bị bệnh, Ba Trương đến thấy chị ho có đàm, sốt cao, khó thở, anh nghĩ chị bị viêm nhiễm đường hô hấp cũng khá nặng. Nhà anh không còn thuốc kháng sinh loại phù hợp, anh bàn với vợ, nhờ vợ đi bộ ra đầu vàm mua một ít thuốc theo giấy anh ghi để anh còn ra sông đặt lú, đặt lợp trước khi trời tối. Khi về trời mưa nhiều, đường trơn vợ bị trượt chân té ngã. Loay hoay lo cho vợ quên mất, tới gần khuya sực nhớ bệnh tình chị Vẹn, anh tức tốc chạy đến nhà chị Vẹn kêu cửa, kêu mãi không được chắc là do chị sốt cao, không nghe thấy. Anh biết những nhà gần đây, đêm nay người lớn đi vắng, chỉ còn trẻ nhỏ. Nhà của mẹ chồng chị Vẹn cũng thế, một thoáng suy nghĩ, như có ai dẫn dắt anh rẽ lối đi vòng ra phía sau nhà, tháo dây cột cửa bước vào đưa thuốc cho chị. Lay gọi chị dậy, thấy chị yếu quá, anh múc nước rồi đưa tới tay cho chị uống. Uống xong, dặn dò đôi câu, anh vội vàng quay lưng ra về, ngay lúc đó có bóng đen trờ tới chụp cổ áo anh, giằng đầu, miệng hét toáng:

- Trương, thì ra mầy đê hèn đến thế, lợi dụng sự tin tưởng của lối xóm bà con, lợi dụng lúc con trai tao vắng nhà mầy đã rù quến, dụ dỗ ăn nằm với dâu tao. Tội mầy trời tru đất diệt.

Ba Trương như cây ngay chết đứng. Lâu sau mới mở miệng nói được một câu:

- Ơ, ơ… Dì ơi, vợ cháu bị té nên một mình cháu đến đưa thuốc cho chị uống, chị bị sốt cao.

Mẹ chồng của chị Vẹn như sư tử vồ được mồi, đập, đá, cắn, chửi ngấu nghiến. Chị Vẹn trong mơ màng, yếu ớt vẫn nhận ra sự việc, cố lết đến can ngăn liền bị mẹ chồng thúc cho một cây gài cửa ngã gục. Cây gài cửa được nện không thương tiếc vào đầu, vào gáy của Ba Trương. Anh đứng trân trân, miệng lí nhí, tới hồi nghe nóng, ướt ở mặt, ở cổ, sờ lên nhận ra máu chảy bê bết, anh lặng thinh từng bước nặng trịch về nhà.

Chuẩn bị mở mang “bờ cõi”, tích đất định làm ăn lớn thì đùng một cái bán sạch trơn, ra thị xã tậu miếng đất thuận địa thế, cất căn nhà cấp bốn cho vợ mua bán nuôi con, Ba Trương lại vác lều chõng học hành…

***

Ba Trương ra trường, có bằng tốt nghiệp loại khá lận lưng. Xin việc không khó lắm so với sinh viên cùng khoá bởi cơ quan Nhà nước vẫn ưu ái cho đối tượng như anh. Anh được vào làm đúng như sở thích. Hơn hai mươi năm sau ngày vào làm ở cơ quan cấp tỉnh, anh được trên dưới tin yêu, lãnh đạo giao bất cứ việc gì, dù khó khăn mấy anh cũng cùng anh em làm tốt. Với chức vụ trưởng phòng, anh đã vào quy hoạch lãnh đạo. Lại có đơn tố cáo, một đồng nghiệp đã phơi bày hành vi về đạo đức, lối sống thời kỳ anh cùng vợ con ở một nơi cụ thể làm ăn sinh sống. Giám đốc mời anh lên gặp gấp:

- Việc này tôi đã nghe loáng thoáng ở đâu đó rồi. Ðến nay có đơn, nhờ sự phát hiện kịp thời kẻo kẻ xấu lợi dụng sơ hở trong quản lý, chui sâu vào bộ máy công quyền để tung hoành phô diễn trò vô đạo đức.

Dù chưa nghe đủ, anh vẫn nhận ra điều giám đốc muốn nói. Tranh thủ lúc giám đốc ngừng, Trương chống chế để sớm tìm lối thoát:

- Thưa sếp, mong sếp nói thẳng.

Một chồng nhật báo được quăng cái phạch xuống nền gạch, giám đốc đứng phắc lên, mặt đỏ bừng, xương quai hàm nổi lên chạy ngang chạy ngược:

- Tôi đã xác minh hẳn hoi. Cậu về, về viết ngay kiểm điểm với hai tội danh. Một là vi phạm pháp luật đã có vợ con còn dụ dỗ người có chồng. Tội thứ hai, giấu giếm lịch sử bản thân, qua mắt tổ chức để ngoi lên hàng ngũ lãnh đạo đặng chờ cơ hội thực hiện hành vi bỉ ổi. Tự nhận kỷ luật Ðảng…

Không phải lần đầu, đã nhiều lần rồi anh lãnh trọn giọng điệu quy chụp có cánh với nội dung rùng rợn như kiểu vừa rồi của lãnh đạo, duy có điều lần này câu chuyện dường như có thật, dường như gặm nhấm hằng ngày bầu nhiệt huyết. Thời gian chịu đựng có làm vơi đi ít nhiều mặc cảm, nhưng vết đau không tên không có ngày lành, mỗi lần trở lại nó đánh gục nghị lực của anh. Anh đi như đi giữa trời xoay xoay vần vũ sắp sập, mở to mắt dò dẫm cố tìm một lỗ đất nứt nẻ nào đó dưới chân để chui xuống, biến khỏi trần gian độc địa này.

Nhớ tới vợ con, nhớ tới người thân, anh lại gượng đứng lên bởi trong đời anh chưa một lần suy nghĩ việc gì trái với lương tâm chứ nói chi đến hành động. Dù là dân hay công chức, anh vẫn răn đe chính mình bằng kinh nghiệm cuộc sống đã dạy. Không thiếu người bản lĩnh đến mức nếm mọi gian truân, thậm chí bị tra tấn trong nhà tù tàn bạo, vẫn hiên ngang giữ khí tiết, chết thì chịu, nhất quyết không khai nửa lời. Nhưng một phút, một phút thôi để lý trí lơ là, chủ quan, gặp phải tâm trạng, tinh thần không ổn định, hai điều ấy dẫn dắt hồn ta đến chỗ mỏng manh nhất, cái chết hoặc hành động bản năng động vật xảy ra là chuyện không ít ở cõi trần.

Hình ảnh uy tín, sự nghiệp nát bét, nhục nhã tới đời con cháu. Anh kịp trở lại trong suy nghĩ: Sự việc ngày xưa, chính là sự bất cẩn, trùng hợp ngẫu nhiên dẫn đến như là tai nạn không nghề nghiệp đã dày vò anh trong suốt thời gian dài. Anh quyết tâm đứng lên, đứng lên bằng chính đôi chân mình bởi cái gì cũng có giá của nó, đằng này anh là người tốt thì nhìn dưới góc độ nào, thời điểm nào và nhìn như thế nào đến lúc kết cục vẫn tốt là đủ rồi.

Hồi trẻ nhỏ đi học, thằng bạn ăn mặc chỉnh tề, con nhà giàu, sang trọng. Ðang xếp hàng vào lớp, thình lình con muỗi đầy máu đậu vào ngực chiếc áo trắng tinh, mới toanh, khi anh quay xuống, bằng phản xạ một cái phịch, muỗi chết, máu chiếm một vùng rộng lớn, bạn anh không nói gì nhưng gương mặt bạn buồn, buồn hết buổi học làm anh nhớ hoài. Tự nghĩ, giá như hồi ấy bạn chửi thì nay đâu còn gì để nhớ. Thương người, giúp người là tốt so kẻ vô cảm nhưng đặt không đúng chỗ cũng có khi mang tội.

Một ánh chớp xa dễ chịu kéo anh về thực tại. Không nghĩ ngợi lung tung nữa, một lá đơn tình nguyện về xã trình lên lãnh đạo và được xem xét giải quyết./.

Truyện ngắn của Công Văn

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.