Từng là loại cỏ mọc hoang dại không ai chú ý nhưng những năm gần đây, năn bộp trở thành loại rau sạch được khách hàng ưa chuộng, nhu cầu thị trường cao. Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành chuyển từ trồng lúa sang năn bộp mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Bà Quách Thị Tuyết, Ấp 5, xã Tân Thành có 1,2 ha đất ruộng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng năn bộp hơn 10 năm nay.
Theo chia sẻ của bà Tuyết, ruộng của bà nước sâu nên trồng lúa năng suất thấp, trong khi năn bộp tự mọc thì mập mạp, non. Lúc đầu gia đình bà chỉ nhổ năn về ăn, nhưng khi năn mọc ngày một nhiều thì bà nhổ bán. Thấy thu nhập từ năn bộp khả quan, gia đình bà bứng gốc năn trồng khắp ruộng. Trồng năn không cần giữ giống vì củ năn còn sót lại trong đất mùa khô, khi mưa đến sẽ phát triển mạnh.
Nghề trồng năn chi phí đầu tư rất thấp nhưng thu hoạch suốt mùa vụ. Vụ năn bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 9 âm lịch. Mỗi buổi sáng bà Tuyết cùng các thành viên trong gia đình lội ra đồng năn để nhổ, khoảng 10 giờ là về đến nhà.
Vì số lượng năn nhiều, bà Tuyết thuê thêm một số chị em trong xóm tiếp lột năn, trả công 5 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày bà Tuyết thu hoạch từ 7-10 kg năn lột sạch vỏ. Năn lột xong, bà Tuyết trữ trong thùng xốp có đá. Cách làm này giúp cọng năn cứng cáp, trắng và ngon hơn. Sáng hôm sau bà sẽ bán cho tiểu thương với giá 40.000 đồng/kg, cung không đủ cầu.
Nghề trồng năn giúp bà Quách Thị Tuyết (thứ 2 từ phải sang) có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Tô Thị Cà thường tranh thủ thời gian nhàn rỗi đến nhà bà Quách Thị Tuyết lột năn vừa kiếm thêm chút thu nhập, vừa có dịp trò chuyện cùng nhau.
Chị Trương Thị Nga, Ấp 5, xã Tân Thành, cũng thuê 1 công đất trồng năn. Mỗi ngày, chị Nga nhổ, lột và bán lẻ khoảng 4-5 kg năn với giá 50 ngàn đồng/kg. Với chị, số tiền này giúp chị trang trải phần nào chi phí sinh hoạt gia đình.
Chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành, cho biết, hiện toàn xã Tân Thành có hơn 10 hội viên phụ nữ thu nhập chủ yếu từ năn bộp. Trong đó, một số hội viên chủ động chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng năn bộp. So với trồng lúa, thu nhập từ trồng năn bộp lợi nhuận hơn nhiều. Mỗi công năn bộp sẽ cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm. Với chị em ở xã vùng ven như Tân Thành, năn bộp là món quà thiên nhiên ban tặng, đem lại nguồn thu nhập lý tưởng, bền vững./.
Mỹ Lệ