Thời đại số hoá mang đến vô số cơ hội việc làm chỉ với vài cú click chuột. Facebook, Zalo hay các ứng dụng tuyển dụng trực tuyến trở thành công cụ đắc lực cho người lao động, từ nhân viên văn phòng đến lao động phổ thông. Nhưng bên cạnh cơ hội, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng lừa đảo, lợi dụng danh tiếng của các doanh nghiệp lớn để bày trò tinh vi, nhắm vào người đang cần việc...
- Cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3, giả mạo Hội Chữ thập đỏ để kêu gọi quyên góp lừa đảo
- Nhận biết và phòng tránh lừa đảo trực tuyến
- Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo giả danh nhân viên điện lực
Bẫy “lời mời hấp dẫn”
Lòng tin và sự thiếu cảnh giác là điều mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến khi triển khai những chiêu trò tinh vi. Chị Y.T (TP Cà Mau), người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, không ngờ mình lại trở thành nạn nhân của một chiêu lừa bài bản đến vậy.
Mọi chuyện bắt đầu khi chị T tình cờ thấy một bài đăng tuyển dụng trên mạng xã hội. Bài đăng được mạo danh là từ bộ phận tuyển dụng của Công ty VinFast và Khách sạn Mường Thanh, tuyển dụng vị trí “Hành chính nhân sự” với mức lương 15-20 triệu đồng/tháng và chế độ làm việc hấp dẫn. Thông tin này ngay lập tức thu hút chị. “Họ trả lời rất chuyên nghiệp, gửi link để tôi điền thông tin, còn tự giới thiệu là người phụ trách tuyển dụng. Mọi thứ đều chỉn chu, từ logo công ty đến cách họ trả lời tin nhắn. Tôi hoàn toàn tin tưởng”, chị T kể lại.
Ðiều đặc biệt là, chỉ vài phút sau khi gửi thông tin, chị T nhận được một khoản tiền chuyển khoản 130.000 đồng. Khi hỏi, người này giải thích đây là khoản đãi ngộ ban đầu của công ty dành cho ứng viên. “Tôi thực sự bất ngờ. Lần đầu tiên đi ứng tuyển mà được nhận tiền trước. Họ làm vậy khiến tôi nghĩ đây là cơ hội hiếm có”, chị T chia sẻ.
Sau đó, chị T được mời vào một nhóm Zalo có nhiều ứng viên khác. Trong nhóm, “người phụ trách” thông báo rằng công ty đang triển khai quỹ thiện nguyện nội bộ và yêu cầu ứng viên chuyển 100.000 đồng để góp quỹ. “Lúc đó tôi thấy hơi kỳ lạ, nhưng vì trước đó đã nhận 130.000 đồng từ họ nên cũng tin tưởng. Họ nói, nếu không chuyển khoản, hồ sơ của tôi sẽ bị đánh giá thấp và rất khó được duyệt, nên tôi làm theo”, chị kể.
Tuy nhiên, để chuyển tiền theo yêu cầu, chị phải làm theo một loạt các bước phức tạp. Lúc này, chị bắt đầu nghi ngờ và lo lắng rằng nếu tiếp tục làm theo, có thể tài khoản ngân hàng của mình sẽ bị hack. Người này tiếp tục thúc ép chị T chuyển thêm một khoản tiền khác để xác minh tài khoản ngân hàng.
“Tôi lập tức gọi cho một người bạn làm ở Khách sạn Mường Thanh để kiểm tra lại thông tin. Bạn tôi khẳng định chắc chắn rằng không có bất kỳ hình thức tuyển dụng nào như vậy. Lúc đó tôi mới nhận ra mình suýt bị lừa”, chị T chia sẻ.
Với kỹ năng tinh vi, những đối tượng lừa đảo tạo ra những email tuyển dụng hết sức chân thực, nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ tin tưởng với ứng viên. (Ảnh chụp màn hình)
Chiêu trò lừa đảo qua tuyển dụng không mới, nhưng các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Ban đầu, chúng xây dựng lòng tin bằng cách trả tiền trước cho nạn nhân hoặc sử dụng hình ảnh, thông tin doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Chỉ khi nạn nhân hoàn toàn tin tưởng, chúng mới bắt đầu yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt.
Chị T không phải là trường hợp duy nhất. T.Q (Phường 8, TP Cà Mau), cũng rơi vào một chiêu trò tương tự khi tìm kiếm việc làm bán thời gian. Một người tự xưng là giám đốc kinh doanh mời Q tham gia công việc xem video trên ứng dụng. Mỗi lượt xem, Q sẽ được trả 30.000 đồng. Ban đầu, Q nhận được tiền đúng hẹn sau khi hoàn thành vài nhiệm vụ nhỏ. Nhưng để tiếp tục, Q phải nạp tiền để mở khoá các nhiệm vụ cao cấp hơn. Tin tưởng, Q nạp 250.000 đồng, rồi 1 triệu đồng và tiếp tục nạp thêm với hy vọng gỡ lại số tiền đã mất. Ðến khi mất gần 5 triệu đồng, Q mới phát hiện mình bị lừa khi đối tượng chặn mọi kết nối.
“Lúc đầu họ trả tiền đầy đủ để mình tin tưởng. Nhưng càng làm, số tiền mình nạp càng nhiều và cuối cùng thì mất trắng”, Q ngậm ngùi.
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng nhằm bảo vệ người dân trước các nguy cơ tiềm ẩn. Theo đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn nghi ngờ từ các nền tảng như Zalo, Facebook. Nếu phát hiện tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo cáo ngay lập tức để ngăn chặn kịp thời, tránh để hành vi này gây hại cho cộng đồng. Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, người dân không nhấp vào các liên kết từ nguồn không đáng tin cậy và không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là số tài khoản ngân hàng. Cần cẩn trọng với các tin nhắn yêu cầu cài đặt ứng dụng qua đường link lạ, vì việc kích hoạt chế độ “cho phép cài đặt từ nguồn không xác định” trên điện thoại có thể tạo điều kiện cho phần mềm độc hại xâm nhập và đánh cắp dữ liệu. |
Việt Mỹ