ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:49:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cảm xúc tháng 10

Báo Cà Mau (CMO) Đó là những cảm xúc không vui. Mưa bão, lũ lụt, sạt lở, tang thương... Quá nhiều sự cố dồn dập xảy đến với đồng bào miền Trung.

Có lẽ tháng 10 năm nay là tháng đau buồn nhất so với nhiều năm trở lại đây trên dải đất hình chữ S này.

Những ngày qua cứ vào cơ quan, ngoài công việc, mối quan tâm của chúng tôi là nắm thông tin về đồng bào vùng lũ lụt. Là phụ nữ vốn nhạy cảm, dễ mủi lòng, bao nhiêu số phận, bao nhiêu cảnh đời đồng bào trong hoạn nạn, tang tóc làm chúng tôi cứ khóc lặng.

Những tưởng trận lũ lụt lịch sử với mức nước ngập mấy lần đầu người, cướp đi cả chục sinh mạng, cuốn phăng hàng ngàn nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, gia súc gia cầm...; hàng vạn người trong cảnh màn trời chiếu đất, đói rét… đã là tổn thất lớn lao. Nào ngờ, tới sự cố Rào Trăng 3 với 17 người chết và mất tích. Rồi lại thêm sự hy sinh của 13 cán bộ, sĩ quan đoàn cứu hộ. Chưa hết bàng hoàng, tới vụ đất đá vùi lấp 22 quân nhân. Rồi thêm những ngổn ngang đổ nát, tang tóc đau thương của hàng loạt đồi núi chôn lấp cả xóm, cả làng và hàng mấy chục con người... Trên biển, 23 ngư dân đến giờ vẫn chưa dấu tích. Chuyện gì xảy ra? Thật sự quá kinh hoàng, ngoài sức tưởng tượng. Cứ ngỡ chỉ có chiến tranh mới khắc nghiệt, nào ngờ thiên tai cũng gây ra bao hậu quả khó lường! 

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở liên miên hết chỗ này đến nơi nọ. Đau thương chồng chất đau thương. Những chiến sĩ mười chín, đôi mươi dang dở bao hoài bão, ước mơ; những em bé tâm hồn trong trắng, ngây thơ phút chốc lìa xa trần thế... Con trẻ ngơ ngác mất mẹ cha; vợ mất chồng, chồng mất vợ thất thần đau đớn; những cụ ông, cụ bà đầu bạc khóc đầu xanh… Bao nhiêu người ra đi, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cảnh đời. Mỗi lần đọc báo, xem đài là tim se thắt. 

Những người con Cà Mau cứu trợ đồng bào miền Trung trong hoạn nạn. Ảnh: Hoa Thiện

Ngày 20/10 năm nay, chúng tôi dự định tổ chức bữa tiệc nho nhỏ mừng ngày phụ nữ và sinh nhật một đồng nghiệp cùng phòng. Nhưng rồi sáng vào, ai cũng ngùi ngùi bày tỏ nỗi lòng là không có tâm trạng nào để vui khi cứ dồn dập tin đau thương, chết chóc. 

Dù không ruột rà máu mủ, nhưng cũng là tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những thông tin trên báo, trên đài hàng ngày đọc được cứ làm lòng dạ xót xa.

Ở cơ quan đọc được những thông tin gì liên quan đồng bào miền Trung chúng tôi nói với nhau. Về nhà đọc được, cũng chia sẻ qua Zalo, Facebook. Vào cơ quan lại hỏi nhau có xem những chương trình đã phát, clip trên mạng đã đăng…

Những câu cửa miệng: “Trời ơi”, “nữa hả”, “trời trời”... chúng tôi thường thốt ra, tận đáy lòng là nỗi cảm thương sâu sắc với đồng bào mình mỗi khi hay thêm những đau thương mất mát…

Và có lẽ chưa lúc nào những người nổi tiếng, đặc biệt là giới showbiz lại phát huy lợi thế, uy tín của mình với những cách làm khác nhau giúp đỡ đồng bào hoạn nạn nhiều như lần này. Cái tình dân tộc, cái nghĩa đồng bào. Đáng trân trọng thay! Ngoài những thông tin buồn, chúng tôi còn theo dõi thông tin về các đoàn cứu trợ. Nghe hoàn cảnh nào được giúp đỡ lại thấy vui mừng. Đặc biệt là việc vận động quyên góp, cứu trợ của ca sĩ Thuỷ Tiên với con số vận động tiền tỷ tăng nhanh mỗi ngày làm chúng tôi mừng vui vô kể. 

Dù chúng tôi đều có đóng góp cứu trợ từ việc trích lương, nhưng nghe có đoàn đi trực tiếp miền Trung hỗ trợ đồng bào chúng tôi cũng sẻ chia trong điều kiện có thể. Nhiều nhỏ góp lại thành to, đó còn là tấm lòng của chúng tôi gửi đến đồng bào ruột thịt. Một nắm khi đói bằng một gói khi no. Những chai dầu, những viên thuốc nhức đầu, tiêu chảy, những gói mì, quần áo, vật dụng đến đúng lúc, kịp thời sẽ có ý nghĩa biết dường nào. Cả khi không có điều kiện đóng góp vật chất, chỉ sự quan tâm cũng đã góp phần truyền nguồn năng lượng tích cực giúp đồng bào có thêm sức mạnh về mặt tinh thần để vượt qua hoạn nạn.

Bão dông rồi cũng qua. Nhưng những mất mát đau thương ở các gia đình mãi là khoảng trống khó lòng lấp kín. Hy vọng cộng đồng tiếp tục chung tay. Hy vọng bà con mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã này. Bởi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Còn trách nhiệm của người đang sống, còn biết bao cam go phía trước phải đương đầu.

Đồng nghiệp tôi hôm bữa vào cơ quan tỏ thái độ bực mình vì thấy các quán nhậu vẫn ì xèo… trong khi miền Trung thì đang tai hoạ.

Ừ, cuộc sống mà, muôn hình muôn sắc. Quan trọng là, đừng dửng dưng, vô cảm với nỗi đau đồng loại, đặc biệt là với đồng bào, với dân tộc, với an nguy của đất nước mình!./.

Trang Thăm

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...