Cơ giới hoá sản xuất giúp người dân tăng hiệu quả canh tác. (Trong ảnh: Nông dân ấp 4, xã Tân Lộc thu hoạch lúa).
Với đặc thù là vùng đất có 2 hệ sinh thái ngọt mặn đan xen, thời gian qua, huyện Thới Bình đã tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế kết hợp. Từ đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và khơi dậy được nội lực trong Nhân dân, đưa cuộc sống của người dân không ngừng phát triển, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng quê Thới Bình thôn.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, với đặc điểm là vùng đất mặn ngọt đan xen, trong sản xuất nông nghiệp, huyện xác định lấy mô hình đa cây, đa con làm chủ lực. Những năm qua, huyện đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng vào sản xuất để tạo ra giá trị kinh tế cao trên cùng diện tích. Tiêu biểu có thể kể đến là giống lúa cao sản ST20 kết hợp với mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất tôm - lúa mang lại hiệu quả cao.
Cơ giới hoá sản xuất giúp người dân tăng hiệu quả canh tác. (Trong ảnh: Nông dân ấp 4, xã Tân Lộc thu hoạch lúa). Ảnh: N.PHÚ |
Kể từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thế mạnh kinh tế của huyện là nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ lực là nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa. Chính vì vậy, huyện tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, mở rộng diện tích, tăng năng suất, hiệu quả và nguồn thu nhập cho người dân. Từ những mô hình kinh tế hiệu quả mang lại thu nhập cao trên cùng diện tích được nhân rộng thời gian qua đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm gần 13%. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay hơn 24 triệu đồng/năm, đạt trên 130% so với đầu nhiệm kỳ.
Ðối với con tôm sú, huyện tổ chức sản xuất theo hướng luân canh, nuôi tôm kết hợp với trồng lúa và các loài thuỷ sản khác. Toàn huyện hiện có trên 48.000 ha nuôi tôm, trong đó có gần 25.000 ha nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Vụ mùa năm 2014, năng suất lúa trên đất nuôi tôm trong huyện đạt 5 tấn/ha, có nhiều nơi năng suất đạt gần 5,5 tấn/ha. Tổng sản lượng tôm thu hoạch trong nhiệm kỳ qua đạt gần 67.500 tấn, năng suất bình quân hiện nay đạt khoảng 300 kg/ha, tăng hơn đầu nhiệm kỳ 38 kg/ha. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch hơn 10.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1.000 ha nuôi tôm công nghiệp.
Các mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa, nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu cũng phát triển khá mạnh. Năm 2014, bà con trong huyện thả nuôi hơn 2.000 ha tôm càng xanh trên ruộng lúa, tăng gần 1.000 ha so với năm 2013; năng suất đạt từ 150-200 kg/ha và cho lợi nhuận từ 15-25 triệu đồng/ha. Toàn huyện hiện có trên 500 ha nuôi cá chình, cá bống tượng và có trên 600 hộ nuôi cá sấu, tổng số hơn 36.800 con.
Anh Bùi Văn Út, ấp Kênh 5B, xã Tân Phú, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, tìm đầu ra của các ngành chức năng mà tôi đã phát triển mô hình nuôi cá sấu của mình thành trang trại, mỗi năm cho thu nhập trên 2 tỷ đồng từ bán cá giống và cá sấu thịt”.
Dồn sức hướng về nông thôn mới
Ðời sống kinh tế ổn định và không ngừng phát triển, người dân trong huyện đã góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện. Ðến nay, 11 xã trong huyện đạt bình quân 12 tiêu chí/xã; trong đó, Trí Lực đạt cao nhất với 16 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 9-15 tiêu chí. Ðể có được kết quả này, tính đến cuối năm 2014, huyện đã huy động 890 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách 212 tỷ đồng; vốn huy động trong Nhân dân trên 666 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư của ngành điện.
Huyện Thới Bình đang tập trung phát triển nuôi thuỷ sản như một ngành kinh tế mũi nhọn. |
Hiện Thới Bình đang tập trung chỉ đạo và đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2015, 3 xã là Trí Lực, Trí Phải và Biển Bạch Ðông sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tạo đà để huyện thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho những năm tiếp theo.
Quyền Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Hồ Xuân Việt nhấn mạnh, điều quan trọng là huyện xác định được tiềm lực và nội lực, từ đó quy hoạch toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Khi đời sống người dân phát triển, sức đóng góp cho xã hội cũng tăng lên, và điều hiển nhiên là diện mạo nông thôn sẽ ngày một khởi sắc.
Ðồng chí Hồ Xuân Việt cho biết thêm, từ nay đến năm 2020, huyện Thới Bình tiếp tục huy động các nguồn lực để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngư - nông, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, Thới Bình sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Trí Thuận