“Hơn 12 năm gắn bó với công tác phụ nữ, chị Trần Cúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðất Biển, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời luôn năng nổ, tâm huyết, tiên phong trong mọi phong trào, công tác phụ nữ ở địa phương. Phong trào phụ nữ ở ấp Ðất Biển ngày càng đi lên, đời sống chị em được khởi sắc như hôm nay là có phần đóng góp công sức không nhỏ của chị Cúc”, bà Nguyễn Bé Thuỳ, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Ðiền, cho biết.
“Hơn 12 năm gắn bó với công tác phụ nữ, chị Trần Cúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðất Biển, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời luôn năng nổ, tâm huyết, tiên phong trong mọi phong trào, công tác phụ nữ ở địa phương. Phong trào phụ nữ ở ấp Ðất Biển ngày càng đi lên, đời sống chị em được khởi sắc như hôm nay là có phần đóng góp công sức không nhỏ của chị Cúc”, bà Nguyễn Bé Thuỳ, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Ðiền, cho biết.
Sau khi lập gia đình, năm 1992 chị Trần Cúc cùng chồng chọn ấp Ðất Biển, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời làm nơi sinh sống. Lúc đầu, cuộc sống hết sức khó khăn vì không có “cục đất chọi chim”. Hai vợ chồng phải hợp đồng mướn 6,6 ha đất vuông để nuôi tôm thiên nhiên. Việc canh tác ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng với ý chí vượt khó, đồng vợ đồng chồng, việc sản xuất dần đi vào ổn định và đạt hiệu quả.
Ðể tăng thêm thu nhập cho gia đình, hằng ngày, chị Cúc mở tiệm buôn bán tạp hoá cho bà con ở địa phương. Sau vài năm, kinh tế gia đình ổn định, chị sang được đất sản xuất. Với hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 150 triệu đồng.
Không còn vướng bận nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, năm 2002, chị Cúc tham gia công tác phụ nữ ở ấp. Thấy chị năng nổ, nhiệt tình với công tác hội, chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðất Biển đến nay.
Chị Cúc tâm sự, những ngày đầu khi làm Chi hội trưởng cũng gặp nhiều khó khăn. Phong trào phụ nữ ở ấp yếu, chị em tham gia vào tổ chức hội quá ít, chỉ có 23 hội viên. Ðể vực dậy phong trào phụ nữ của ấp, hằng ngày, chị phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, phân tích cho chị em thấy quyền, lợi ích khi tham gia vào tổ chức hội phụ nữ. Từ đó, chị em tự nguyện tham gia ngày càng đông. Ðến nay, chi hội có 218 hội viên và được công nhận “ấp xoá hộ trắng hội viên” năm 2013.
Thấy đời sống của chị em còn lắm khó khăn, sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng chị em, chị Cúc đề xuất vận động chị em cùng nhau góp vốn luân phiên cho chị em mượn phát triển sản xuất. Ðể nguồn vốn phát huy hiệu quả, chị Cúc hướng dẫn hội viên tìm hiểu, áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với nguồn vốn, điều kiện ở địa phương như chăn nuôi heo, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, trồng màu.
Ngoài việc huy động vốn nội lực, chị còn thành lập 2 tổ nuôi heo đất, với 60 thành viên. Mỗi tháng giúp 10 kg gạo cho 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Thành lập 5 tổ tín dụng tiết kiệm có 218 thành viên, với tổng số tiền trên 600 triệu đồng, giúp cho 113 chị có nguồn vốn sản xuất. Ðặc biệt, chị Cúc còn phối hợp với các ngành nhận “đỡ đầu” cho các hội viên thuộc diện hộ nghèo. Với sự giúp đỡ của chị đã có 10 hội viên thoát nghèo.
Không chỉ chăm lo đời sống, chị Cúc còn giúp đỡ chị em khi bạo lực gia đình xảy ra. Không ngại khó, chị tận tình hoà giải, phân tích, giải quyết mâu thuẫn, xử lý có tình có nghĩa. Từ đó, mang lại hạnh phúc gia đình cho hội viên, được chị em tin tưởng, tình trạng bạo lực gia đình cũng được hạn chế.
Với những việc làm thiết thực trong thời gian qua, chị Trần Cúc được Hội LHPN xã chọn là gương điển hình tiên tiến duy nhất năm 2014. Ngoài ra, chị còn được tặng giấy khen có thành tích trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp xã năm 2014./.
Minh Ngọc