ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 3-1-25 02:21:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Tư liệu quý từ ghi chép của người tập kết

Báo Cà Mau Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra đã 70 năm, những yếu tố về lịch sử, chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, Bác Hồ thì sách báo đã đề cập. Tuy vậy, lớp hậu thế muốn tìm hiểu chi tiết vấn đề lại rất ít thông tin. Trong quá trình gặp gỡ, tiếp cận tài liệu từ nhân chứng (còn lại không nhiều), từ thân nhân, từ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi bắt gặp những trang nhật ký, ghi chép, hồi ức, qua đó giúp phần nào hình dung lại một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt này.

Tái hiện sinh động cuộc sống, sinh hoạt, học tập, chiến đấu

Các tư liệu trên của nhiều đối tượng như cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam, qua cái riêng của mỗi người, giúp phần nào hiểu được cái chung của đất nước; sự quan tâm, chăm lo của Ðảng, của Bác Hồ; tình cảm Bắc - Nam ruột thịt...

Ông Nguyễn Tường Nuôi quê ở Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời. Trước khi tập kết, ông là bộ đội Tiểu đoàn 307. Ra miền Bắc, qua thời gian tiếp tục học tập, huấn luyện chiến đấu, ông được phân công giúp nước bạn Lào, sau lại trở về chiến trường miền Nam, rồi giúp nước bạn Campuchia... Ðời lính dạn dày gian khổ, từng tham gia trên 30 trận đánh cấp đại đội, từng bị thương, rồi bao buồn vui, nỗi nhớ gia đình, quê hương, trách nhiệm với Tổ quốc, tình cảm của đồng bào miền Bắc... tất cả được ông ghi vào hai quyển nhật ký (đã ố vàng, một số trang sứt rời, có trang chữ phai mờ, nhiều trang vẫn còn khá rõ).

“Bến Sầm Sơn cả một rừng cờ, rừng người đón tiếp (...). Chưa đến bờ thì đã vang dội tiếng hoan hô: “Nam - Trung - Bắc đoàn kết thống nhất một nhà muôn năm! Bộ đội miền Nam tập kết thắng lợi muôn năm! Tinh thần dũng cảm của quân dân Nam Bộ thành đồng muôn năm!”(...). Trong giờ phút này, tôi rạt rào tình cảm và xúc động”, một đoạn trong nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi.

Những trang nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi được viết và lưu giữ trong hành trình đi tập kết ra Bắc và tham gia chiến đấu trên các chiến trường Lào, Campuchia, miền Ðông và Tây Nam Bộ từ hơn 50 năm trước.

Những trang nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi được viết và lưu giữ trong hành trình đi tập kết ra Bắc và tham gia chiến đấu trên các chiến trường Lào, Campuchia, miền Ðông và Tây Nam Bộ từ hơn 50 năm trước.

 Ði qua cuộc chiến tranh, ông may mắn hơn đồng đội là còn sống trở về đoàn tụ với gia đình. Ông mất năm 2019. 

Trong số các trang tư liệu được tiếp cận, có lẽ những ghi chép của ông Nguyễn Anh Sơn là chi tiết và công phu nhất. Ông Nguyễn Anh Sơn (Sáu Sơn, Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Là người có đầu óc quan sát tinh tế, chịu khó ghi chép nên suốt quá trình học tập và về Nam chiến đấu, kể cả giai đoạn sau này nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt cùng các cựu học sinh miền Nam, ông đều lưu lại qua các trang viết.

Ông Sơn có đến 6 quyển ghi chép, tự đánh máy và in (khổ 15x20), đóng thành quyển. Mỗi quyển đều có tựa đề và quyển ít nhất 75 trang, nhiều nhất 125 trang. Trong đó, quyển “Ra đi”, ghi chép khá rõ, có hệ thống quá trình sống, học tập, lao động và trưởng thành ở miền Bắc; quyển “Vượt Trường Sơn” kể về hành trình từ giã miền Bắc với tâm thế háo hức và quá trình vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu đầy gian khổ; quyển “Ðường về miền Tây” nói về chặng đường từ miền Ðông về miền Tây, mà theo ông tuy không vất vả trèo đèo lội suối, nhưng đối mặt với sự ác liệt của bom đạn, giữa lằn ranh sinh tử và bản thân ông cũng bị B52 bừa 2 lần chết đi sống lại...

Ông Sơn cho biết, các tập sách được ông hoàn chỉnh sau này, trên cơ sở từ nhật ký trước đây.

Ngoài nội dung sát thực, cách dùng từ, hành văn có sự chăm chút nên những trang viết khá mượt mà, tròn trịa, lôi cuốn người đọc.

Xin trích ra vài phân đoạn: “Tôi ngẩng lên, trước mắt là một dốc đứng cao vời vợi. Nắng trưa xuyên qua cành lá nóng hầm hập, rừng im lặng không một ngọn gió. Hai bên đường có 2 cọng dây song (loại mây lớn) bằng bắp tay được căng ngược lên đỉnh dốc (...). Chân dò từng bước, 2 tay bám chặt sợi dây đu lên. Người sau đội đít người trước... Mồ hôi tuôn lã chã, chảy vào mắt cay xè (...). Phải hơn 12 giờ trưa mới tới đỉnh dốc (...). Xa xa nhiều máy bay Mỹ gầm rú quần đảo, tiếng bom, tiếng rocket vang vọng (...). Lên dốc gian nan, nguy hiểm bao nhiêu, xuống dốc còn gian nan nguy hiểm hơn nhiều. Ai cũng để cái lưng đi trước, bước giật lùi, dò dẫm chậm chạp....”, phân đoạn trong quyển “Vượt Trường Sơn”.

 Tư liệu đặc biệt về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B)

Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) quê Cà Mau, tập kết ra Bắc năm 1954, cũng diện học sinh miền Nam, là em ruột ông Nguyễn Anh Sơn. Học hết năm nhất đại học, Nguyễn Văn Bảy (B) được chọn đào tạo phi công chiến đấu. Ông lập thành tích đặc biệt, có một không hai trên thế giới là bay biển ở độ cao thấp và ném bom làm cháy tàu khu trục Mỹ (Highbee) bằng lối ném thát lát (như kiểu trẻ con thường chơi trò ném vật dẹp cho chạy trên mặt nước). Với thành tích này, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Sơn, người có nhiều ghi chép trong suốt hành trình đi tập kết và về Nam chiến đấu; đặc biệt là tư liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).

Ông Nguyễn Anh Sơn, người có nhiều ghi chép trong suốt hành trình đi tập kết và về Nam chiến đấu; đặc biệt là tư liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).

Năm 1972, trong trận không chiến ác liệt, không cân sức với quân thù trên bầu trời Thanh Hoá, ông đã anh dũng hy sinh sau khi bắn rơi 1 chiếc máy bay A6 của địch.

Ông Sơn kể, năm 2002, sau khi di dời hài cốt Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau, nhiều người biết về ông. Sau đó, Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau liên hệ với gia đình làm phim tài liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) (do phóng viên Minh Chính và Hoàng Sấy thực hiện). “Gia đình đã nhờ Câu lạc bộ Không quân phía Nam (ở TP Hồ Chí Minh, bấy giờ do Ðại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) làm chủ nhiệm), tổ chức cuộc gặp mặt các phi công chiến đấu cùng Bảy (B) trong những trận đánh và bạn bè phi công của Bảy (B)... theo yêu cầu các anh bên truyền hình. Trong buổi gặp mặt, họ nói về chiến công của Bảy (B), phân tích cách đánh độc đáo...; rồi tính cách, tình cảm, mối quan hệ bạn bè... Nói chung như cuộc toạ đàm, thảo luận và kéo dài tới 2 ngày liền”, ông Sơn kể.

Ông Sơn cũng cho biết: “Trong lần gặp mặt này, anh Nguyễn Năm (người anh thứ năm của ông Sơn - PV) đã ghi âm lại tất cả các ý kiến và giao tôi nghe ghi âm rồi viết ra, hệ thống lại, gửi cho những người phát biểu xem qua. Họ đóng góp, chỉnh sửa những ý kiến đó và tôi đã điều chỉnh theo họ”.

Cũng theo ông Sơn, khi tất cả đã “duyệt”, ông bắt đầu trình bày, in thành cuốn “Những câu chuyện về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy”.

Hiện nay, các phần ghi âm về buổi họp mặt, ông Nguyễn Năm vẫn còn lưu giữ.

“Những người đóng góp ý kiến, rồi bạn bè của Bảy (B), các thành viên Câu lạc bộ Không quân phía Nam, người thân... đăng ký xin, vậy là tôi cứ in ra cho. Tính đến nay, tôi đã in quyển này khoảng 300 bản”, ông Sơn thông tin.

Cũng như quyển “Những câu chuyện về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy”, các quyển “Ra đi”, “Vượt Trường Sơn”... ông Sơn đều in ra biếu bạn bè và khi họ góp ý, thấy phù hợp thì chỉnh sửa. Ðến nay, mỗi quyển ông in biếu bạn bè, người quen khoảng 200 bản.

 Nên in sách để phổ biến và lưu giữ

Trong kháng chiến chống Pháp, Cà Mau từng là căn cứ địa cách mạng với rất nhiều cơ quan Trung ương đứng chân như: Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Sở Y tế Nam Bộ, Ðài Tiếng nói Nam Bộ, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn... Người Cà Mau công tác ở các cơ quan này rất nhiều. Vì vậy mà khi tập kết, người Cà Mau tham gia cũng rất đông.

Cà Mau đồng thời là điểm tập kết lớn nhất của Nam Bộ, thế nên, có người bảo Cà Mau là cái “rốn” của sự kiện tập kết.

Cà Mau cũng có nhiều người đi tập kết được chọn học tập, lái máy bay chiến đấu. Ðặc biệt, tỉnh có đến hai anh hùng phi công (đều là người tập kết), đó là Anh hùng phi công Lâm Văn Lích (quê xã Tắc Vân, TP Cà Mau) và Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B). Ðây là niềm tự hào lớn của Cà Mau mà hầu như không tỉnh miền Tây nào có được.

Tài liệu về sự kiện tập kết không nhiều, tài liệu về các anh hùng phi công của Cà Mau càng hiếm. Vì vậy, có được nguồn tài liệu về người tập kết, về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) từ gia đình là rất quý.

Theo thời gian, những nhân chứng về sự kiện tập kết cũng không còn, nhân chứng về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) hiện cũng đã qua đời hầu hết. Vì vậy, thiết nghĩ, tỉnh nên có chủ trương tập hợp các tài liệu (nhật ký, hồi ức, ghi chép...) về sự kiện tập kết và tài liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) (quyển sổ gia đình ghi, cùng một số tài liệu liên quan), in thành sách. Qua đó, vừa giúp lưu giữ làm tài liệu nghiên cứu vừa phát hành rộng rãi ra cộng đồng, góp phần nhân rộng thông tin, thể hiện niềm tự hào quê hương, vun bồi, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

 

Huyền Anh

 

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.

Các anh về với đất mẹ xứ Đầm

Anh Sáu Phước (Lê Hoàng Phước), nguyên Giám đốc VNPT Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, gọi điện cho tôi, giọng xúc động: “Tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng và trao tặng lại di ảnh của 2 liệt sĩ Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, 2 người anh ruột của anh Sáu Phước, tại gia đình. Em liên hệ đoàn theo chuyến này để cùng mọi người đón các anh về với gia đình, với quê hương Đầm Dơi sau mấy chục năm trời”.

Mạch nguồn giáo dục kháng chiến

Nhìn vào lịch sử cách mạng của vùng đất Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy những điều rất đặc biệt về giáo dục trong kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục những thế hệ “hạt giống đỏ” cách mạng kế cận luôn là công việc hệ trọng mà Bác Hồ và Ðảng ta luôn đặc biệt quan tâm gắn liền với mục tiêu thiêng liêng của sự nghiệp cách mạng là chiến thắng giặc thù, giành lại hoà bình, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Cà Mau trở thành chiếc nôi giáo dục kháng chiến Nam Bộ và đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh được giao phó.

Hẹn một ngày về

Từ nhiều tháng trước, các cựu học sinh miền Nam (HSMN) ở TP Hồ Chí Minh đã háo hức hẹn nhau cùng về Sông Ðốc - Cà Mau, dự Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, dù trong số ấy không phải ai cũng ra đi từ bến Sông Ðốc. Về với Sông Ðốc - Cà Mau, về với sự kiện mà 70 năm trước được xem là mốc khởi nguồn của các trường HSMN trên đất Bắc, với các cựu HSMN, thêm một lần nữa được tắm mình trong ký ức buồn vui của quãng đời tuổi thơ vắng mẹ, thiếu cha đầy khắc khoải nhớ thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào.