ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:51:53
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện ở chợ tràm

Báo Cà Mau (CMO) Chợ tràm. Nói đúng hơn là bãi tập kết tràm nối dài ven theo con lộ hướng về chợ huyện. Chục năm trước, khi cây tràm chưa được giá, lộ đá xô bồ, xe chạy cà tưng, chợ tràm chỉ độc nhất cái quán cóc của Thuỷ bán trà đá và mì gói ăn liền cho cánh đàn ông khai thác tràm ở xứ rừng. Bây giờ thì khác rồi, đèn điện sáng trưng, nhà cửa, quán xá chen chúc, lộ về huyện rộng thênh thang, chợ tràm nhộn nhịp, ì xèo tiếng máy cưa, xe tải... Mọi thứ đều khác trước, nhưng với mọi người thì Thuỷ vẫn vậy: đanh đá, thực tế đến vô cảm. Riêng chỉ có Huân, người đàn ông tha phương bám víu vào chợ tràm mưu sinh có cảm nhận rất riêng về Thuỷ: Ðó là người phụ nữ thẳng tính, tốt bụng, duyên dáng!

MH: Minh Tấn

Thuỷ là người có học thức so với đám đàn ông lực điền ở chợ tràm. Học xong cấp 3 trường huyện, cha mẹ buộc Thuỷ lấy chồng sớm vì nghĩ: “Con gái học nhiều để làm gì? Lấy chồng, sanh con là xong!”. Nhưng Thuỷ không ưng. Nghe kể hơn chục năm trước đã có mấy mối bên So Ðũa, Cống Ðá trầu cau tới nhà coi mắt nhưng Thuỷ trốn miệt ngoài ruộng, cánh nhà trai thiếu kiên nhẫn nên đành bỏ về. Tối đó Thuỷ cắn răng chịu đòn mà vẫn cười. Mấy năm sau, gia đình con trai ông chủ lò đường bên cầu Chữ Y chạy xuồng máy qua nhà hỏi cưới. Thuỷ không trốn ngoài ruộng như lần trước mà nấp sau mí rèm trộm nhìn người chồng tương lai rồi tự thất vọng: “Ðàn ông thời nào rồi mà còn bịt răng vàng, đầu đội nón nỉ, ống quần cao hơn mắt cá chân, chó táp không tới. Trong khi hai tay áo dài thườn thượt chẳng thèm xăn, mở miệng ra là khoe khoang của cải… Chán!”. Sau ngày hôm đó, Thuỷ tự ra chợ tràm cách nhà chừng chục cây số dựng tạm cái chòi bán mấy thứ lặt vặt. Chợ tràm khi đó vắng tanh, có người doạ: “Coi chừng ma nhát Thuỷ ơi!”. Thuỷ cười thật tươi: “Quỷ tui còn hổng sợ, kể gì mấy con ma!”. Nhờ cái duyên buôn bán, lanh lợi, biết nắm bắt thời cơ làm ăn mà Thuỷ gầy dựng được tiệm tạp hoá lớn nhất chợ tràm như ngày nay.

Hôm vợ chồng Huân đậu chiếc ghe bầu tại chợ tràm, mọi người cứ tưởng thương lái vùng trên đến thu mua tràm cây. Ai dè, Huân làm nghề chở tràm thuê, vác mướn. Từ khi Huân tới, chợ tràm vui hơn. Ðêm đến, bên đống than tràm rực lửa ven lộ thơm bừng mùi cá lóc nướng, ly rượu đế chuyền tay nhau giữa những người đàn ông. Tiếng đàn ghi-ta phím lõm của Huân ngọt lịm như giọng ca của Huân cất lên, ai nấy đều gật gù: “Cái thằng có chất tài tử, đờn giỏi, hát hay vậy lẽ ra phải làm ca sĩ, nghệ sĩ. Thiệt tội!”. Một lần Thuỷ đem xô trà đá, gói thuốc hột xoàn, mấy bịt đậu phộng bán cho cánh đàn ông lai rai về đêm có song ca với Huân bài "Chợ mới". Không cần tập dượt chung lần nào, cách vô câu vọng cổ, luyến láy, nhả chữ của Thuỷ ngọt xớt, y chang Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cùng ngón đờn, giọng hát của Huân như một cặp tài tử trên sân khấu. Ai cũng khen đôi song ca ăn ý, ví như đào chánh, kép chánh. Chiếc ghe bầu dưới bến của Huân bỗng chòng chành xoá tan ánh trăng dưới đáy sông êm đềm. Khuya đó, vợ chồng Huân có lời qua tiếng lại. Ghen. Huân đập vỡ cây đàn ghi-ta phím lõm, thề không đờn, không hát nữa.

Vậy là chợ tràm sáng hôm sau rôm rả chuyện… đêm qua. Có người nói: “Thằng Huân đẹp trai, phong trần, ăn nói lịch thiệp, đờn giỏi, hát hay ai mà không thích?”. Người kia đáp trả: “Vợ thằng Huân cũng đẹp như tiểu thơ chớ kém ai? Ở xứ rừng mà nước da trắng như bông bưởi vậy à, y chang dân thành thị!”. Lại thêm một người xen vô, so sánh: “Con Thuỷ tuy da ngăm nhưng có duyên, hai đồng tiền sâu hút trên má. Nó vừa đẹp lại vừa có cơ ngơi, cánh đàn ông ở chợ tràm thằng nào cũng khoái”. Cũng có người suy luận bâng quơ: “Cái máu nghệ sĩ dễ gặp nhau lắm, mới đờn ca chung một lần là có tình ý rồi. Phụ nữ người ta nhạy cảm lắm nghen, vợ thằng Huân chắc để ý lâu rồi mới ghen dữ vậy đó chớ…”. Một người nữa tỏ vẻ cảm thông: “Phải thương thằng Huân lắm vợ nó mới ghen. Con Thuỷ cũng chẳng vừa, miệng bằng tay, tay bằng miệng; bốp chát, nói chơi như nói thiệt, ai mà không ghen!”.

***

Cái tin vợ Huân theo trai, nói đúng hơn đi theo ông chủ chợ tràm một lần nữa trở thành đề tài cho mọi người xì xầm. Ai cũng biết sau lưng nhưng giả vờ như không biết trước mặt Huân. Anh giả lả nói với mọi người rằng, vợ mình có việc gấp về quê, vài bữa sẽ trở lại. Vợ và mấy đứa con ông chủ chợ tràm thì nhách môi, khinh khỉnh, đay nghiến Huân như trút giận: “Con đĩ mê trai, mê giàu, bỏ chồng bỏ con…”. Huân chua xót giấu hàng nước mắt được che dưới cái nón lá đang đội trên đầu. Chiếc ghe bầu nhuốm phèn dưới bến lặng thinh, đứa con gái nhỏ xíu của Huân nhớ mẹ khóc không dứt mỗi khi đêm xuống. Giọng hát Huân ru con nghe buồn xo: “Ầu ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Mấy đêm như vậy, tiệm tạp hoá của Thuỷ luôn sáng trưng đèn cho tới khi trời tờ mờ sáng.

***

Ngày tháng êm đềm trôi như dòng sông nhuốm phèn vàng óng tĩnh lặng ở chợ tràm. Cây tràm hạ giá, chợ tràm đóng băng, thương lái ngoài thành phố ít lui tới mua cây, tiếng máy cưa, xe tải nhộn nhịp ngày nào giờ im phăng phắc. Cánh đàn ông chuyên nghề khai thác tràm giờ ngồi không, có người chuyển qua nghề thợ hồ, chạy xe ôm, đi làm mướn. Huân cũng vậy, sáng sớm, anh lo cơm nước cho đứa con gái rồi ra miệt chợ huyện làm công nhật cho hãng nước đá đến tối mịt mới về. Có lần Thuỷ biểu Huân làm công cho Thuỷ, đi giao gas, giao gạo, đổi nước bình cho bà con xung quanh chợ tràm để có dịp gần gũi chăm sóc con gái nhưng Huân không ưng. Huân ngại vì nhiều cặp mắt săm soi, nói tới nói lui Huân dựa dẫm đàn bà. Bị từ chối, Thuỷ giận tím mặt, nói gần, nói xa: “Ờ! Không thích làm cho tui thì thôi, chắc ông chờ người vợ phụ bạc trở về chăm con hen!?”. Huân gãi đầu: “Không có!”.

Thuỷ ra thành phố nhận mối bện chổi, may thảm, ráp lú, ráp rập cua rồi thuê mấy bà rảnh việc ở chợ tràm gia công. Ðàn bà ở chợ tràm nhờ vậy có đồng ra đồng vô đỡ đần chồng con trong thời buổi khó khăn. Cũng không còn cảnh phụ nữ chợ tràm la cà cờ bạc, nhậu nhẹt, hát thùng kẹo kéo hay đi “tám” chuyện nhà người khác như trước. Thuỷ tuy đanh đá, thực dụng một chút theo suy nghĩ của nhiều người ở chợ tràm nhưng được cái tốt bụng, biết sẻ chia nỗi đau, sự vất vả của bà con xung quanh.

Một lần Huân đi làm về tối muộn, trên chiếc ghe bầu bộn bề đồ đạc nhưng đã được dọn dẹp tươm tất. Mâm cơm canh chua bông súng, cá rô kho tộ được dọn sẵn. Bộ đồ đi làm hôm trước đã giặt sạch, phơi khô phảng phất mùi thơm. Bên góc phòng, một cây đàn ghi-ta phím lõm mới tinh… Ðứa con gái của Huân mặc bộ đồ mới, tóc thắt bím gọn gàng, xinh xắn như vừa được chăm sóc từ đôi tay của người mẹ hiền đang ngồi bên đống đồ chơi… Huân xúc động, biết rõ những chuyện diễn ra trước mắt mình không phải do cô Tấm chui ra từ quả thị trong truyện cổ tích mà do tấm lòng và đôi bàn tay của một người phụ nữ. Huân hướng mắt về tiệm tạp hoá của Thuỷ trầm tư.

Ðêm hôm đó trăng thật sáng. Khi đứa con gái đã ngon giấc, Huân ôm cây đàn ghita phím lõm ra mũi ghe bầu ngồi so dây, ngân nga lại bài ca năm cũ. Tiếng đờn, giọng hát ngọt ngào như dẫn dắt lòng người, Thuỷ đã đến tự lúc nào, ngồi đó trên mũi ghe bầu, đầu tựa sát vai Huân, đôi bóng chiếu xuống lòng sông êm đềm. Gần chục năm đến với xứ này, không nhớ hết những lần đối mặt, cặp mắt như nhìn tận tâm can của Thuỷ, ánh nhìn trốn tránh của Huân như trắc ẩn những nỗi niềm. Tuy chưa một lần trao nhau lời yêu thương nhưng Huân hiểu, Thuỷ biết đôi trái tim như hoà thành một.

Chợ tràm sáng hôm sau có thêm chuyện vui./.

 

Truyện ngắn của Ðỗ Công

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương