(CMO) Với tác động ngày một cực đoan của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Con số thống kê mức độ thiệt hại do sạt lở cứ ngày một lớn hơn qua từng năm, đồng nghĩa với nỗi lo ngày một tăng lên.
Bài 1: Oằn mình chắn sóng
Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km với hàng chục cửa sông ăn thông ra biển. Dọc theo các cửa sông này có hàng chục tuyến dân cư sinh sống. Sự biến đổi của khí hậu đã và đang tác động đến vùng ven biển tỉnh Cà Mau, gây ra tình trạng sạt lở ven biển, ven sông rất nghiêm trọng. Câu chuyện sạt lở, nước biển dâng trở thành vấn đề nóng. Bởi hiện nay tình trạng sạt lở vùng ven biển tỉnh Cà Mau đang tiếp diễn và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lo nhất là hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang ngày ngày phải đối diện với hiểm nguy chực chờ từ sạt lở. Mặc dù nhiều năm qua lãnh đạo tỉnh Cà Mau, các ngành chức năng và chính quyền địa phương vùng ven biển không ngừng nỗ lực với hàng loạt các giải pháp để đối phó với thực trạng này, nhưng chuyện sạt lở vẫn chưa có hồi kết.
“Chính quyền và Nhân dân Cà Mau đã và sẽ làm mọi cách để giữ đất, giữ rừng phòng hộ ven biển, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, nhất là sạt lở. Đó là quyết tâm của tất cả các cấp chính quyền và Nhân dân Cà Mau trong suốt thời gian qua”, đó là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại buổi làm việc với Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát tháng 10 vừa qua. Song, có lẽ sức người còn quá nhỏ bé trước sự tàn phá của thiên nhiên nên tình trạng sạt lở cứ ngày một nghiêm trọng hơn ở vùng ven biển Cà Mau.
Hiểm nguy từ sạt lở
Tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện nghiêm trọng kể từ năm 2006. Đây là thời điểm mà tỉnh đã ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp, để huy động sự tham gia của toàn quân, toàn dân cùng nhau chung sức khắc phục và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Bắt đầu từ ngày ấy, hàng loạt những giải pháp từ công trình cho đến phi công trình đã được chính quyền và Nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện.
Song, với nguồn lực có hạn và sóng biển rất dữ dội nên dọc theo bờ biển của tỉnh ngày một sạt lở nghiêm trọng hơn. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nguyễn Thanh Tùng, qua khảo sát của ngành, tốc độ sạt lở vùng ven biển Cà Mau bình quân mỗi năm khoảng 15 m, cá biệt có nơi lên đến 50 m, theo đó, diện tích rừng phòng hộ bị mất khoảng hơn 300 ha mỗi năm. Đặc biệt, có những điểm không còn rừng phòng hộ, sóng đánh trực diện vào thân đê, nguy cơ vỡ đê biển bất cứ lúc nào.
Dọc khu vực bờ biển Tây hiện nay có 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm cần có giải pháp công trình bảo vệ với chiều dài hơn 26 km. |
Cũng theo kết quả khảo sát này, hiện nay khu vực biển Tây có 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm cần có giải pháp công trình bảo vệ khẩn cấp. Cụ thể, đoạn bờ Bắc vàm Tiểu Dừa - Bắc Hương Mai chiều dài sạt lở khoảng 8,5 km; Đoạn Nam Hương Mai đến bờ Bắc Khánh Hội chiều dài sạt lở khoảng 3,8 km; Đoạn từ vàm Ba Tỉnh đến Kênh Tư sạt lở rất nguy hiểm có chiều dài hơn 13,9 km.
Trên khu vực biển Đông, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Khu vực biển Đông hiện có khoảng 48 km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Trong đó, sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 24,5 km. Cụ thể như đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (3 km); Đoạn từ Hốc Năng về phía rạch Nhà Phiếu, huyện Ngọc Hiển (4 km); Đoạn Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (1 km); Đoạn Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (2 km); Đoạn Hố Gùi (khoảng 14,5 km).
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến cho biết, toàn bộ khu vực biển Đông trên địa bàn huyện dài khoảng 70 km thì đã có gần 60 km bị sạt lở. Có những khu vực mỗi năm sạt lở vào gần 50 m. Còn riêng khu vực chợ xã ven biển hiện nay gần như hàng năm đều xảy ra sạt lở.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở đất ven sông cũng đang rất nghiêm trọng. Theo khảo sát thực tế, toàn tỉnh có 27 vị trí ven sông sạt lở, tổng chiều dài trên 37,9 km. Trong đó, có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,9 km. Dọc theo các vị trí có nguy cơ sạt lở cao hiện có 23.540 nhà dân đang sinh sống. Trong đó, nhà ở kiên cố là 5.323 căn, bán kiên cố 11.298 căn, còn lại là nhà ở đơn sơ.
Con số thống kê về mức độ thiệt hại do tình trạng sạt lở ven sông cho thấy rõ nhất sự nghiêm trọng của tình trạng này. Năm 2017, có hơn 4.147 m đất ven sông bị sạt lở, làm sập và hư hỏng 121 căn nhà. Từ đầu năm 2018 đến nay, sạt lở đã làm mất hơn 3.765 m đất ven sông và có đến 139 trường hợp bị thiệt hại nhà ở do sạt lở.
Một số huyện như Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển là những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do sạt lở. Dọc theo tuyến sông Cửa Lớn (huyện Năm Căn) là một trong những khu vực có nhiều điểm nóng về sạt lở với tổng chiều dài ước tính gần 5 km, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Hàng Vịnh và thị trấn Năm Căn.
Cho đến bây giờ, gia đình anh Nguyễn Gia Phúc ở Khóm 8, thị trấn Năm Căn vẫn chưa thôi ám ảnh về sạt lở. Từ năm 2017 đến nay, gia đình anh đã 2 lần bị thiệt hại nghiêm trọng từ sạt lở. Anh Phúc bùi ngùi kể: "Cả 2 lần sạt lở đã nhấn chìm toàn bộ căn nhà của gia đình, tài sản cả đời tích góp được bị mất trắng”.
Do sạt lở, nhiều căn nhà ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi nằm chơi vơi ngoài mé biển. |
Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện mỗi ngày một nghiêm trọng hơn. Gần như năm nào tình trạng sạt lở cũng diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Khu vực chợ Tân Tiến, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, dù nằm sâu trong nội đồng nhưng nhiều năm qua luôn được xem là điểm nóng về sạt lở, bởi gần như năm nào khu vực này cũng xảy ra vài vụ sạt lở. Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Mai Việt Triều thông tin, hiện nay khu vực này có khoảng 1.900 m đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ gây thiệt hại nặng nề đến nhà cửa, tài sản của 190 hộ dân với khoảng 760 nhân khẩu.
Theo dự báo, sắp tới tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu thật khó lường, khả năng ảnh hưởng đến vùng ven biển Cà Mau là rất lớn. Tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai thật cụ thể, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương nhằm bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân vùng sạt lở.
Tập trung nguồn lực đầu tư cho biến đổi khí hậu
Thời gian qua, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư hàng loạt những công trình, dự án phòng chống sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển. Dự án kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông khu vực cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy với tổng mức đầu tư dự kiến trên 135 tỷ đồng đang được gấp rút triển khai là một điển hình. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2018-2019.
Dự án xây dựng kè cấp bách bảo vệ đê biển Tây kết hợp xây dựng khu tái định cư đoạn từ cống Sào Lưới đến Bắc cống Đá Bạc và đoạn từ Nam Đá Bạc hướng về Kênh Mới cũng đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 75 tỷ đồng với tổng chiều dài 3,7 km. Được biết, đến nay bên cạnh việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục theo quy định, một số đơn vị thi công đã tiến hành sản xuất hơn 2 ngàn cọc và đang chuyển đến công trình đang chuẩn bị máy móc thiết bị nhân lực thi công.
Rừng phòng hộ biển Tây là rừng ngập mặn rất xung yếu ven biển phía Tây kéo dài từ Tiểu Dừa đến Cái Đôi Vàm khoảng 70 km. Đây là vành đai vô cùng quan trọng bảo vệ hàng trăm ngàn hộ dân và diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của 8 xã, 2 thị trấn thuộc 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân.
Không chỉ quan tâm đến đầu tư các công trình bảo vệ đê, bảo vệ rừng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án bố trí, ổn định dân cư vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, có 14 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai được duyệt với 21 khu/điểm dân cư, tổng vốn được phê duyệt khoảng 481 tỷ đồng. Đến nay, đã có 272 hộ với 1.224 khẩu được bố trí ổn định. Đồng thời, hiện nay có 7 dự án đang trong quá trình thực hiện với tổng vốn được duyệt 392 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, các dự án này sẽ bố trí ổn định cho hơn 3.678 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư khôi phục rừng phòng hộ ven biển, tạo vành đai chắn sóng.
Tỉnh đang dự kiến mở mới 5 dự án dân cư nhằm bố trí ổn định thêm 810 hộ. Theo Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau Trần Văn Tâm, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn hẹp, nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu tỉnh đã dành nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở đã kết hợp với tổ chức phát triển của Đức tiến hành phân tích tài chính vốn đầu tư công dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu, chiếm trên 40% tổng mức đầu công của tỉnh./.
Đức Toàn
Bài 2: Dồn sức chống sạt lở