Nhiều năm trở lại đây, ngành nông nghiệp áp dụng cơ giới hoá, công nghệ hoá trên đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo sạ, phun xịt thuốc đến thu hoạch..., góp phần giảm sức lao động và chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
- “Thuận thiên” để sản xuất bền vững
- Đổi mới để phát triển bền vững
- Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực
Gieo sạ bằng máy, tiết kiệm được từ 10-20% giống.
Nhìn từ vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau. Hiện các trà lúa đang bước vào thu hoạch. Ðến nay, đã thu hoạch được 7.460 ha, năng suất 5,12 tấn/ha, tương đương với vụ lúa hè thu năm trước. Theo nhiều nông dân, hầu hết diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Huyện Trần Văn Thời có diện tích sản xuất lúa 2 vụ nhiều nhất tỉnh, với gần 30.000 ha. Theo ông Ngô Văn Việt, xã Khánh Bình: "Gần 3 ha lúa hè thu, nếu thu hoạch bằng tay phải mất ít nhất từ 30-40 ngày công lao động, nhưng từ khi có máy gặt đập liên hợp, thu hoạch và vận chuyển chỉ mất 4-5 giờ, tiết kiệm được nhiều chi phí".
Ông Phạm Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Giang, ấp Ðá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "100% diện tích trồng lúa của hợp tác xã được cơ giới hoá, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ từ khâu làm đất đến gieo sạ, phun xịt thuốc và thu hoạch, tiết kiệm 30% chi phí sản xuất".
Riêng khâu phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái giúp giảm lượng thuốc từ 20-30% so với phun bằng tay. Trung bình mỗi ngày một máy có thể phun được từ 30-40 ha, tương đương khoảng 20 nhân công lao động, giúp tiết kiệm chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/ha. Không chỉ giải được bài toán thiếu nhân công lao động, mà nông dân còn không phải tiếp xúc trực tiếp, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khoẻ và môi trường.
Qua thực tế cho thấy, phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái nhanh hơn, đều hơn, tiết kiệm chi phí.
Bức tranh sản xuất nông nghiệp đã có nhiều gam màu tươi sáng, đặc biệt là tinh thần dám đổi mới, sáng tạo của nông dân. Ðiều này minh chứng rằng, để trồng lúa bền vững trước biến đổi khí hậu thì phải ứng dụng khoa học, công nghệ.
“Cơ giới hoá và công nghệ đang là đáp án, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là thúc đẩy liên kết giữa các nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã, hướng tới nền nông nghiệp thông minh và hiện đại”, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khẳng định.
Từ khi áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất, năng suất lúa không ngừng tăng. (Trong ảnh: Ðoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của HTX Long Giang).
Cơ giới hoá và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao đã đạt được thành công nhất định thì thiết nghĩ đừng để dừng lại ở phong trào, mà phải được đi đến tận cùng của chuỗi giải pháp, để làm giàu ngay từ sân nhà.
Sau khi gặt, lúa hạt được vận chuyển vào nhà bằng cơ giới.
Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời, hiện có 8 cơ sở sấy lúa, công suất khoảng 493 tấn/ngày đêm, 191 máy cày lớn, công suất 4.000-5.000 ha/ngày, 76 Drone (máy bay phun thuốc); 201 máy gặt đập liên hợp và trên 200 phương tiện vận chuyển lúa đủ điều kiện hoạt động.
Trung Ðỉnh - Trầm Nghĩ thực hiện