ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:50:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðất vàng, đất... bạc

Báo Cà Mau

MH: Minh Tấn

Tư Hưng giận dữ đá văng cái thau đựng cá phi, mớ tôm sú và mấy bó bồn bồn lăn lóc ra mé lộ. Út Ánh nuốt cục giận xuống cổ họng, không nói nửa lời, cúi mặt lượm lại mớ hàng hoá. Cặp mắt Tư Hưng đỏ au trừng trừng nhìn vợ: “Không chiều ý tôi không được đâu nghen! Ra toà ly dị để coi thằng Tư Hưng này có bán được đất hay không cho biết? Tôi thách bà đó!”.

Bóng Tư Hưng đạp xe cọc cạch khuất dần. Là vợ chồng gần 30 năm nhưng chưa một lần Tư Hưng đánh vợ, còn lớn tiếng với vợ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không phải tính Tư Hưng hiền mà vì Út Ánh phúc hậu, đảm đương, lại giỏi chiều chồng. Hễ Tư Hưng lớn tiếng là vợ xuống giọng, đợi đến lúc lắng dịu Út Ánh mới thỏ thẻ với chồng chuyện thiệt hơn. Kể cả trong cách dạy bảo con cái cũng vậy, Tư Hưng buộc thì vợ gỡ, Út Ánh đánh thì chồng xoa… Nên dù cuộc sống gia đình tuy không dư dả gì nhưng được cái trong ấm, ngoài êm.

Từ ngày dự án mở rộng khu nhà ở thương mại của thành phố lấn dần vào kênh Lò Than thì giá đất ở đây cũng theo đó tăng cao vùn vụt. Tư Hưng cùng đám đàn ông trong xóm ít ra vuông đổ lú bắt tôm, giăng lưới cá phi, nhổ bồn bồn đem bán ven lộ Vành Ðai như trước mà suốt ngày rề rà tại mấy quán cà phê đầu xóm bàn chuyện bán đất làm giàu. Một lần có chút rượu trong người, Tư Hưng về nhà cao hứng dỏng dạc với vợ:

- Từ nay, mẹ mày không còn cảnh tay chai, mặt nám, suốt ngày đội nắng bán mớ cá, cọng rau thu vài đồng bạc lẻ. Mình phải chuyển hướng ra chợ sinh sống, buôn bán, làm giàu…

Út Ánh ngỡ chồng nói đùa, nên hỏi:

- Vốn liếng đâu mà ra chợ buôn bán ông Tư?

Tư Hưng cười khà khà:

- Cả nhà đang ngồi trên đống tiền mà không biết! Miếng đất này giờ trị giá cả vài tỷ bạc, mình bán đất lấy vốn ra chợ mần ăn!

Tối đêm đó Tư Hưng ngáy khò khò ngon giấc, còn vợ thì trằn trọc cho tới sáng. Nghe cách nói của chồng không phải đùa nên trong lòng Út Ánh bất an. Mồ mả ông bà bên chồng vẫn còn nằm đây; bầy heo, đàn gà mới gầy giống; ngoài vuông cua, tôm cứ nối vụ; đám bồn bồn vừa bón thêm phân… Dù ở kênh Lò Than không khác gì ở đồng quê nhưng được cái bước vài bước là đã tới chợ thành phố. Út Ánh quen rồi nhịp sống của một vùng quê ven đô nên không muốn rời đi. Ðó là chưa kể cái nghĩa, cái tình của cha mẹ chồng luôn thương con dâu như con ruột trong nhà. Vì vậy, Út Ánh nghĩ: Giữ đất là giữ mồ mả ông bà, là giữ tài sản vững bền cho con cháu, giữ đất còn thể hiện lòng biết ơn đối với người đã khuất.

Nghĩ vậy nên năm lần bảy lượt Tư Hưng kêu người tới coi đất, Út Ánh gạt ngang, trả lời dứt khoát: Không bán! Tư Hưng giận thấu xương, lớn tiếng vợ không nghe, nói ngọt cũng chẳng ăn thua, cái tát đầu tiên Tư Hưng dành cho vợ cũng vì chuyện bán đất bất thành. Quậy trong nhà chưa thoả cơn tức, Tư Hưng đạp xe ra lộ Vành Ðai, chỗ vợ hàng ngày vẫn ngồi bán mớ cá, bó rau để quậy tiếp…

***

Trời còn chưa hửng nắng, Tư Hưng từ đâu đem về tờ giấy đã soạn sẵn đơn ly dị để trên bàn rồi buộc vợ ký tên. Nước mắt Út Ánh lưng tròng. Hai đứa con ngơ ngác nhìn cha. Út Ánh xé vội lá đơn, nói trong nước mắt:

- Tôi đồng ý bán đất nhưng phải chừa lại căn nhà và khu đất mộ ông bà, coi như phần tài sản ông chia cho tôi. Già rồi kéo nhau ra toà mần chi cho tội nghiệp con cái hả ông Tư!?

Tư Hưng thoáng buồn trên nét mặt, khác hẳn với lúc hằn hộc buộc vợ ký tên bán đất. Thật tình Tư Hưng rất thương vợ, thương con, không muốn ly hôn. Chẳng qua vì thuyết phục Út Ánh quá khó khăn nên Tư Hưng mới lấy hạ sách này đối phó. Cơ hội tới tay, giá đất tăng chóng mặt, Tư Hưng muốn bán đất lấy vốn làm ăn để cho vợ con đỡ vất vả, được ăn sung mặc sướng như người ta.

Vậy là Tư Hưng bán được đất. Lần đầu tiên cầm số tiền lớn trong tay, việc đầu tiên Tư Hưng làm là mua liền 2 chiếc xe gắn máy đời mới, 1 cho mình, 1 cho thằng con trai. Tư Hưng mấy lần nài nỉ vợ cùng ra chợ thành phố thuê một chỗ để buôn bán, Út Ánh lắc đầu; ngắt một xấp tiền mới tinh đưa cho vợ rồi biểu muốn sắm sửa gì trong nhà cứ mua nhưng Út Ánh vẫn lắc đầu… Biết tính vợ, Tư Hưng cũng không ép. Từ hôm đó, gia đình Tư Hưng như chia thành 2 phe, thằng con trai ngoan hiền ngày nào bây giờ chỉ biết chạy xe vòng vòng ngoài chợ, hết tiệm game đến quán cà phê, có bữa còn tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè. Ðứa con gái thì theo mẹ nhổ hết mớ bồn bồn; thuốc cá, bắt tôm để còn kịp giao đất cho người ta. Ðàn gà, bầy heo trong chuồng cứ lớn lên từng ngày. Bên mé lộ Vành Ðai, Út Ánh vẫn ngồi đó tích góp từng đồng.

Tư Hưng thuê đất mở quán nhậu ngay tại ngã tư Vành Ðai bắt đầu tập tành làm ông chủ. Những ngày đầu mới mở quán, nhóm bạn ở kênh Lò Than ra ủng hộ đều đều, khách vãng lai cũng được vài bàn, ngày nào Tư Hưng cũng say mèm, khi thì giao lưu với khách, lúc thì lai rai với nhóm nhân viên lúc quán vắng… Ngoài số vốn trong tay có được từ bán đất, Tư Hưng không có chút kinh nghiệm quản lý, không có mối mang, không giỏi tính toán… nên ít lâu sau quán vắng tanh, buôn bán khó khăn, tiền thuê mặt bằng, tiền thuế, tiền chợ, thuê thợ nấu, thuê nhân viên… phải trả đều đều. Chẳng bao lâu số vốn trong tay Tư Hưng vơi dần, vơi dần.

Như ngồi trên đống lửa, mấy lần Tư Hưng nằm gác tay lên trán tính chuyện trả lại mặt bằng, chừa ít vốn để mở hướng khác làm ăn. Nhưng tiếc vì lỡ đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở quán, làm chẳng được bao lâu lại nghỉ ngang hông, phần sợ mấy ông bạn kênh Lò Than cười, phần sợ vợ con xem thường nên Tư Hưng bấm bụng… cầm cự. Cũng từ đó, Tư Hưng trượt dài trong thất bại, nợ nần, mặc cảm.

***

Từ ngã tư Vành Ðai về nhà ở kênh Lò Than chưa đầy 2 cây số. Ngày trước, mỗi ngày Tư Hưng đạp xe cọc cạch trên con đường này mấy lượt, nhưng kể từ khi có chiếc xe gắn máy đời mới tới bây giờ thì đường về nhà đối với Tư Hưng như quá xa. Ông sợ đối diện với vợ, với con, với hàng xóm.

Tin đồn Tư Hưng vỡ nợ lan nhanh ra kênh Lò Than. Buồn hơn là đứa con trai Tư Hưng sử dụng chất cấm phải đưa vào trại giáo dưỡng. Ðợi khi đêm xuống, Tư Hưng âm thầm chạy xe về nhà, phờ phạc, mệt mỏi, thất vọng… Căn nhà vẫn vậy, gọn gàng, ngăn nắp, phảng phất mùi nhang toả hương thơm trên bàn thờ. Chỉ cách một năm trước thôi, Tư Hưng còn hớn hở cầm bạc tỷ trong tay, toan tính bao nhiêu chuyện làm giàu. Giờ vốn liếng không còn, nhìn lại mảnh đất sau nhà, phía vuông tôm được chủ dự án lấp đầy cát đá; sân mộ của ông bà, cha mẹ như nép mình nhỏ bé bên bờ tường rào cao vút làm Tư Hưng quặn lòng. Chính mảnh đất này Tư Hưng đã lớn lên từ nhỏ, thành quả này do ông bà, cha mẹ để lại cho cháu con nhưng nay đã không còn do sự lầm đường của Tư Hưng.

Út Ánh biết Tư Hưng đã về nhà từ lâu nhưng vẫn nằm im trong mùng không lên tiếng. Trên chiếc ghế đá bên hiên nhà, Tư Hưng nhả khói thuốc lá, miên man suy nghĩ: Giá như ngày trước bản thân không quyết liệt đòi bán đất cho bằng được; giá như không có cái tát mình dành cho vợ; giá như chuyện làm ăn được thuận buồm xuôi gió; giá như bản thân đừng quá nuông chiều thằng con trai… thì không có những chuyện hối tiếc như bây giờ. Ðiều may mắn đối với Tư Hưng là ngày trước Út Ánh quyết tâm giữ lại căn nhà, giữ lại mồ mả ông bà, giữ lại mối quan hệ vợ chồng khi không chịu ký tên vào đơn ly hôn… Nếu không, giờ này Tư Hưng cũng chẳng còn nơi để tìm về.

 Ðêm đã về khuya, những tiếng cãi vã của vợ chồng người hàng xóm càng thêm rõ ràng. Lại là chuyện bán đất. Mấy hôm trước, một vụ ẩu đả kinh hoàng ở kênh Lò Than giữa những người anh em họ hàng do tranh chấp ranh đất đã có người nhập viện, người vào tù… Mấy chục năm trước, đất kênh Lò Than chẳng ai thèm để ý, không ai quan tâm tới cái ranh đất, nhưng từ khi đất có giá thì lòng người cũng thay đổi theo. Tư Hưng tự vấn với lòng mình: Ðất vàng chớ không hề bạc. Có chăng là lòng người bạc mà thôi!

 

Truyện ngắn của Ðỗ Công

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương