ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 13:37:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Điểm nghẽn kinh tế biển Phú Tân: Bài 1: Khi biển không còn hào phóng

Báo Cà Mau Hơn chục năm làm nghề lú huế, ông Nguyễn Văn Út, ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân khao khát vươn khơi, tìm ngư trường mới.

Huyện Phú Tân có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản. Thế nhưng, lĩnh vực khai thác thuỷ hải sản lại “ì ạch” trên con đường phát triển. Nguyên nhân do ngư dân chưa đủ điều kiện đóng tàu lớn để vươn khơi, bám biển, đa phần sử dụng phương tiện đánh bắt nhỏ, khai thác gần bờ, muốn khắc phục những hạn chế này là ngoài khả năng của địa phương. Vì thế, để vực dậy kinh tế biển của huyện, cần phải có sự cộng hưởng từ nhiều phía.

Huyện Phú Tân có bờ biển dài khoảng 37 km, từ cửa Mỹ Bình đến cửa Bảy Háp. Vùng biển này giàu tiềm năng về thuỷ hải sản, nhưng thời gian qua không được bảo tồn, khai thác hợp lý, hiện đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Phương tiện khai thác thuỷ sản có công suất nhỏ là "thủ phạm" huỷ hoại môi trường ven biển.

Huyện Phú Tân hiện có khoảng 700 ghe tàu khai thác biển, trong đó, có khoảng 229 chiếc từ dưới 20 CV. Theo quy định, huyện không cho phát sinh mới loại phương tiện có công suất nhỏ này, nhưng thực tế nó vẫn tăng lên hằng ngày. Chính loại phương tiện này đang ngày đêm phá huỷ môi trường sống của cá, tôm, làm kiệt quệ nguồn lợi thuỷ hải sản ven bờ. Từ đó làm cho cuộc sống của người dân, vốn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển, ngày càng cơ cực hơn.

Tận diệt

Theo quy định, ngư trường khai thác thuỷ hải sản của ngư dân là cách bờ biển từ 6 hải lý (khoảng trên 11 km) trở ra, còn từ hải lý thứ 6 trở vào bờ là vùng cấm khai thác. Mục đích của việc cấm khai thác ven bờ nhằm tạo môi trường sinh sản cho tôm, cá, bảo vệ tôm, cá non để tái sinh nguồn lợi thuỷ sản. Thế nhưng, hiện ngư trường ven biển đang bị người dân khai thác vô tội vạ.

Theo thống kê của ngành chức năng, huyện Phú Tân có gần 500 ghe khai thác biển có công suất từ dưới 20 CV đến dưới 50 CV. Thực tế, con số này còn cao hơn gấp nhiều lần. Lý do, khi đóng mới ghe có công suất nhỏ, chủ phương tiện không đăng ký với cơ quan chức năng. Chính những phương tiện khai thác loại nhỏ này, cùng với các kiểu khai thác mang tính huỷ diệt như xung điện, là “thủ phạm” huỷ hoại môi trường sống ven biển, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Theo quan sát, hiện nay, từ cửa Mỹ Bình đến tận cửa Gò Công, các loại ghe có công suất nhỏ xuất hiện dày đặc, khai thác bằng nhiều hình thức như đẩy te, cào, lú huế… miễn sao bắt được các loại cá, tôm từ nhỏ đến lớn để phục vụ mưu sinh. Thực tế đó đã minh chứng cho việc môi trường ven biển của huyện đang bị khai thác theo cách tận diệt.

Khi chúng tôi yêu cầu người lái vỏ bao cặp sát chiếc ghe đang hành nghề đẩy te ở cửa biển Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chủ ghe, anh Phạm Tấn Phước, khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỏ ra sợ hãi. Hỏi ra mới biết, anh tưởng lực lượng chức năng đi kiểm tra, rồi sẽ bị phạt vì khai thác trong vùng cấm.

Ngồi nhìn “chiến lợi phẩm” là một mớ cá, tôm chưa đầy 2 kg sau hơn 5-6 giờ vật lộn với biển, anh Phước than: "Ghe nhỏ không dám ra xa bờ, nhưng đẩy gần bờ riết không có tôm tép gì hết. Nếu có xung điện thì kiếm được vài trăm ngàn một ngày, còn không thì lỗ tiền dầu. Cá, tôm bắt được bán không có giá, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg vì quá nhỏ. Biết đánh bắt như vầy cá, tôm nào còn, nhưng không làm thì lấy tiền đâu nuôi sống gia đình".

Tháng 10 (âm lịch) hằng năm là thời điểm mà ngư dân vùng ven biển cho là mùa thuận, thế mà tháng 10 năm nay, ngư dân huyện Phú Tân lại ngao ngán cho những chuyến biển. Ông Mười Thống (Huỳnh Văn Thống, khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân), nói: “Thông thường, 5 giờ sáng ra biển đến 5 giờ chiều mới vô. Hôm nay, 5 giờ ra, chưa tới 10 giờ phải vô, vì đánh bắt không có gì, chạy chỉ tốn tiền dầu”.

Ông Mười Thống hồi tưởng, cách đây 25 năm, ông rời Bạc Liêu về đây lập nghiệp. Lúc ấy cá, tôm ở vùng này nhiều vô kể, chỉ 1-2 mẻ lưới là đầy ắp ghe tàu. “Bây giờ sản lượng tôm, cá giảm đi rất nhiều, mặc dù ngư dân đã tìm mọi cách để bắt cho được tôm, cá như thu nhỏ mắt lưới, có người còn dùng cả xung điện, vậy mà còn không đủ sống. Do sản lượng giảm nên hiện nay đánh bắt bằng cách xung điện diễn ra phổ biến. Đáng lo nhất là các tàu có công suất lớn từ nơi khác đến đánh bắt bằng xung điện trong vùng 6 hải lý ngày càng nhiều, làm cho ngư trường vùng này ngày càng cạn kiệt tôm cá, an ninh bất ổn. Đánh bắt theo kiểu tận diệt như hiện nay thì ngư dân vùng này còn khổ dài dài”, ông Mười Thống dự báo.

Khát vọng

Khi biển không còn hào phóng, nghề cha truyền con nối không lo được miếng cơm, manh áo gia đình, ngư dân Phú Tân lại khao khát vươn khơi tìm ngư trường mới, hay chuyển đổi một nghề mới để có đủ khả năng nuôi sống gia đình. Ông Tư Tâm (Nguyễn Văn Út, ấp Cái Nước, xã Phú Tân), đánh bắt tại cửa Mỹ Bình hơn chục năm, ao ước: "Hơn chục năm cật lực với sóng biển bằng chiếc ghe 40 CV, gia đình tích cóp được vài trăm triệu đồng. Thời gian gần đây, ngư trường gần bờ không còn nhiều tôm, cá, muốn nâng cấp ghe lên vài trăm mã lực để vươn khơi, mới mong phát triển được kinh tế gia đình. Nhưng muốn sở hữu được chiếc ghe có công suất lớn trong tay phải có từ trên 500 triệu đồng. Xem lại khả năng tài chính của gia đình thì còn thiếu khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này ngoài khả năng của gia đình nên nếu được Nhà nước hỗ trợ cho vay sẽ có điều kiện đóng ghe tàu mới vươn khơi, đó là ao ước từ lâu nhưng không biết bao giờ thành hiện thực".

Hơn chục năm làm nghề lú huế, ông Nguyễn Văn Út, ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân khao khát vươn khơi, tìm ngư trường mới.  Ảnh: VI HOÀ

Với 39 tuổi đời, có hơn mười mấy năm xuôi ngược trên sóng biển, vậy mà gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, huyện Phú Tân không thoát khỏi vòng túng thiếu. Anh Tuấn tâm sự: "Ghe nhỏ không thể ra xa đánh bắt được, mà đánh bắt gần bờ thì đâu có bao nhiêu, trúng lắm ngày kiếm được 500.000-600.000 đồng, nhiều hôm lỗ tiền dầu. Nghề đánh bắt ven biển này bạc lắm, muốn lên bờ kiếm thuê mướn một miếng vuông, hay làm một nghề gì khác ổn định hơn, nhưng ngặt nỗi không có vốn, vì hồi đó giờ làm ngày nào ăn ngày ấy".

Trong khi khai thác ngày càng gặp khó khăn, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản của Chính phủ như một chiếc phao cứu sinh cho ngư dân. Nhưng thực tế, ngư dân khai thác ven biển bằng xuồng ghe công suất nhỏ khó với được chiếc "phao" cứu sinh này. Ông Nguyễn Văn Phĩnh, khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, 1 trong 4 trường hợp được tiếp cận vốn vay để đóng mới tàu, cho biết: "Theo quy định đóng mới tàu vỏ thép phải có vốn đối ứng rất lớn, không dưới 1 tỷ đồng. Chính điều kiện vốn đối ứng lớn nên huyện này không có bao nhiêu người đáp ứng đủ điều kiện. Như vậy, giấc mơ vươn khơi, chuyển đổi nghề của những chủ phương tiện loại nhỏ khó trở thành hiện thực".

“Cuộc sống của ngư dân vùng này ngày càng khó khăn hơn, nên nhu cầu chuyển đổi ngành nghề là vấn đề cấp thiết. Trước đây, tôm cá còn nhiều, chồng đi biển, vợ ở nhà phơi khô, vá lưới, nhờ đó cuộc sống tạm ổn. Bây giờ, tôm cá không có, chồng không ra biển, vợ cũng không có việc làm nên cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, chính quyền địa phương có mở các lớp dạy nghề, nhưng những lớp này không gắn với nhu cầu tại địa phương nên cũng chẳng giải quyết được vấn đề giải quyết việc làm. Hiện nay, vấn đề chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân ven biển là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm”, Bí thư Chi bộ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm Lê Minh Nghiệp kiến nghị./.

Bài 2: Đừng để “lỡ duyên” tàu – bến

Phóng sự của Vi Hoà

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.