Quê hương Cà Mau sản sinh biết bao người con ưu tú anh dũng, kiên cường, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do) ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, càng tô đậm thêm truyền thống anh hùng của xứ sở.
Cả nhà đều tham gia cách mạng
Trong không khí tự hào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do) tại chính căn nhà của ông ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Nơi đây đã vinh dự được chọn làm địa điểm họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 - U Minh mà ông từng gắn bó và cống hiến.
Hình ảnh người thương binh 2/4 chỉ còn một cánh tay, trong bộ quân phục cựu chiến binh, ngực áo lấp lánh huân, huy chương, ánh mắt hướng về phía con lộ trông ngóng những đồng đội năm xưa, đã để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Mỗi cái nắm tay, mỗi lời nhắc nhớ kỷ niệm, nụ cười rơm rớm nước mắt càng thấy rõ tình đồng chí thiêng liêng trong những năm tháng chiến đấu ác liệt. Những câu chuyện về gia đình ông, về quê hương một thời khói lửa được khơi gợi, lan toả...
Gia đình ông Sáu Do có 7 anh em trai, điều đáng tự hào là tất cả họ, khi vừa 15, 16 tuổi đã hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ba người anh của ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những người còn lại tham gia lực lượng du kích xã. Nối gót các anh, năm 15 tuổi, ông Sáu Do tham gia du kích xã Thạnh Phú. Ðến năm 1968, ông được lệnh bổ sung vào Ðại đội súng máy cao xạ của Trung đoàn 1 - U Minh, tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Thành Do (bên phải) xúc động gặp lại đồng đội trong buổi họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 - U Minh.
Ông Sáu Do xúc động kể: “Người rèn cho chúng tôi ý chí kiên cường chính là mẹ tôi, Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Mỹ. Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã hoạt động giao liên bí mật, rồi đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Mẹ chiến sĩ, hoạt động trong Hội Phụ nữ. Ba lần tiễn con đi, mẹ đều không nhìn được mặt con lần cuối, mỗi khi nhận thư báo tử, mẹ đau đớn vật vã, nhưng không cho phép mình ngã gục, vì nợ nước, thù nhà. Mẹ miệt mài hoạt động cho tới ngày giải phóng, rồi tiếp tục góp sức cho địa phương thông qua công tác hội phụ nữ, vận động chị em nỗ lực lao động, sản xuất, gầy dựng lại xóm làng”.
Không lâu sau, chúng tôi trở lại gặp ông Sáu Do, duyên may ngay lúc đám giỗ của mẹ Hồ Thị Mỹ, một lần nữa được lắng nghe những câu chuyện hy sinh của mẹ và các thành viên trong gia đình mà ông Sáu Do kể lại cho con cháu nghe, thật xúc động. Họ cùng nhau tưởng nhớ công ơn người đi trước, nguyện tiếp nối truyền thống quý báu, ra sức cống hiến cho quê hương.
Mất một cánh tay vẫn chiến đấu
Ông Sáu Do nhớ nhất những trận đánh ác liệt ở Thứ 11, An Biên, Rạch Giá; đánh địa bàn Long Mỹ, Phụng Hiệp, Cần Thơ; địch tập trung tấn công, có lúc lên đến 70 tiểu đoàn bộ binh, rồi xe tăng, xe bọc thép... 4 lần bị thương chí mạng nhưng ông Sáu Do vẫn tiếp tục chiến đấu. Trận đánh vào chiều 26/3/1973, ông Sáu Do đã để lại chiến trường cánh tay trái.
Lúc bấy giờ, ông là Ðại đội trưởng Ðại đội súng máy cao xạ, chỉ huy tập kích xe bọc thép ở xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp. Lực lượng địch đông, ông Sáu Do lệnh cho anh em vào công sự, chờ thời cơ, còn ông với khẩu súng AK ngồi ngoài mé công sự nắm tình hình. Thấy nguy hiểm, đồng đội nhiều lần thúc giục, ông quyết định vào công sự, nhưng chiếc máy PRC-25 dùng để nghe tin tức địch còn bên ngoài, ông quay lại thì trái pháo nổ gần đó, trúng vào cánh tay, đứt động mạch.
“Máu chảy rất nhiều, tôi kêu người dùng băng gạt nhét chặt vào vết thương, rồi cố gắng bình tĩnh để anh em tiếp tục hành quân; sau đó được anh em đưa xuống xuồng chở về đội phẫu. Nước chảy ngược, bơi rất vất vả, phải hơn 6 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Mọi người khẩn trương luộc khử trùng các dụng cụ y tế để tiến hành mổ, sau bao nỗ lực, đến 3 giờ chiều đành phải cưa bỏ cánh tay. Không đủ thuốc tê, dùng cưa sắt để cưa, thật là đau đớn, mọi người cố gắng chỉ mong giữ lại mạng sống cho tôi. Càng xúc động hơn, khi tỉnh lại, mới biết nguồn máu truyền cứu tôi là của Nhân dân Cu Ba hiến”, người thương binh 2/4 kể lại.
Chiến trường miền Nam năm 1974 ác liệt. Sau khi hồi phục sức khoẻ, được đơn vị gợi ý về an dưỡng, nhưng ông Sáu Do nhất mực ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Ở tuổi 26, còn một cánh tay, ông Sáu Do nhận nhiệm vụ Chính trị viên Ðại đội pháo DKZ; tiếp tục sát cánh cùng Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 303 đánh các chi khu, phân chi khu ở Vĩnh Long, Trà Vinh. Trong những lần đối mặt với kẻ thù hùng mạnh, ông Sáu Do bình tĩnh, mưu trí, chỉ huy tác chiến trong tình thế quân ta người ít, đạn ít, mọi quyết định phải kỹ càng và phải thật chính xác.
Ông Sáu Do kể: “Trận đánh Chi khu Ba Càng - Vĩnh Long tháng 4/1975 tôi mãi vẫn chưa quên. Quân ta tập trung lực lượng tiến công địch, đánh chiếm và làm chủ khu vực phà Mỹ Thuận trên Sông Tiền và phà Cần Thơ trên Sông Hậu, không cho địch cơ động lực lượng lên ứng cứu Sài Gòn và rút lực lượng từ miền Ðông về co cụm ở Vùng 4 chiến thuật. Lúc đó quân ta hy sinh nhiều do địch sử dụng hoả lực quá mạnh, đồng đội khuyên tôi ở lại phía sau để chỉ huy, nhưng tôi nhất quyết ra chiến trường cho đến ngày toàn thắng”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Sáu Do cùng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1 tiếp tục vượt biển giải phóng đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà, đánh tan 2 tiểu đoàn Pol Pot. Cho đến năm 1978, ông Sáu Do mới về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động ở Cái Tàu, rồi Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, nghỉ hưu năm 2002.
Cuộc đời binh nghiệp của ông Sáu Do là minh chứng cho tinh thần chiến đấu quả cảm, sự tận tuỵ với Tổ quốc và trách nhiệm cao cả đối với Nhân dân.
Câu chuyện hy sinh và truyền thống cách mạng quý báu của gia đình ông Do mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.
Không chỉ anh dũng trên chiến trường, thương binh 2/4 Nguyễn Thành Do còn là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực trên mặt trận kinh tế. Với tinh thần "tàn nhưng không phế", ông cùng gia đình cần cù lao động, phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa kết hợp trồng cây ăn trái và nuôi cá, mang lại cuộc sống ổn định và sung túc. Niềm tự hào của gia đình còn nhân lên gấp bội khi 2 người con của ông đều thành đạt, đang tích cực đóng góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng đổi mới và phát triển.
Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thành Do thực sự là một biểu tượng sáng ngời cho truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của người dân Cà Mau. Từ sự tham gia chiến đấu dũng cảm của những người anh trong gia đình đến những chiến công và sự hy sinh cao cả của bản thân ông Sáu Do, đã tô điểm cho trang sử hào hùng và đáng tự hào cho mảnh đất cuối trời Tổ quốc này. Câu chuyện của họ sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau./.
Mộng Thường