(CMO) Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đưa thành công các DVC lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), phát triển Chính phủ điện tử, các cơ quan, đơn vị cần có giải pháp để người dân sử dụng DVCTT.
Ngày 19/4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 1145/BTTTT-THH về việc hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn hồ sơ được thiết lập dưới hình thức làm hộ, làm thay, dẫn đến các giấy tờ, hồ sơ chính chủ không tồn tại trên các hệ thống, công dân muốn thực hiện DVCTT phải chụp, scan... tốn rất nhiều thời gian và rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, người dân chưa thực sự mặn mà với việc sử dụng DVCTT.
Việc triển khai hiệu quả DVCTT sẽ giảm thời gian đi lại gửi - nhận hồ sơ cho người dân, giảm áp lực giấy tờ công việc lên cơ quan quản lý. Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo Cà Mau có cuộc trao đổi với ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau.
- Ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT trong thời gian qua?
Ông Hồ Chí Linh: Hiện nay, toàn tỉnh cung cấp 92 TTHC dịch vụ công mức độ 3; 254 TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công mức 3, mức 4 của tỉnh đã tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100%. Quý I năm 2022 có 4.775/13.765 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 34,69%. Tỉnh đã tổ chức tập huấn việc số hoá kết quả giải quyết TTHC cho nhân viên một cửa của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, công tác này đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Tỷ lệ số hoá của cấp tỉnh đạt khoảng 21%, cấp huyện khoảng 9%, cấp xã khoảng 2%.
Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trong quý I, toàn tỉnh có 167.581 hồ sơ, trong đó chỉ có khoảng 40.000 hồ sơ được nộp trực tuyến thuộc cấp tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng TTHC có hình thức làm trực tiếp theo quy định còn khá lớn (hồ sơ cần ký trực tiếp, hồ sơ cần có đặc điểm nhận dạng, hồ sơ cần thẩm tra điều kiện, hồ sơ giải quyết cho đối tượng yếu thế, như người lớn tuổi, trình độ dân trí thấp...), chiếm số lượng lớn trong tổng số hồ sơ phát sinh nên tính theo tỷ lệ hồ sơ trực tuyến sẽ hạn chế và thấp.
- Những rào cản nào khiến người dân chưa thực sự mặn mà với việc thực hiện DVCTT, thưa ông?
Ông Hồ Chí Linh: Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng DVCTT là thiết bị, bởi vì, không phải người dân nào cũng có đủ thiết bị, như điện thoại thông minh, laptop… để kết nối và thực hiện các thao tác trên máy nhằm thực hiện TTHC trực tuyến. Đặc biệt là những người dân ở nông thôn, hoặc những người lớn tuổi, những người ít tiếp xúc với công nghệ.
Bên cạnh đó, do người dân có thói quen đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan.
Một nguyên nhân khác là do quy trình giải quyết TTHC được cải tiến, cắt giảm thời gian giải quyết... số lượng TTHC theo mô hình 4 tại chỗ có kết quả ngay, trong khi trực tuyến phải có quá trình luân chuyển hồ sơ, chờ đợi hệ thống bưu chính chuyển phát nên người dân vẫn thích lựa chọn làm trực tiếp hơn.
Ngoài ra, còn một số rào cản về mặt kỹ thuật như phải có chữ ký số để xác thực giấy tờ điện tử, phải có phương tiện thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng...) mới thực hiện được nên TTHC vẫn rất khó thực hiện. Trong một số hoàn cảnh nhất định, thực hiện trực tiếp sẽ tiết kiệm chi phí hơn, có thể nhận được ngay mà ko phải mất phí chuyển phát; nhận được ngay sẽ thực hiện được giao dịch tiếp theo mang lại giá trị lợi nhuận cao (hồ sơ đất đai, kinh doanh...), không phải duy trì chữ ký số, thiết bị phải đóng phí duy trì hàng năm...
- Để khắc phục hạn chế trong việc triển khai rộng rãi DVCTT, Cà Mau có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hồ Chí Linh: Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Công văn số 820/BTTTT-THH ngày 9/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Việc thí điểm này nhằm đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, dẫn dắt người dân tiếp cận môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực.
Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn, ấp, khóm.
Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai các nền tảng số đã được tập huấn và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho ít nhất 60% số hộ gia đình trong ấp, khóm thuộc xã, phường, thị trấn được chọn thí điểm. Sử dụng mạng xã hội Zalo hoặc mạng xã hội khác để lập nhóm gồm các cá nhân đại diện hộ gia đình trong ấp, khóm để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên. Sử dụng infographic, video clip hướng dẫn để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân.
Tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng các nền tảng được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, DVCTT của tỉnh, ứng dụng thuộc hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các ứng dụng tương tác hỗ trợ người dân theo hình thức cầm tay chỉ việc, trải nghiệm, thực hành thực tế.
- Xin cảm ơn ông!
Thanh Phương thực hiện