ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 21:23:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đường về "Xóm đảo"

Báo Cà Mau (CMO) Xóm đảo nằm chơi vơi giữa cửa biển Sào Lưới, thuộc ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Không biết cái tên “Xóm đảo” có tự bao giờ nhưng nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây...

Xóm đảo hiện có 22 hộ, với hơn 90 nhân khẩu sinh sống, kinh tế phụ thuộc vào biển. Do không trang bị được dụng cụ, tàu lớn nên chủ yếu đánh bắt gần bờ.

Hành trình "bám đảo" 

Chiếc vỏ lãi chậm rãi tiến đến xóm đảo. Đường về xóm đảo hôm nay vẫn gập ghềnh, trắc trở, muốn đặt chân lên “đảo” bắt buộc phải di chuyển một đoạn dài lộ đal, rồi sau đó mới đi vỏ lãi ra cửa biển. 

Ông Phạm Văn Lạc, Trưởng ấp Sào Lưới, tâm tình: “Dân xóm đảo làm đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng chủ yếu là đi biển, ăn theo mùa. Những ngày biển êm thì ra khơi, không thì ở nhà làm cá khô, đến mùa ốc, ba khía hội thì đi bắt. Con nít trên xóm giỏi lắm nghe, mới 4-5 tuổi là theo cha mẹ đi săn bắt rồi”.

 

Xóm đảo có 22 hộ dân, kinh tế phụ thuộc vào biển

Trời về trưa, những cơn gió mặn mòi của biển thổi vào rít cả người, lâu lâu nếm, bờ môi có vị mặn đắng pha chút mùi “khét nắng” chẳng lẫn vào đâu được, cuối cùng xóm đảo hiện ra trước mắt. Xóm đảo, một bên hướng về biển, bên còn lại áp vào mé rừng ngập mặn. Chính địa hình nơi đây đã tạo ra “thiên thời, địa lợi” cho các hộ dân sống trên “đảo”.

Không biết có phải đang mùa sửa nhà không mà trong xóm hộ nào hộ nấy mua cây, lá, mớ đinh, tấm bạt. Ông Ngô Văn Tư, 59 tuổi, một trong những “nguyên lão” khai sinh xóm đảo không buồn ngó ra ngoài vì phải tranh thủ lót vội cái sàn nhà đã rệu rã.

Gương mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng biển, ông chậm rãi quệt vội dòng mồ hôi, cặm cụi, thận trọng trong từng động tác, sửa lại cái nhà, nơi mà ông gọi là tổ ấm chênh vênh ngoài mé biển.

Vừa hì hục với công việc, ông Tư vui vẻ trò chuyện, kể về đời mình, đời con, đời cháu mà qua đó người nghe có thể mường tượng ra tình cảnh chung của hầu hết người dân xóm đảo. Trong ký ức vụn vặt còn sót lại của ông Tư, xóm đảo ngày trước thưa thớt, không có sự sống, buồn tẻ và đìu hiu.

Ông Tư bộc bạch: “Hầu hết người dân đến ở đây từ hồi cơn bão số 5, ban đầu có vài hộ thôi. Ở đâu cũng phải sống, phải ăn, phải ngủ. Rồi thì kiếm cho mình cái nghề trước đã, sau cất tạm cái mái che đầu, sinh con đẻ cái, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, lâu dần thì đông như giờ”.

Hơn 20 năm bầu bạn với biển, nhờ chắt mót, cần kiệm nên vài năm trở lại đây ông Tư “lên chức” chủ ghe, sắm được chiếc ghe 10 tấn, bạn ghe tính cả tài công là 5 người, mỗi tháng trung bình trừ hết xăng, chi phí này nọ ông dư tầm 10 triệu đồng.

Nhìn căn nhà đang bộn bề, ông thú thiệt: “Hổm nay tôi không ra khơi vì bận sửa lại cái nhà, gần 1 tháng mà cái sàn còn chưa xong”. Đưa tay chỉ về phía mớ cây tạp, vài cặp lá dựng ngay ngắn ở góc nhà, ông chắc mẩm: “Mần lẹ cho xong cái sàn rồi dỡ tới cái vách, lợp mái nhà nữa mới rảnh tay được”.

Trẻ em xóm đảo rất hồn nhiên, mến khách.

Nghe tiếng xì xào bên nhà hàng xóm, anh Quách Chil liền đi qua, tiếp lời: “Tui nói để tui tiếp cho, rồi đến nhà tui sửa thì ổng qua vần công mà hổng chịu. Ổng kỹ lắm, nhà cửa phải tự tay làm mới chịu, không cho ai phụ”.

Trong tâm thức của người dân xóm đảo, có an cư thì mới lạc nghiệp. Nhà cửa ở đây được cất bằng cây gỗ, lợp tol, vách lá, cộng hưởng mùa gió chướng về là nước ngập đến sàn nhà nên tuổi thọ không cao, cứ độ chừng hơn 1 năm là phải làm lại nhà, mỗi lần chi phí hết bạc chục triệu là ít.

Mặc dù đời sống có phần chật vật hơn so với đất liền nhưng đa phần cư dân trên xóm đảo đều đồng thuận cho rằng sống ổn, sống tốt, nguồn lợi dồi dào, đặc biệt là không sợ đói, nuôi vợ, nuôi con khoẻ re...

Khởi sắc

Cuối năm 2017, xóm đảo đón năm mới với niềm vui gấp bội khi lần đầu tiên trên “đảo” có đường, có lộ, thay thế cho những chiếc cầu cây nguy hiểm, mục nát được mắc nối tạm bợ trước đó.

Để có con lộ đal thẳng tắp, ngang 2 m, dài 60 m này, chính quyền địa phương vận động mỗi hộ trên xóm đảo đóng góp 500.000 đồng, còn lại địa phương vận động vật tư từ các nhà hảo tâm.

Từ ngày có lộ mới, người dân phấn khởi ra mặt. Giữa trưa một cuộc "đua xe đạp" hấp dẫn diễn ra trên con lộ 60 m, trong không khí nắng nóng ấy mà các "vận động viên nhí" vẫn hăng hái đua quyết liệt. Ban đầu là 1, 2, rồi 3, 4 ,5  chiếc xe đạp, hễ hộ nào có xe đều rinh ra đua cho bằng chị bằng em.

Con lộ đal duy nhất trên xóm đảo là sân chơi tập thể cho trẻ em nơi đây

Lộ ngắn, 2 đoạn đầu và cuối đều hướng ra biển, không rào chắn, chỉ cần quá chân là xuống tắm biển dễ như chơi. Đám trẻ con mọi lứa tuổi tập tụ, hò hét, đầu trần, chân đất, quần áo ngắn cũn cỡn, mặt lấm tấm mồ hôi thi nhau đứng kín cả con đường. Tốp có xe tranh nhau chạy biểu diễn, tốp không xe thì tấp vào một góc vỗ tay cổ động. Cư dân xóm đảo đồng lòng yêu thương và đoàn kết từ nhiều năm qua.

Thầy giáo Trần Văn Một tận tuỵ đưa đón các em đến trường

Trưa, một chiếc đò cập bến. Đứa lớn nắm tay đứa nhỏ, cứ thế dắt díu nhau lên bờ. Thấy anh chị đi học về nên mấy đứa em nhốn nháo ra mừng. Trong cảnh chen chúc, bỗng tiếng bé gái khóc ré lên vang dội cả xóm, ngó xuống cầu, một bé gái lọt thỏm hồi nào mà áo phao, cặp sách vẫn ôm khư khư bên người, miệng không ngừng khóc thét. Thấy em khóc, thằng anh cuống lên quăng luôn cái cặp, nhanh tay kéo lên gọn hơ rồi dắt về tắm rửa để kịp chiều đi học tiếp.

Ăn vội bữa trưa, em Đoàn Hy Vọng, lớp 2, Trường Tiểu học Việt Khái 2, hồn nhiên: “Nhờ thầy mà con được đến trường, con cám ơn thầy nhiều lắm...”. Dù cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả, chuyện cách trở đất liền, thiếu lộ, ba mẹ bộn bề mưu sinh, vậy mà xóm đảo lấy làm tự hào vì từ trước đến nay trẻ em đều được đến trường. Công lớn nhất trong chuyện học của tụi nhỏ thuộc về thầy giáo, ông chủ đò Trần Văn Một. Hình ảnh ông thầy áo sơ mi, quần tây đóng thùng chỉnh tề nhẫn nại vượt sông, vượt sóng suốt 20 năm đưa trẻ đến trường thật bình dị.

Thầy Trần Văn Một, giáo viên Trường Tiểu học Việt Khái 2, xã Nguyễn Việt Khái, bộc bạch: “Di chuyển bằng đò nên các em phải thức sớm để kịp đến trường. Vừa dạy, vừa đưa rước nên tình hình, hoàn cảnh của các em tại xóm đảo tôi đều nắm được. Hộ nào có con bỏ học là tôi đến ngay, vận động cho các cháu đi học lại. Chuyện đưa rước phụ huynh không lo nên xóm đảo có 15/16 cháu ở độ tuổi tiểu học được đến trường”.

Hơn 20 năm tận tuỵ với nghề gõ đầu trẻ, 20 năm lặng lẽ vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ trên xóm đảo, không tính toán thiệt hơn, thầy Một chỉ bảo: "Sẵn đi dạy rồi rước tụi nhỏ đi học luôn”.

Trời về chiều, xóm đảo lại đông vui sau một ngày tất bật mưu sinh, từng gia đình nhỏ quây quần bên bữa cơm ấm cúng. Ông Phạm Văn Lạc phấn khởi: “Sắp tới sẽ có lộ, cầu nối liền xóm đảo với đất liền. Nghe tin, người dân rất phấn khởi, từ đó chí thú làm ăn. Có lộ rồi, các cháu đi học sẽ thuận tiện hơn, đi lại, làm ăn cũng nhanh chóng và dễ dàng. Xóm đảo sẽ khởi sắc trong nay mai”.../.

Ngô Yến Nhi 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.