(CMO)Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Cà Mau. Ngay cả khi tra cứu trên mạng thì thông tin cũng không có nhiều, nên du khách hầu như ít ưu tiên lựa chọn. Trăn trở hơn, Sông Trẹm là nơi rất giàu tiềm năng ở khía cạnh du lịch sinh thái đặc trưng rừng tràm.
Cách đây khoảng 5 năm, tháp tùng đoàn khảo sát của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, biết bao viễn cảnh lạc quan được vẽ ra, song thực tế lại là một câu chuyện cần phải bàn, cần phải chờ… Mà cái trước tiên đập vào mắt người ta chính là chuyện chờ một con đường vô tới nơi này.
Đau đáu một con đường...
Gặp nhau, anh Tư Hiếu (Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) rào trước: “Đường vô đây cực quá, du lịch chưa ăn thua đâu”. Biết ông anh mê nghề rừng, yêu mến cây tràm còn hơn bản thân, suốt ngày ở trong rừng nhưng vẫn “máu me” làm du lịch nên chúng tôi cũng kiếm cách trả lời: “Ờ, vậy mới là sinh thái chớ anh!”. Anh cười héo queo, lòng dạ chúng tôi cũng bối rối. Ai đời có cái khu du lịch mà đường vô thiệt là quá xá. Muốn vô khu Sông Trẹm, hiện thời có 2 lựa chọn: Một là xuôi theo đường hành lang ven biển phía Nam (người ta hay gọi là đường Xuyên Á, nhưng chẳng biết xuyên tới đâu của châu Á) đến Biển Bạch, qua Sông Trẹm; đường thứ 2 là từ TP Cà Mau xuống thị trấn U Minh vòng về Khánh Thuận.
Đặc sản ong mật U Minh Hạ là sản phẩm du lịch chủ đạo của Khu Du lịch Sông Trẹm. |
Nói chung là đường nào cũng không quá 50 cây số, nhưng cảm giác đi cứ thăm thẳm vì cách trở đò giang hoặc là đường bể nát. Anh Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, thông tin: “Tôi là người gắn bó với Sông Trẹm từ thời trước” (thời trước nghĩa là thời còn Lâm ngư trường Sông Trẹm, sau này ghép về với Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ - PV). Khi đó, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm bây giờ có tên đầy đủ ban đầu là vườn sưu tập động thực vật hệ sinh thái rừng tràm Lâm Ngư trường Sông Trẹm. Mục tiêu của nơi này là trở thành nơi tập hợp các đặc trưng về động thực vật của rừng tràm phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan du lịch. Tất nhiên, tham quan du lịch được xếp hàng thứ yếu".
Cầu khỉ xuyên tán rừng tràm là một trong những trải nghiệm của du khách khi đến Sông Trẹm. |
Tuy nhiên, hoàn cảnh “đẩy đưa”, vì nhiều nguyên nhân các mục tiêu lớn của khu Sông Trẹm không được như kỳ vọng, và rồi vườn sưu tập chuyển thành khu du lịch sinh thái. Anh Nam thú thiệt: “Là đơn vị rừng chuyển qua làm du lịch, khó là phải”.
Mỗi năm, khu Sông Trẹm đón khoảng 15.000 lượt khách, nhưng thông tin quảng bá cho nơi này hầu như chưa có gì. Theo anh Nam, chủ yếu người đi rồi “truyền miệng” cho người chưa đi. Dù là “tay ngang” làm du lịch, nhưng Sông Trẹm cũng đã định hình được các hoạt động du lịch, có những ưu thế thiên nhiên đặc sắc. Anh em vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết với lĩnh vực du lịch.
Theo 2 đường huyết mạch về Sông Trẹm, các dự án lớn đang được triển khai để tạo thành cú hích cho khu du lịch này. Từ đường hành lang ven biển phía Nam, một cây cầu vắt ngang Sông Trẹm đang thi công, kèm theo đó là tuyến ô-tô đấu nối, tổng kinh phí cho hạng mục này dự toán là 115 tỷ đồng. Từ U Minh xuống, một con đường khoảng 40 tỷ đồng cho xe ô-tô chạy đến cũng đã định hình. Khát khao lớn hơn, công ty đã thuê đơn vị tư vấn ở TP Hồ Chí Minh lập quy hoạch phát triển với tổng diện tích gần 200 ha, kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.
Nhiều trở ngại trên đường phát triển
Khi những con đường nhựa không lâu nữa sẽ xoá nhoà khoảng cách về địa lý, Sông Trẹm vẫn còn một khoảng cách khá xa với du khách bởi những "con đường" khác. Anh Trần Quang Vinh, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch, cho biết: “Khách vô theo mùa, chủ yếu là trước, trong, sau Tết và những dịp lễ, hè”. Trải nghiệm ở khu Sông Trẹm bao gồm tham quan hệ sinh thái rừng tràm bằng cách băng xuồng dưới tán rừng. Khách tham quan sẽ được tham gia các hoạt động như gác kèo ong, đặt trúm, lọp, câu cá. Sau đó, thưởng thức ẩm thực từ những đặc sản của đại ngàn rừng tràm. Thời gian tối đa chỉ khoảng 1 buổi.
Đến Khu Du lịch Sông Trẹm, du khách có dịp trải nghiệm hệ sinh thái động thực vật đa dạng, trong đó có bầy khỉ thiên nhiên, đà điểu, cá sấu, ong mật… |
Ở đây, 11 con người tay ngang, chỉ có duy nhất 1 đầu bếp là có “giấy chứng nhận” nên làm du lịch theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Anh Vinh bộc bạch: “Cũng có đề xuất cho anh em học các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch mà… chưa có dịp”.
Dịch vụ du lịch của Sông Trẹm cũng “nhỏ gọn, xinh xinh” và hầu như chưa tạo được các giá trị gia tăng. Quầy sản phẩm lưu niệm đơn giản là ít chai mật ong và quần áo, nón. Khách đến cũng chưa thấy ai lưu trú lại đêm. Hỏi anh Vinh về phản hồi của du khách, anh cười: “Thì... khách nói đường vô khó quá. Chỗ này rất hay, nhưng chưa được đầu tư nhiều”.
Đường vô Sông Trẹm còn quá khó khăn. |
Ưu điểm nhất của Sông Trẹm là cái lạ, cái đặc sắc của rừng tràm, ngoài cảm giác này, du khách còn cảm giác khác là... tiếc. Khách quan mà nói, chưa biết cảm giác nào trội hơn, nhưng ai đến Sông Trẹm rồi cũng ước muốn một ngày nào đó quay trở lại với một ý nghĩa, hình ảnh trọn vẹn hơn.
Anh Vinh cũng chẳng cần suy nghĩ khi khẳng định: “Khu này hoạt động còn đơn lẻ, chưa kết nối tour tuyến với các công ty và các khu du lịch khác”. Đây có lẽ là thực trạng không mấy xa lạ với du lịch Cà Mau. Theo quy hoạch, Sông Trẹm sẽ kết nối với Vồ Dơi, Đá Bạc tạo thành một tuyến trọng yếu của du lịch Cà Mau. Tính toán là vậy, nhưng để thành hiện thực thì chưa biết đến lúc nào. Hỏi anh Vinh, khách đến rồi trở lại nhiều không, anh trầm ngâm: “Cái này mình hổng có thống kê, nhưng chắc cũng có, vì có những khách thấy quen quen”. Như chợt nhớ điều gì, anh Trưởng ban tiếp lời: “Ờ, mà thông tin quảng bá du lịch ở khu Sông Trẹm còn ít quá, cái này cũng là hạn chế lớn”.
Ở ngay cổng vào khu Sông Trẹm, chúng tôi ghé quán nước của bà Sáu Thao (Nguyễn Thị Thao). Hỏi thăm mới biết bà là em ruột của Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đương. Chúng tôi nói vui: “Dì hát vọng cổ được không?”. Bà Sáu nói rằng: “Tao mà hát được giờ đâu ở trong rừng”. Sau giây phút vui vui ấy, cái quán buồn hiu lại được bà phàn nàn: “Du lịch gì đâu mà hổng thấy ai hết trơn. Tới mùa sau tao dọn quán về dưỡng già”. Bán ở khu này từ lúc thành lập (năm 2002), bà Sáu cho biết: “Hình như càng ngày càng ít khách. Nhìn quanh cái quán có mỗi một mình, đúng là buồn thiệt". Khi tôi bàn tới dự án đường sá, mở rộng khu du lịch, bà Sáu đã biết hết, tuy nhiên “cái hứng” buôn bán của bà cũng chẳng còn: “Nói vậy chớ biết chừng nào con ơi”.
Đợi đứng buổi, chúng tôi cũng không gặp được người khách nào để phỏng vấn thêm thông tin cho bài viết. Mấy chú khỉ cứ cà khịa túi máy chụp hình, nhìn bộ dạng rất hăng hái. Dạo một vòng quanh khu Sông Trẹm, chúng tôi ra về. Đúng là đường đi không xa, sao cứ có cảm giác thăm thẳm trong lòng…/.
Phạm Hải Nguyên