ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:41:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạnh phúc muộn

Báo Cà Mau (CMO) -Cô đi về đi, tôi tự lo liệu được, mỗi lần cô qua tôi thấy phiền hà quá. Làm ơn đi về đi.

Giọng ông vừa mang âm sắc nài nỉ, vừa như trách cứ, xua đuổi. Người đàn bà trạc tuổi sáu mươi, lặng lẽ cắp rổ đi men theo đường ruộng về nhà. Bà cúi đầu, giấu nỗi buồn lặn sâu trong khoé mắt.

Ðây là lần thứ mấy chục, bà đi qua mái tranh lụp xụp này, mong được giúp đỡ ông một tay. Chỉ là nấu một bữa cơm, giặt tấm áo, chiếc quần cho ông, nhưng tuyệt nhiên chỉ có sự từ chối thẳng tuột. Bà không trách cứ ông, có lẽ nỗi tự ái luôn thường trực trong người đàn ông què cụt ấy.

Minh hoạ:  M. Tấn

Chiến tranh, những ngày hào hùng từ chiến trường Tây Nguyên trở về, đồng đội người còn, người mất. Ông may mắn sống sót trong một lần bom Mỹ ném xuống trận địa, bị văng ra xa và cụt mất một chân. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trên giường bệnh của khu trạm xá giữa rừng. Bạn bè chẳng biết ai còn, ai mất. Ngày trở về quê, cũng là lúc ông hay tin cha bạo bệnh qua đời. Ðứa em gái lấy chồng cách tới mấy trăm cây số, lâu lâu mới về một lần. Mẹ già cùng ông côi cút được bốn năm năm gì đó rồi bà cũng lên đường theo tổ tiên. Những ngày còn sống, bà vẫn khuyên ông, cố tìm cho bà một cô con dâu. Ðể khi bà nhắm mắt xuôi tay, yên tâm đã có người chăm cho ông bữa cơm, miếng nước. Ông gật đầu ậm ừ, nhưng cứ để mọi cơ hội trôi tuột vào năm tháng. Tuổi trẻ mang theo cùng chiến trường bom đạn, nay trở về ông cũng lặng lẽ âm thầm, tập tễnh với đôi nạng gỗ.

Chẳng phải người ta vẫn luôn mơ ước có một ngôi nhà nhỏ xinh, có vợ có chồng, ngày ngày rau cháo nuôi nhau. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, tiếng trẻ con nô đùa ríu ran, vậy là hạnh phúc. Ðiều mà với người bình thường là lẽ đương nhiên. Nhưng ông thì khác, vừa tự ti với cơ thể tật nguyền, lại vừa lo sợ về chất độc da cam. Thứ mà hàng ngày đang huỷ hoại cuộc sống của hàng ngàn đứa trẻ trên đất nước này. Nhớ hồi nếm mật nằm gai trên chiến trường, bọn giặc đã thả cái thứ chất độc huỷ diệt ấy ngay khu đồi bên cạnh. Mùi hắc ám bay tận qua bên khu trung đội ông đóng quân. Một trong những người còn sót lại đợt đó là ông Thanh, bạn cùng quê với ông. Ông Thanh khi đó đẹp trai, khôi ngô. Ngày trở về cũng vẹn nguyên, lành lặn. Ấy vậy mà đứa con đầu chào đời, trong niềm vui sướng chưa bao lâu của cả dòng họ thì sáu tháng sau, người ta phát hiện nó bị bất thường. Ông tá hoả lên bệnh viện tỉnh xét nghiệm lâm sàng. Kết quả như một cú đòn giáng mạnh xuống đầu: Bị nhiễm chất độc da cam. Ngày ông đón bạn tới thăm, nghe bạn kể lể sự tình, ông không khỏi xót xa. Ông bảo, cùng nằm chung nhau cái hầm, chiến đấu với nhau một đơn vị, ông Thanh bị chắc ông cũng bị  rồi. Ông Thanh trấn an: "Biết đâu được, trong số những người trở về, thằng Luật, thằng Minh vẫn phà phà sinh hai ba đứa, có làm sao đâu. Tui biết mình bị nên thôi, không sinh con nữa, đỡ cực cho vợ, giờ nuôi được thằng nhỏ cũng mệt rồi". Hai người bạn đồng niên ngồi cùng nhau trong ngôi nhà cũ, lặng lẽ ôn lại kỷ niệm xưa nơi chiến trường.

Chẳng ai nói về tương lai phía trước. Có vẻ như một bóng đen vô hình nào đó đè nặng lên tâm trí họ. Chiến tranh đi qua, bây giờ mỗi đứa một phương, kẻ Nam người Bắc. Có đứa hy sinh chưa tìm thấy mộ. Mấy chục năm trời, mỗi lúc trái gió, cơn đau lại ập đến, hành hạ ông trong ngôi nhà cô đơn trống rỗng. Ở nhà cũng chẳng làm gì, tới tháng lãnh lương thương binh, đủ nuôi sống bản thân. Ông thấy cuộc sống tẻ nhạt quá. Nên hôm rồi bác Luận hàng xóm mở trại vịt ngay cánh đồng trước nhà, ông xin làm chân canh vịt. Bác ấy làm một cái lều nhỏ ngay giữa đám ruộng, vét một cái ao nông nông cho lũ vịt tắm táp bơi lội. Ông quanh quẩn ngày ngày ngoài lều rải cám cho vịt rồi rảnh rỗi ngồi rít mấy hơi thuốc lào. Thấy đời cũng thênh thang hơn.

 Ðã hai tháng kể từ ngày ông ra  lều canh vịt, bà Liên vẫn lẽo đẽo đi ra hàng ngày. Hôm mang cơm, hôm mang hoa quả, một ít rượu cho ông bầu bạn khuya sớm với đàn vịt. Ông cứ thấy ái ngại, bởi ông chẳng muốn liên luỵ tới ai, làm khổ đời họ.

Tiếng ông Thanh vang lên bên cạnh:

- Nghĩ cái gì thế? Tui nghĩ ông nên đi khám tổng quát một lần. Bây giờ khoa học tiên tiến rồi. Ðợi khi có kết quả rồi tính tiếp. Chớ tui thấy cái bà Liên theo ông riết từ bận ông về mà ông cứ làm lơ là sao. Người ta thương mới tận tình đến thế. Phải tui á, tui bỏ lâu rồi.

Ông nghe, đau nhói ở ngực:

- Nào tui đâu có muốn, sợ làm khổ người ta thôi. Cổ một đời chồng rồi, chồng hy sinh nơi chiến trường khi chưa kịp cho nhau một mụn con. Ông nghĩ tui què quặt thế này, lại giẫm đạp lên số phận thê thảm của người đàn bà ấy một lần nữa sao.

- Ông vẽ. Rổ rá cạp lại. Hơi đâu nghĩ xa xôi. Thôi nghe tui đi. Mai tui ghé chở lên bệnh viện tỉnh sớm. Tiến hành đi, già rồi. Mà lỡ có gì không may mắn, cũng về với nhau, nương tựa tuổi già, thế có phải hơn không. Ru rú một mình hoài, bị khùng ra đấy.

Ông nghe bạn nói cũng êm êm bụng, gật nhẹ đầu đồng ý.

Ðêm tháng Tư gió nồm thổi rít qua lều. Ông tập tễnh bước ra nghĩa địa, nơi có ba mẹ ông đang yên nghỉ ở đó. Là để báo cáo với ba mẹ ngày mai ông lên tỉnh khám bệnh. Tạ lỗi với ba mẹ khi ông bà còn sống ông không thực hiện được di nguyện cuối cùng. Trong bóng tối nhập nhoà, chợt có bóng ai vụt qua. Rồi tiếng khóc nỉ non phía bên khu mộ liệt sĩ vọng lại. Ông hơi chột dạ. Giờ này làm gì còn ai ra đây nữa. Ông nhấc chiếc nạng, tập tễnh bước về phía tiếng khóc. Dưới ánh trăng lờ mờ huyền ảo, ông thấy bóng dáng gầy gò, quen thuộc. Là bà Liên. Bà đang ngồi kể lể chuyện hàng ngày cho chồng quá cố nghe. Tiếng nấc nghẹn chặn đứng bước chân ông. Ông cất tiếng:

- Thôi khuya rồi về đi bà, tối thế này bà ra đây làm gì?

Bà Liên giật mình quay lại.

Hai người nhìn nhau ái ngại. Ông đỡ bà đứng lên. Bước chân loạng choạng, suýt ngã. Bà lau nước mắt, cầm lấy đôi tay xương xẩu của ông. Hai bóng già lầm lũi, chậm rãi bước trong đêm.

Có tiếng người xì xào phía cuối bãi. Những người đi thả trúm ngoài đồng cũng đang rửa ráy chân tay đi về. Một vài người thấy hai bóng già bước thấp bước cao trên bờ đê. Ông Hải xóm dưới cảm thán: Một đời hy sinh, đến lúc tóc hai màu vẫn đơn côi. Người ta hành hạ nhau chi cả thời bình nhỉ.

Nào ai biết được nỗi lòng người lính. Chỉ vì không muốn liên luỵ đến người xung quanh, mà chôn mình trong những tháng năm hoà bình.

Bữa đó, em gái ông đưa hai  con về thăm bác. Thằng lớn chui lên trên chòi cao. Ngắm nhìn một lượt cánh đồng mênh mông cơ man nào là vịt, trứng rải rác mấy bụi chuối, nó bảo cậu Hai sướng thật, một mình quản cả cái nông trại lớn. Mai mốt lớn lên nó cũng thích vậy nè. Ông nhìn thằng cháu, cười hiền hậu: "Mốt lớn cu Mạnh phải giỏi hơn cậu Hai chứ. Học hành đàng hoàng, làm ông này bà kia cho nở mày nở mặt cậu và ba mẹ chứ".

Con bé em phụng phịu: "Anh hai học dốt lắm cậu, chỉ thích mày mò mấy cái máy linh tinh của ba con. Rồi nói sáng chế gì đó. Con chả hiểu gì. Chỉ thấy phí của, phí công".

Ông nhìn hai đứa cháu, ánh mắt trìu mến. Vậy là chúng cũng đã khôn lớn. Biết được những điều cơ bản của cuộc sống. Ông xoa đầu từng đứa, chỉ cho chúng cách cho vịt ăn. Em gái đứng cạnh thì thầm: "Bao giờ anh Hai lấy vợ, cho em yên tâm được?".

Ông quay lưng ra phía bờ ruộng. Giọng nói nhẹ như không: "Ừ rồi anh cũng phải quyết định thôi. Ðợi mấy hôm nữa có kết quả trên bệnh viện tỉnh trả về, anh tính".

Chẳng biết kết quả của bệnh viện ra sao nhưng những ngày sau đó người ta thấy bà Liên cùng ông ở hẳn ngoài chòi vịt. Mỗi buổi chiều khi đàn vịt đi kiếm ăn về, bà vãi thức ăn, ông đi vòng vòng kiểm tra số lượng. Thỉnh thoảng người ta lại thấy ông bà về ngôi nhà cũ, nhang khói cho người đã khuất. Người ta thấy nụ cười nhẹ nhõm trên gương mặt người cựu binh ấy. Hạnh phúc dẫu có muộn màng, thì đối với họ chắc hẳn đó là điều ấm áp vô cùng...

 

​Truyện ngắn của Thuỵ

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương