ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:57:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hẹn gặp lúc bình minh

Báo Cà Mau (CMO) Chiến cuộc đã gấp rút lắm rồi. Những cánh quân của ta đã tiến sát về thị xã, trú quân và ngóng chờ lệnh mới. Những vầng sáng của đèn điện thị xã hắt sáng một vùng trời. Lòng chúng tôi nôn nao, vì chỉ rạng sáng mai thôi, đầu não của quân giặc sẽ bị xoá sổ. Thị xã Cà Mau sẽ lại là của người Cà Mau, của đất nước Việt Nam hoà bình thống nhất.

Tranh:  M. Tấn

Trong Tiểu ban Thông tấn - Báo chí, anh Bảy là người lãnh đạo, cũng là người lớn tuổi nhất. Rít hơi thuốc rê, anh Bảy ra dấu cho đơn vị tụm tròn lại và thông báo vắn tắt:

- Chốc lát nữa, các cánh quân tiên phong chủ lực của ta sẽ đồng loạt tiến công thị xã. Ðơn vị ta ém quân, chờ thông báo để tiến vào thị xã tiếp quản một số mục tiêu quan trọng... Anh em sẵn sàng chưa?

Trong đêm, những ánh mắt ngời sáng hơn sao, những nắm tay chắc như thép vung lên, môi ai cũng mím chặt nhưng vầng trán đều toả rạng thứ hào quang của niềm tin chiến thắng. Thằng Rớ bị chọt bụng, lúc tập hợp vắng mặt, từ lùm chuối gần đó chạy sấn tới, một tay kéo quần xập xệ, một tay cũng thụt lia lịa. Tôi bụm miệng cười, nói nhỏ: “Cha thúi rum trời mà cũng quyết tâm quá khứ he”. Anh Bảy căn dặn anh em ráng chợp mắt lấy sức, vì sáng mai và những ngày tiếp theo phải cán đáng nhiều công việc. Kết thúc, anh chỉ nói vỏn vẹn: “Hẹn gặp tất cả anh em vào bình minh, tại thị xã thân yêu”.

Thằng Rớ không ngủ được, khều tôi: “Ê, mày ngủ được không? Tao bị chọt bụng quá, ngủ không được”. “Mày xạo, chắc nôn quá ngủ không được chớ gì?”. Tôi với Rớ khắc khẩu, câu đầu câu sau là chỏi nhau. Rớ làm giỏi hơn nói, vậy nên khi bị bắt giò thường cười nừng rồi đánh trống lãng. “Ờ, mày nói phải. Tao nhớ anh Ba, nhớ em Hồng quá. Phải chi...”. Câu nói của thằng Rớ lấp lửng nhưng giống như dao gọt vào lòng tôi một vết sắc lẹm, nhói đau. Tôi nhìn nó, trên cái bộ mặt lúc nào cũng tếu táo, câng câng, dưới đốm sáng hoả châu phía xa dội lại, đôi dòng nước mắt đã chan hoà tự lúc nào...

***

Cơ quan đứng chân trên ven đầm Thị Tường. Rừng dừa nước ven đầm xanh ngút chân trời. Dân xứ đầm cưu mang chúng tôi từ ngọn rau, con cá, nhường cả căn nhà để anh em có chỗ bố trí công việc báo chí, in ấn. Xung quanh đầm Thị Tường có cả chục đồn bót giặc. Cái gần thì cách chừng ba cây số, cái xa chỉ độ chục cây. Căn cứ ở giữa tầm đạn giặc, vậy mà hơn chục năm vẫn tuyệt đối an toàn. Buổi chiều đó, mấy chiếc đầm già của giặc theo thói quen lại rảo quanh mặt đầm. Tụi giặc đã ở thế bí, gần như tê liệt, không dám bung ra càn quét như trước mà chỉ co cụm. Cứ chiều chiều là thả trực thăng bắn vãi trấu phi tang đạn dược xuống lòng đầm. Anh Ba là thủ trưởng đơn vị, đang nấu cơm vẫn bình thản cười: “Cái tụi bắn khùng, bắn điên”. Tụi tui thì nhát hơn, cứ nghe tiếng đầm già thì chui xuống hầm cho chắc ăn. Lâu lâu thụt ló lên coi tình hình, ngó thấy dáng dong dỏng cao của anh Ba ngồi rít thuốc rê. Rồi đột nhiên, một tiếng ầm chói tai, đất đai, cây cối mù mịt...

Anh Ba bị thương nặng lắm, cánh tay phải gần như đứt lìa. Tụi tôi phải quấn lại, không cho anh nhìn thấy. Kiểu này phải nhờ mấy anh quân y của bộ đội D10 may ra mới có hy vọng. Ðặt anh Ba lên xuồng be tám, tôi và chú Tám Chòi vừa bơi, vừa bè tắt qua đầm, đến vị trí giáp bờ Sông Ðốc để tới đơn vị D10. Tới nơi, anh Ba mặt mày đã xanh lét do mất máu, nhưng vẫn tỉnh táo nói chuyện. Anh quân y nói: “Chắc phải cắt tay thôi”, ráng chút sức, anh Ba nói: “Ðừng cắt tay tui, để tui còn viết”. Nói vậy rồi anh lịm dần, trút hơi thở cuối cùng. Tôi và chú Tám Chòi chở anh về lại đầm. Chiếc hàng đóng vội bằng bộ ván của nhà chú Tám, bên trong là hai bộ đồ sờn vai, rách gối. Thấy vậy, chúng tôi đốn thêm lá dừa nước ven đầm tấn vô hàng để khâm liệm. Lúc sống anh Ba đã viết nhiều bài rất hay về hình tượng dừa nước, trong đó, tôi nhớ mãi câu thơ: “Dừa nước xứ đầm như người mẹ/ Chở che kháng chiến biết mấy mùa”. Ngoài kia, cơn mưa nặng hạt trút xuống đầm nước mênh mông, bốn bề rừng dừa nước xác xao.

***

Thằng Rớ bứng tôi khỏi dòng hồi ức: “Nếu em Hồng còn, tao giờ đâu trọi lỏi vầy”. Phải nói là sự xuất hiện của Ánh Hồng làm mấy thằng đực rựa tụi tui rộn rạo. Còn gì bằng giữa bưng biền, rừng rú, xuất hiện một nữ phóng viên tập sự mà chỉ cần nghe giọng nói thôi đã ngọt hơn nước dừa xiêm. Ánh Hồng mộng mơ, suốt ngày kè kè mấy quyển sách hoặc ghi chép vô cuốn nhật ký nhỏ bằng lòng bàn tay. Cánh trai trẻ tụi tui tìm mọi cách để tiếp cận, từ bày đặt cái cớ dìu dắt, đi thực địa lấy tin tức cho tới bơi xuồng đi hái rau, giăng lưới. Nhưng thằng Rớ có lẽ nhiệt tình nhất và được em Hồng “chấm”. Một sớm ven đầm, sương đục lờ đờ giăng ngang như mây, tiếng pháo rộ lên. Tụi tui ém dưới hầm, biết chỉ là đạn bắn vu vơ của tụi giặc. Rồi pháo nổ càng gần. Nhớ anh Bảy còn hét lên biểu Hồng ở im trong hầm, vậy mà em nhoi người lên, rồi gục xuống. Cách tầm tay của Ánh Hồng là chồng sách và cuốn nhật ký đã nhuốm màu máu đỏ. Lại một người em, một đồng nghiệp, đồng chí của chúng tôi nằm lại ở ven đầm. Dòng nhật ký mà anh Bảy đọc lên khi tiễn em về với đất nghe mà nhói gan, nhói ruột: “Cả tháng tập sự rồi, mình còn chưa viết được bài nào. Mấy anh nói mình mộng mơ, thiệt ra mình đang ráng đọc, ráng học hỏi để viết bài đầu tiên”. Trang nhật ký sau cùng của em Hồng nhuốm màu máu đỏ, nổi bật tựa bài viết tay thật đẹp: “ÐẦM THỊ TƯỜNG ANH HÙNG GIỮA TẦM ÐẠN GIẶC”.

***

Tiếng chân rầm rập. Chúng tôi nhận lệnh lên đường. Những chiếc xuồng be chúng tôi kéo lên, gởi nhà dân, chẳng biết là nhà nào, cứ thế dồn sức hành quân bộ về thị xã. Cà Mau giải phóng rồi! Ðất nước giải phóng rồi! Anh Bảy kiếm đâu được chiếc xe Zeep do một thanh niên mặc áo rằn ri lái, chở chúng tôi đi khắp thị xã. Người dân thị xã chỉ he hé cửa mở, chưa dám đổ ra đường. Chiếc xe vút qua những cơ quan đầu sỏ của giặc ở thị xã Cà Mau, tất cả còn nguyên nhưng cảm giác như là những phế tích đã tàn úa, xa xưa.

Xe dừng lại, chúng tôi rảo bước theo đoàn dọc dài thị xã. Những lá cờ đỏ sao vàng bắt đầu tung bay trên hầu khắp nóc nhà dân. Tạt vào một nhà quen của anh Bảy, dù không khí gấp gáp, chủ nhà vẫn kịp đãi chúng tôi mỗi người một ly cà phê pha phin - Ly cà phê của hoà bình, độc lập. Tất cả anh em nở nụ cười tươi, quàng vai, bá cổ nhau, cứ vậy mà mắt ngân ngấn nước. Ðã biết bao nhiêu lần tôi tự hỏi, cảm giác của hoà bình thống nhất là thế nào? Thì đây, chân lâng lâng như bay, đầu óc rỗng không, chẳng có một ý nghĩ gì cụ thể. Hình như khi vui quá, sung sướng quá, người ta chẳng nghĩ được gì, chẳng biết nói gì. Thằng Rớ lôi trong ba lô ra một lá cờ đỏ sao vàng, một bức chân dung Bác Hồ, tặng chủ nhà. Ông chủ nhà đón lấy món quà, miệng mếu xệch, nói gì đó không rõ, chỉ loáng thoáng: “Thiệt rồi, thiệt rồi”...

Chúng tôi về thị xã như lời đã hẹn ước. Mặt trời rạng rỡ. Bình minh như đến từ muôn hướng...

 

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương