(CMO) Đôi chiếu bông (chiếu lẫy) Tân Thành một thời khá nổi tiếng bởi đường nét hoa văn sắc sảo, chất liệu bền bỉ. Những năm gần đây, do thị trường hạn hẹp, người làm nghề dệt chiếu tại Tân Thành ngày càng ít.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có nghề dệt chiếu lâu đời, năm 13 tuổi, Nguyễn Thị Thu Trang (ngụ Khóm 3, phường Tân Thành, TP. Cà Mau) được mẹ mình truyền cho nghề dệt chiếu. Bà không biết rằng nghề này đã có từ khi nào, chỉ biết mẹ bà cũng được truyền nghề từ bà ngoại.
Níu giữ nghề gia truyền
Bà Trần Thị Thu Trang bên chiếc khung se chân bố (chỉ dệt bằng cây bố) của mình. |
Theo kinh nghiệm của người thợ dệt chiếu lâu năm này, để có được một đôi chiếu hoàn thiện, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, phải tỉ mỉ từng chi tiết. Nguyên liệu chính là cây lác và cây bố (đay). Người thợ phải lựa chọn chiều dài các sợi lác cho từng loại chiếu, rồi mới gia công như: chẻ, phơi, nhuộm… Đôi chiếu được đánh giá đẹp đòi hỏi đường nét hoa văn phải sắc sảo, màu phải tươi, các đường dệt, chân bố phải chắc chắn.
Tất cả hình thù, hoa văn đều làm thủ công, không qua bất kỳ một khuôn vẽ sẵn nào. Người dệt chỉ “ướm” bằng mắt rồi luồn lãi thành những hoa văn, con chữ.
Nhà bà Thu Trang có hàng chục loại khung dệt khác nhau cho mỗi loại chiếu mà khách hàng đặt. Khung dệt chữ, khung dệt bông… đều được bà giữ gìn kỹ lưỡng.
“Làm một đôi chiếu tốn nhiều công sức, nhưng hiện nay số lượng người mua rất ít, đa phần người ta thích nằm nệm, chiếu tre... Cách đây hơn 10 năm, ở xã Tân Thành (nay là phường Tân Thành) có gần 100 hộ làm nghề dệt chiếu, nhưng nay chỉ còn không đến 20 hộ. Người ta chuyển qua nuôi cá hay đi làm công nhân hết rồi, họ chê nghề này cơ cực quá, không nuôi sống được gia đình”, bà Thu Trang bộc bạch.
Lúc trước còn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 6, để vận động bà con địa phương không bỏ nghề, bà cùng chị em làm nghề dệt chiếu địa phương hăng hái tham gia những cuộc triển lãm, những cuộc thi dệt chiếu mà địa phương tổ chức. Lần nào thi cũng có giải, tuy đường dệt không mịn bằng những địa phương khác trong tỉnh, nhưng màu sắc và hoa văn sắc sảo hơn hẳn.
“Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách đến làng chiếu Tân Thành tham quan. Thấm thoát mọi chuyện lại lắng về như cũ”, bà trầm giọng như có gì nghẹn lại.
Những hoài niệm
“Nghĩ nếu nghề này mất đi thì buồn lắm. Đi đâu cũng nghe bài vọng cổ của Viễn Châu hát về anh bán chiếu Cà Mau, nhưng thực sự nhiều người dân địa phương hiện nay không biết được đôi chiếu bông của xứ mình ra sao, nhất là lớp trẻ hiện nay”, bà Thu Trang buồn bã.
Bà nói, cái nghề là cái nghiệp nuôi sống gia đình mình lúc khó khăn, giờ đây cho dù nghề dệt chiếu không mang lại nhiều lợi nhuận như nuôi cá, nuôi tôm mà nhiều người theo đuổi, nhưng đây là cái nghề mà ông bà truyền lại, không đành buông nó.
Ở tuổi ngũ tuần, bà nhớ những khi cùng mẹ ngồi dệt chiếu cả ngày không mệt. Muốn lưu giữ nghề nên bà tiếp tục truyền dạy cho con gái mình, nhưng đến lúc con bà có chồng, tưởng chừng như đứt đoạn đường nghề thì con dâu bà lại tiếp bước.
“Nghề dệt này khó thì khó thật, nhưng nếu chăm chỉ chẳng mấy chốc có thể làm được thôi. Nhưng làm gì cũng phải có cái tâm với nghề, dù cực khổ đến mấy vẫn bám trụ được, đó mới là khó”, bà Trang chia sẻ.
Giờ tuy tuổi đã cao nhưng bà Trần Thị Thu Trang luôn hứa với lòng sẽ tiếp tục dệt chiếu đến khi nào hết sức mới thôi. Bởi với bà, nghề này không còn là cái nghề kiếm sống, mà nó gần như là lẽ sống của người phụ nữ xứ dệt chiếu này. Dù nắng hay mưa, chỉ cần có người đến đặt chiếu bà đều nhận làm.
Bà nói như tâm sự chân tình: “Làm để cho mọi người biết nghề dệt chiếu xứ này vẫn còn. Dù sóng gió thăng trầm cỡ nào, những người thợ dệt chiếu xứ Tân Thành vẫn gắng giữ trọn nghề truyền thống của ông bà mình”./.
Khánh Phương