Ngày 10/11/2023, nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận tôm khô Cà Mau nằm trong tốp 100 món ăn đặc sản và tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Chị Trương Ngọc Giàu, ấp Tân Thành, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi (nay là xã Tân Tiến, tỉnh Cà Mau) có hơn 30 năm gìn giữ nghề tôm khô truyền thống, được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú nghề thủ công truyền thống làm tôm khô năm nay.
- Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
- Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm tôm khô
Tỉnh Cà Mau mới tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm lớn nhất cả nước, góp phần nuôi khát vọng làm giàu cho người dân Cà Mau từ con tôm.
Người dân Cà Mau biết cách chế biến, bảo quản con tôm bằng phương pháp phơi khô từ hàng trăm năm qua. Hiện nay, nghề làm tôm khô ở Cà Mau khá phổ biến, nhưng với bí quyết gia truyền, cùng với quyết tâm gìn giữ nghề tôm khô truyền thống của gia đình, chị Trương Ngọc Giàu đã làm nên sản phẩm tôm khô khá đặc biệt, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Út (bìa phải) 82 tuổi, mẹ của chị Ngọc Giàu vui mừng khi con gái gìn giữ và phát huy nghề truyền thống 3 đời của gia đình và nay tiếp tục truyền lửa cho con, cháu
Chị Trương Ngọc Giàu năm nay 49 tuổi, lúc 15 tuổi chị đã theo gia đình đến huyện Năm Căn sinh sống bằng nghề đóng hàng đáy. Chị Giàu kể: "Mỗi con nước xổ, tôm cá nhiều vô kể, ăn tươi không hết, bán cũng chẳng ai mua, nên cha mẹ tôi luộc làm tôm khô tích trữ dành ăn dần hoặc vận chuyển đi nơi khác bán. Từ đó, nghề làm tôm khô thủ công truyền thống của gia đình ra đời. Lớn lên có gia đình riêng, năm 1994, chị về quê chồng ở ấp Tân Thành sinh sống, quyết tâm thực hiện ước mơ kế thừa, duy trì và phát huy giá trị nghề tôm khô truyền thống của gia đình".
Niềm hạnh phúc của chị Ngọc Giàu khi ước mơ thành hiện thực.
Từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nay chị Giàu đã đầu tư, nâng lên Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại thuỷ hải sản Ngọc Giàu. Từ năm 2020 đến nay, chị Giàu có 5 sản phẩm OCOP, trong đó: 3 sản phẩm 4 sao (tôm khô, tôm khô chà bông, tôm rang) và 2 sản phẩm đạt 3 sao (chả tôm, khô cá kèo). Sản phẩm được bán trên trang madeincamau.com; tham gia trưng bày ở các hội chợ, hội nghị trưng bày sản phẩm, với sản lượng bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh bình quân trên 4 tấn/năm, trong đó tôm khô trên 1,4 tấn, tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, công ty của chị Giàu còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập 150-250 ngàn đồng/ngày. Hiện chị đang hoàn thiện hồ sơ phấn đấu đưa 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao trong năm nay.
Hiện công ty của chị Giàu có 5 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao.
Với kinh nghiệm trên 30 năm, chị Giàu rất kỹ trong khâu chọn tôm nguyên liệu, tôm phải tươi, thịt chắc, kết hợp bí quyết luộc tôm gia truyền, phơi dưới ánh nắng thiên nhiên trong nhà kính, giúp tôm mau khô, màu đẹp. Tôm khô thành phẩm của chị Giàu khô, nhẹ, ráo, thơm, ngọt, màu sắc tự nhiên, bảo quản được từ 5 tháng đến 1 năm.
Chị Ngọc Giàu đặt lú bắt tôm thiên nhiên tại vuông nhà (tôm đất, tôm sú, thẻ), đây là nguồn nguyên liệu chính, yếu tố đầu tiên để làm nên sản phẩm tôm khô ngon, chất lượng.
Khâu luộc tôm cũng khá quan trọng, đảm bảo các yếu tố: Ướp gia vị (chủ yếu là muối) vừa phải; đảo tôm thường xuyên; để nước luộc rút vào con tôm giúp tôm khô giữ được vị ngọt tự nhiên.
Tôm khô sau khi phơi khô, cho vào bao đập, sau đó cho vào sàng tre sàng bỏ vỏ tôm.
Công đoạn cuối cùng: Dùng mũi dao nhọn lấy sạch phần vỏ, đầu gạch trên tôm, giúp con tôm bóng, đẹp. Với tôm khô đúng chuẩn theo cách làm của chị Giàu bảo quản được trong khoảng thời gian từ 5 tháng đến 1 năm.
Chị Giàu vừa đầu tư trên 100 triệu đồng cho nhà kính, giàn phơi đảm bảo tiêu chuẩn HACCP, đủ chuẩn để đạt OCOP 5 sao, đưa sản phẩm tôm khô, tôm khô chà bông vươn ra quốc tế.
Chị Ngọc Giàu tự hào hơn 30 năm góp phần giữ gìn và phát huy nghề Di sản phi vật thể Quốc gia. Đây là động lực để chị tiếp tục cố gắng đưa sản phẩm đi xa hơn và truyền lửa nghề cho các thế hệ sau.
Hiện nay, sản phẩm tôm khô của chị Ngọc Giàu không đủ cung. Với quan niệm: “Thà làm ít mà chất lượng, hơn chạy theo số lượng”, cùng hành trình hơn 30 năm vượt khó, quyết tâm theo đuổi ước mơ; chị Giàu đầu tư trên 200 triệu đồng hoàn thiện trang thiết bị (nhà kính, giàn phơi, khu chế biến, bảo quản... đạt chuẩn HACCP), nhằm nâng cao chất lượng, giá trị tôm khô - sản vật đặc trưng của tỉnh.
Chị Giàu xứng đáng là nghệ nhân ưu tú nghề thủ công truyền thống làm tôm khô. Hiện chị đang truyền nghề lại cho con và các cháu, nhằm giữ tình yêu nghề, đưa sản vật địa phương vươn đến tầm cao mới.
Loan Phương