Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tạo bộ mặt mới cho vùng nông thôn. Do đó, làm thế nào để mọi người dân hiểu được tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách làm, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM là vấn đề then chốt. Vấn đề này đã được các cấp, các ngành trong huyện Thới Bình đặt lên hàng đầu và thực hiện bằng nhiều hình thức.
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và tạo bộ mặt mới cho vùng nông thôn. Do đó, làm thế nào để mọi người dân hiểu được tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách làm, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM là vấn đề then chốt. Vấn đề này đã được các cấp, các ngành trong huyện Thới Bình đặt lên hàng đầu và thực hiện bằng nhiều hình thức.
Kết quả là nhận thức cũng như hành động của người dân trong huyện ngày càng tích cực hơn, tham gia đóng góp tiền bạc, công sức và hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng trường học, trạm y tế, trụ sở văn hoá ấp, đường giao thông.
Tạo được sự đồng thuận
Ông Nguyễn Văn Nhuận, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động của địa phương, tôi nhận thức được lợi ích mang lại từ việc xây dựng NTM nên tích cực tăng gia sản xuất, làm vệ sinh môi trường, trồng hàng rào cây xanh. Gia đình tôi còn hiến đất xây dựng trụ sở văn hoá ấp và ủng hộ gần 50 triệu đồng cho xã làm lộ bê-tông”.
Người dân huyện Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Ông Đặng Thanh Hoá, ấp 1, xã Trí Phải, bộc bạch: “Thấy nhu cầu bức xúc của địa phương nên gia đình tôi thống nhất hiến hơn 2.000 m2 đất để xây dựng trụ sở văn hoá và làm sân chơi thể thao của ấp”.
Chủ tịch UBND xã Trí Lực Nguyễn Minh Khai cho biết: "Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước dần được xoá bỏ nên bà con ngày càng chủ động tham gia bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo và đóng góp nhiều nguồn lực cho quê hương. Đây là yếu tố cơ bản giúp xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM".
Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, năm năm qua, huyện Thới Bình đã xây dựng được gần 200 km đường bê-tông từ xã đến ấp, liên ấp và các tuyến lộ nhánh, với tổng kinh phí đầu tư trên 181 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có trên 700 km lộ nông thôn, 12/12 xã, thị trấn đều có đường ô-tô về đến trung tâm. Còn đường dành cho xe mô-tô thì được nối liền tất cả các ấp, khóm. Sự đột phá về xây dựng giao thông nông thôn đã giúp Thới Bình phát triển vượt bậc về mọi mặt. Khoảng cách giữa các vùng nông thôn với trung tâm các xã, thị trấn và huyện ngày càng gần hơn.
Đời sống kinh tế phát triển
Xác định tiêu chí thu nhập là nền tảng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM, Thới Bình tập trung chuyển dịch cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Năm năm qua, huyện đã xây dựng và triển khai 180 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả cho người dân. Điển hình như nuôi tôm quảng canh cải tiến, luân canh lúa - tôm, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, sản xuất lúa cấp xác nhận, cánh đồng lớn và nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt khác. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt hơn 26 triệu đồng/năm, tăng gần 2,5 lần so với thời điểm chưa triển khai xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,81%, đặc biệt huyện không còn hộ nghèo và cận nghèo trong diện gia đình chính sách.
Ông Nguyễn Văn Nhuận phấn khởi nói: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây ai cũng có cuộc sống khấm khá, nhà cửa xây dựng kiên cố, khang trang, các phương tiện phục vụ sinh hoạt đều có đủ”. Ông Nhuận cho biết thêm, nhờ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật và các mô hình sản xuất từ chương trình xây dựng NTM nên việc sản xuất của gia đình luôn gặp thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 300 triệu đồng từ trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua, trồng mía, nuôi cá sấu, cá bống tượng, cá chình.
Bà Phạm Thị Nam, ấp 9, xã Trí Lực, hớn hở: “Từ khi xây dựng NTM, cuộc sống người dân ở đây thoải mái lắm, điện, đường, trường, trạm đều có đủ, con em đi lại, học hành rất thuận tiện, rồi làm ăn mua bán cũng dễ dàng”.
Hướng tới huyện NTM
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống kinh tế của người dân ngày càng phát triển là điều kiện thuận lợi để Thới Bình đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Qua năm năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, 11 xã trong huyện đạt bình quân 14,45 tiêu chí/xã, trong đó Trí Lực và Trí Phải đã được công nhận xã NTM vào tháng 9/2015. Để có được kết quả này, năm năm qua, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư trên 2.311 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp khoảng 785 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết: "Thới Bình được tỉnh chọn làm huyện điểm xây dựng NTM giai đoạn từ nay đến năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu, huyện chỉ đạo rà soát lại tất cả các tiêu chí để xây dựng lộ trình thực hiện, những tiêu chí dễ, không cần sự đầu tư của Nhà nước sẽ tập trung thực hiện trước. Huyện cũng đã chọn ba xã là Biển Bạch Đông, Tân Lộc và Tân Lộc Bắc để tổ chức đợt cao điểm ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng hàng rào cây xanh, phòng, chống sạt lở ven các tuyến sông, kinh, rạch và ban gạt lộ đất đen. Đây cũng là ba xã được huyện chọn làm điểm xây dựng hoàn thành các tiêu chí NTM trong năm 2016. Đối với các tiêu chí cần có sự đầu tư của Nhà nước, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và đăng ký với tỉnh phân kỳ thực hiện theo từng năm".
Kết quả đạt được sau năm năm xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, mức hưởng thụ về vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Từ đó làm cho người dân ngày càng tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quê hương. Đây là nền tảng vững chắc để Thới Bình xây dựng thành công huyện điểm văn hoá - NTM của tỉnh Cà Mau vào năm 2019./.
Trí Thuận