Gần 30 năm qua, kể từ khi người cha thân yêu qua đời, ông Nguyễn Thanh Phong (Ba Phong), sinh năm 1951, ngụ Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, vẫn cất giữ cẩn thận những "báu vật" của gia đình. Ðó là những tấm huân chương quý giá do Ðảng, Nhà nước tặng thưởng cha ông - cụ Nguyễn Văn Lỳ, ghi nhận thành tích đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.
Câu chuyện về cụ Nguyễn Văn Lỳ được tái hiện, trong dịp tình cờ người viết được ghé nhà ông Nguyễn Thanh Phong, cùng ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp. Giải đáp những thắc mắc của ông Sử khi nhìn thấy nhiều huân chương treo cạnh bàn thờ, ông Ba Phong đem ra những quyết định khen thưởng huân chương, được cất cẩn thận trong tủ.
Từng tấm giấy nhuốm màu thời gian, nét chữ có chỗ phai mờ nhưng vẫn hiện rõ dấu bút ký do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng, vào các năm 1958, 1962, 1968.
Những thành tích đóng góp của Ðại uý, Bác sĩ Nguyễn Văn Lỳ là niềm tự hào của gia đình.
Ðầy tự hào khi nhắc nhớ, ông Ba Phong kể: “Cha tôi tên thật là Nguyễn Văn Lỳ, sinh năm 1926, quê gốc huyện Thới Bình. Gia đình có truyền thống cách mạng nên từ nhỏ cha tôi đã tham gia kháng chiến tại địa phương. Ðến năm 1954, ông là một trong số thanh niên tại Cà Mau tham gia chuyến tàu tập kết ra Bắc, đó là vinh dự của gia đình. Lúc bấy giờ, cha đã cưới má, có với nhau 2 đứa con và má còn đang mang bầu hơn 2 tháng. Theo lời kể của má, từ khi lên tàu ra Bắc, cha tôi không còn liên lạc, cũng không biết còn sống hay đã mất”.
Những tưởng từ sau cuộc chia tay tiễn ông Lỳ trong chuyến tàu năm ấy, gia đình không còn được gặp lại, nhưng đến khoảng năm 1971, nhận được tin ông Lỳ đã trở về, niềm vui vỡ oà khi gia đình biết được ông vẫn còn sống và đang hoạt động cách mạng trong căn cứ. Khoảnh khắc được gặp cha lần đầu tiên nửa mừng, nửa tủi, đến giờ ông Ba Phong vẫn còn nhớ như in.
Ông Nguyễn Thanh Phong cẩn thận gìn giữ thành tích của cha suốt mấy chục năm qua.
“Má kể, lúc cha đi, tôi mới tròn 2 tuổi. Lúc ông trở về, tôi đã 22 tuổi, đó là lần đầu tiên tôi biết mặt và gọi ông bằng cha. Tôi nhớ như in khi ấy má đưa tôi vào căn cứ bộ đội đóng quân ở Cái Sắn, nhưng đi rất gấp và bí mật. Cuộc gặp gỡ không đầy 1 tiếng đồng hồ nhưng tôi biết cha tôi làm bác sĩ và phục vụ chữa trị cho bộ đội”, ông Ba Phong xúc động kể.
Sau khi trở về địa phương, Bác sĩ Nguyễn Văn Lỳ lúc ấy tiếp tục tham gia công tác trong bệnh xá tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, là Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 121 Cần Thơ với quân hàm Ðại uý; năm 1987 nghỉ hưu và sau đó mất tại quê nhà.
Với nhiều thành tích đóng góp trong quá trình hoạt động cách mạng, năm 1958, với cấp bậc Tiểu đội trưởng, ông Nguyễn Văn Lỳ được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trao tặng Huân chương Chiến thắng hạng Ba; từ năm 1962-1968, vinh dự 3 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trao thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Nhất, Nhì, Ba) vì đã có thành tích phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam... Ðây là một vài trong số rất nhiều phần thưởng cao quý mà cụ Nguyễn Văn Lỳ được Ðảng, Nhà nước trao tặng, vì những cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các quyết định thưởng huân, huy chương bản gốc được trao lại cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau lưu giữ.
Ðược nghe chia sẻ về cuộc đời hoạt động cách mạng, thành tích của cụ Lỳ, ông Phạm Quốc Sử ngỏ ý với gia đình nên trao tặng những huân, huy chương này lại cho Bảo tàng để trưng bày, bảo quản, nhằm lưu giữ hiện vật quý, có giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau.
"Khi nghe ông Sử giải thích rằng thành tích được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại tướng Võ Nguyễn Giáp trao tặng là hết sức cao quý, nên gia đình tôi đồng thuận trao tặng Bảo tàng tỉnh Cà Mau lưu giữ. Tuy trao tặng hơi trễ, nhưng đối với gia đình, đó là niềm tự hào, vinh dự khi những chiến công, thành tích của cha tôi được tiếp tục lưu truyền, bảo quản. Tôi mong muốn những thành tích, cống hiến của cha tôi trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc được con cháu đời sau biết đến, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau”, ông Ba Phong chia sẻ.
Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Chúng tôi hết sức tự hào, vinh dự khi quê hương Thới Bình có những người con ưu tú, đóng góp nhiều thành tích cao quý trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Ðặc biệt là trường hợp cụ Nguyễn Văn Lỳ, những tấm huân chương ghi nhận chiến công được trao tặng Bảo tàng tỉnh trưng bày, lưu giữ, là tự hào không chỉ riêng gia đình, mà còn là vinh dự chung của huyện. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ cha ông, chúng tôi quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội cũng như giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương. Chúng tôi sẽ chăm lo hơn nữa đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, để vẹn tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"".
Hằng My