Khi những cánh đồng lúa chín vàng rực tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được thu hoạch xong cũng là lúc nông dân đưa màu xuống ruộng, những dây bí, bầu xanh mướt. Thời tiết cuối năm khá thuận lợi nên nhiều nông dân tranh thủ xuống giống sớm, hạn chế tình trạng thiếu nước tưới.
Thời điểm này, khi đến Ấp 4, Ấp 5, xã Trần Hợi, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh đồng lúa chín vàng và nông dân bắt đầu thu hoạch. Lo lắng tình trạng thiếu nước phục vụ tưới tiêu nên nhiều hộ tranh thủ xuống giống sớm hơn mọi năm để chủ động nguồn nước cho vụ bí.
Cánh đồng bí của anh Trần Văn Bắc, Ấp 5, hiện đã bắt đầu ra nụ trái. Có kinh nghiệm trồng màu dưới ruộng hơn 7 năm qua, anh Bắc cho biết: “Mọi năm, thời điểm này tôi mới vun gốc bí, chờ đọt bí bò xuống ruộng. Nhưng năm nay sợ tình trạng thiếu nước sản xuất nên tôi đã thu hoạch lúa sớm hơn để chủ động đưa màu xuống ruộng. Hiện tại bí đã bắt đầu ra nụ”.
Năm nay, gia đình anh Bắc trồng hơn 9.600 gốc bí rợ giống Trang Nông 151, hiện tại đã có thương lái đặt cọc thu mua. Nhiều năm trồng giống bí này, anh Bắc cho biết, giống Trang Nông 151 phù hợp thổ nhưỡng nơi đây, khoảng 75 ngày là thu hoạch, năng suất trái đạt cao, chất lượng ngon nên được nhiều thương lái chuộng mua.
Gia đình anh Trần Văn Bắc xuống giống bí sớm để chủ động nguồn nước tưới.
"Năm trước, với 2 ha trồng bí, gia đình tôi thu hoạch hơn 42 tấn bí đạt tiêu chuẩn, chưa kể sản lượng trái không đạt. Khoảng tầm vừa bước qua Tết là thu hoạch. Thương lái đến tận vườn mua giá 10 ngàn đồng/kg, mỗi trái từ 6-8 kg", anh Bắc chia sẻ.
Với hơn 3 ha, gia đình ông Trần Ngọc Khám, Ấp 5, tận dụng 1 ha đưa màu xuống ruộng. Năm nay, ông Khám quyết định trồng khoảng 6 ngàn gốc bí với các giống bí hồ lô, Én Vàng, Trang Nông 151.
Ông Khám chia sẻ: “Sau khi trồng lúa 2 vụ, thời điểm này, nông dân nơi đây bắt đầu đưa màu xuống ruộng. Cuối năm chỉ trông chờ mỗi vụ bí xuống ruộng nên hầu hết nông dân nơi đây chủ động, tích cực chăm bón kỹ lưỡng vụ mùa. Vụ này, tôi trồng nhiều loại để thương lái dễ dàng thu mua, mình cũng đỡ thất thu”.
Kinh nghiệm gần 10 năm trồng bí nên ông Khám hiểu rõ đặc tính của từng giống bí. Ðối với ông, tuỳ loại sẽ cho sản lượng, chất lượng khác nhau nhưng chung quy lại, vụ hoa màu xuống ruộng năm nào cũng giúp nông dân có thu nhập cao nên gia đình tích cực chăm sóc. Theo tính toán của ông Khám, mỗi vụ đưa màu xuống ruộng, nông dân lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Ðể vụ mùa đạt năng suất như kỳ vọng, thời điểm này, ông Khám tích cực bón phân, tưới, chuẩn bị úp nụ, cắt chèo, chỉ chừa mỗi gốc một trái.
Ðưa màu xuống ruộng giúp gia đình ông Trần Ngọc Khám thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Trần Minh Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, thông tin: “Trồng lúa mỗi năm chỉ 2 vụ, mà có năm nông dân còn bị thương lái ép giá nên cũng gặp khó. Sau khi thu hoạch lúa, cánh đồng được trồng các loại hoa màu như: bí rợ, bí đao, bầu, mướp... Trong đó, nhờ vụ bí xuống ruộng mà năm nào bà con cũng có thu nhập cao. Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo nông dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ để chủ động nguồn nước tưới, tránh thất thu, để mỗi vụ màu xuống ruộng cho thu nhập cao”.
Ông Nguyễn Văn Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Vụ đưa màu xuống ruộng năm nay, toàn xã trồng 147 ha, khoảng gần 200 hộ trồng, chủ yếu ở Ấp 4 và Ấp 5. Thời điểm bước qua tháng 11 âm lịch, các nông hộ bắt đầu làm vụ này, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân. Giống bí rợ dễ trồng, ít công chăm sóc, nhưng sản lượng trái đạt cao nên người dân có lãi, rất phấn khởi"./.
Hằng My