“Phải chi con mẹ còn sống, hôm nay con sẽ cùng mẹ đón mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Và để hạnh phúc, tự hào cùng mẹ trong ngày được Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình cài lên ngực áo chiếc Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Khi ấy mẹ sung sướng lắm! Nhưng đó chỉ là trong tâm tưởng…”, giọng vẫn khoẻ, mặc dù nay mẹ đã 97 tuổi.
“Phải chi con mẹ còn sống, hôm nay con sẽ cùng mẹ đón mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Và để hạnh phúc, tự hào cùng mẹ trong ngày được Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình cài lên ngực áo chiếc Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Khi ấy mẹ sung sướng lắm! Nhưng đó chỉ là trong tâm tưởng…”, giọng vẫn khoẻ, mặc dù nay mẹ đã 97 tuổi.
Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phan Thị Nguyên sinh năm 1920, quê xã Phương Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, vào Ðảng năm 1947, hiện sinh hoạt tại Ðảng bộ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ðối với mẹ, ngày 24/8/2016 như một mốc son đáng nhớ trong cuộc đời.
Mẹ nói: "Ngày hôm nay được Ðảng tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng, được báo chí, truyền hình đến ghi lại khoảnh khắc này, tôi coi đây là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời mình, và chỉ theo Ðảng mới có được ngày này”.
Mẹ VNAH Phan Thị Nguyên. |
Xúc động nắm chặt tay Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình, mẹ bùi ngùi: “27 tuổi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng Cộng sản Việt Nam, mẹ luôn kiên định theo Ðảng, theo cách mạng, nguyện sống cùng Ðảng, chết không rời Ðảng. Hôm nay, được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng là vinh dự và là hạnh phúc của bản thân và của cả gia đình. Bác Hồ đã dặn: “Giành độc lập đã khó, giữ độc lập lại khó hơn nhiều”, mẹ mong rằng, thế hệ trẻ kế tục hãy luôn xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của cha anh, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Lời phát biểu ấy như khơi dậy niềm tin và thổi bùng ngọn lửa trong tim mỗi người khát vọng, quyết tâm chung sức đồng lòng để đất nước giàu mạnh hơn.
Dấu vết thời gian đã hằn sâu trên gương mặt mẹ Phan Thị Nguyên, nhưng tâm khảm vẫn đong đầy ký ức xưa, về những ngày gian khổ triền miên đến ngày được Ðảng soi đường theo cách mạng... Mẹ kể, năm 13 tuổi, quê Quảng Ngãi mẹ nghèo khổ, phải đi mót từng hạt lúa gần mé ruộng mà cũng bị ông chủ ruộng đánh, về nhà khóc sướt mướt: “Mẹ ơi, sao người ta có đất, mình không có. Con đi mót, người ta đánh con”. Mẹ Phan Thị Nguyên lấy khăn chấm chấm khoé mắt, thuật lời mẹ mình: “Ráng đi con, chừng nào gặp được Nguyễn Ái Quốc, mình sẽ có đất”. “Lúc đó, mẹ có biết ông Nguyễn Ái Quốc là ai đâu?”, mẹ bật cười.
Ðợi tới năm 17 tuổi, mẹ vẫn không gặp được ông Nguyễn Ái Quốc, năm nào mẹ cũng cực khổ mót lúa, cũng bị người ta đánh. Cho tới khi, người bạn cũ hay tin cha của mẹ mất đến thăm, cuộc đời mới rẽ sang hướng khác. “Ổng nói gia đình mẹ con đông, ổng xin bớt một đứa về nuôi, tới 20 tuổi, ổng trả mẹ về. Ổng ở tận Cà Mau này. Mẹ nghe ổng nói vậy, mới hỏi: “Ði với chú có gặp ông Nguyễn Ái Quốc không?”. Ổng gật đầu. Mẹ mới theo ổng về đây, đâu ngờ…”.
Về Cà Mau, ông chú ở chùa, còn mẹ đi ở đợ cho người ta. “1 năm có 9 đồng bạc”, mẹ Nguyên nhắc đi nhắc lại như lời oán trách sự gian ác của bà chủ năm đó. Mẹ hồi nhớ, năm đó, bà chủ có 90 công ruộng, mà gieo 7 công đám mạ, bà ta bắt mẹ gieo hết tháng nọ tới tháng kia. Có hôm khát nước quá, mẹ chạy về, hái trái dưa leo ăn cho đỡ khát, bị bà chủ túm cổ, nắm đầu, véo mặt. Mẹ Nguyên vừa kể, vừa ra bộ y như ngày mình bị đánh. Ấm ức, mẹ Nguyên cắn bà chủ đau điếng, chạy tuốt vô buồng, ôm 2 bộ đồ về hẳn nhà ông chú, khi đó ổng vừa xuất tu từ chùa về.
20 tuổi, ông chú đòi gả mẹ cho ông Nguyễn Văn Gốc (chồng hiện thời). Mẹ không chịu, trách ông chú thất hứa, nói cho mẹ vô đây ăn học, 20 tuổi trả về quê, mà nay đòi gả mẹ cho một ông đã goá vợ. “Ðừng có ngu, thằng Gốc là người quê hương (Quảng Ngãi), gả mầy cho nó, “đất cũ nảy người mới”, ráng làm ăn có của đặng cùng về trên đó. Chớ giờ bọn Nhật qua rồi, giấy tờ Pháp cấp. Mầy 20 tuổi không có giấy làm sao chú đưa về trển được”, ổng nói vậy, mẹ Nguyên mới ưng, vì muốn ông chồng dẫn về quê.
“Rồi hồi đó mẹ có biết chồng là cán bộ không?”. Mẹ cười, “Biết đâu. Nhà có cái bàn thờ ông Thiên, người ta nhét giấy dưới lư hương, mẹ thấy ổng lén đọc. Mẹ dốt, mà nói ổng đọc thơ người yêu gửi, biểu ổng đưa mẹ nhờ người đọc. Ổng la cho một trận, biểu đọc để chết hả”.
Ðưa mắt nhìn di ảnh chồng và con trai mờ ẩn sau làn khói hương, mẹ khóc: “Duyên nợ. Mẹ theo ổng làm cách mạng, còn con trai ổng anh dũng hy sinh. Hoà bình chưa bao lâu ổng lâm bệnh từ trần, còn mỗi mình theo Ðảng, sinh hoạt tới giờ”.
Hoá ra, người con trai duy nhất là liệt sĩ hy sinh mà mẹ luôn miệng nhắc nhớ, yêu thương không phải là con ruột của mẹ, mà là đứa con của ông Gốc với bà vợ trước. Mẹ Nguyên trần tình, ở với ông Gốc ít lâu, bà mang thai 2,5 tháng. Trong lần đánh trận Tân Hưng (huyện Cái Nước), mẹ cùng chị em đưa bộ đội qua sông, rồi nấu xôi, nấu cơm tiếp tế. Khi ấy, mẹ nghĩ mình mạnh, không cử kiêng, mẹ với đồng đội Năm Niềm kéo chiếc xuồng chở nặng qua bờ mẫu, về mới hay bị sảy thai.
Chẳng màng sức khoẻ, mẹ nén đau, nuốt đắng tiếp tục nhiệm vụ, hơn 10 ngày sau đi khám mới biết bị nhiễm trùng dạ con. Chạm tay sờ vết sẹo còn hằn dưới bụng, mẹ Nguyên bùi ngùi: “Nuôi con chồng, lo cho chồng, đi làm cách mạng, mẹ chóng nguôi ngoai chuyện mất giọt máu 2,5 tháng. Biết mình không thể lo đặng, năm 1958, mẹ quyết định mổ cắt dạ con. Dồn sức cho trọng sự. Ðau lắm, nhưng không cách nào hơn. Rồi từ cán sự phụ nữ, mẹ làm uỷ viên ban chấp hành phụ nữ, hội trưởng phụ nữ xã, lên cán bộ phụ nữ huyện mới về hưu”.
Tuy dòng hồi ức được mẹ nhắc nhớ không trình tự, nhưng với những mốc ghi dấu cuộc đời, mẹ nhớ như in từng ngày, từng tháng. Nhớ ngày vào Ðảng là ngày 12/7/1947, ngày chính thức là 18/12/1947. Mẹ nhớ cả lời tuyên thệ trong lễ kết nạp đảng viên mới. Từ đó mẹ khắc sâu trong tâm khảm, nguyện theo Ðảng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
“Hồi đó được vào Ðảng rất tự hào, nhưng cực lắm. Phải giữ bí mật, mẹ là đảng viên chỉ mỗi ông chồng mẹ biết. Vì trách nhiệm của người đảng viên luôn gắn liền với vận mệnh của Ðảng, của đất nước, của dân tộc. Tính hết thời đó, ở Ấp 19/5 này, rồi ở Rạch Bào, Ðường Ranh, Kênh Hội, hai vợ chồng phát triển Ðảng cho 18 đồng chí. Sau này di tản hết, chứ ở đây tụi địch bắt chiêu hồi”, mẹ Nguyên nói giọng tự hào. Mẹ còn quả quyết, kỷ luật Ðảng làm người cách mạng trong sạch, không suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Nhờ Ðảng rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục, để mẹ trở thành cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Mẹ kể như một minh chứng cho lời quả quyết khi nãy. Ðó là lần mẹ bị giặc bắt bỏ tù 7 ngày, nhưng không để lộ là cán bộ, dù phải chịu nhiều cực khổ, gian truân. Hôm đó mẹ đi chà gạo với Mười Ðèo (17 tuổi), tính là hợp pháp nên mẹ đi khuya lắm, mà buồn ngủ quá nên leo lên chiếc xe rùa ngủ vùi. Bị lính phát hiện, lấy thẻ căn cước đòi dẫn mẹ với Mười Ðèo đi, nhưng biết nhỏ Mười còn nhỏ dạ, nên xin ông chủ nhà máy xin hai người lại, sáng mới dẫn giao nộp. Tối đó, mẹ thức trắng làm công tác tư tưởng cho Mười Ðèo, chỉ được khai là đi giữ trâu, giữ em cho người ta và đi học, còn khai mẹ đi cày, đi gặt mướn. Chúng giam mẹ và Mười Ðèo mỗi người trong buồng giam chừng một thước vuông.
Cực hình cách mấy mẹ cũng kiên định. Tới lúc được thả, trả giấy tờ, mấy bà ở ngõ bốt địch chắp tay vái dài: “Bà hên đó, chớ ở bốt này phải bị nhốt ít gì cũng 7 tháng tới cả năm”. Mẹ gắng gượng, đi bộ từ Cà Mau về tới xã Lợi An.
Chồng là cán bộ tiền khởi nghĩa, có con trai độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bản thân mẹ Phan Thị Nguyên tham gia hoạt động cách mạng, là thương binh 4/4. Năm 1995, mẹ vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Nghĩ về thời khắc ấy, mẹ nhớ chồng, nhớ con đến quặn lòng.
“Mang tiếng mẹ ghẻ con chồng, chớ mẹ rất thương nó. Nó cũng thương mẹ lắm. Có bữa mẹ đi cấy về nằm võng, nó rón rén đi ngang sợ mẹ giật mình. Mẹ khẽ cựa mình, nó nắm tay mẹ mếu máo: “Làm gì mà tay chay hết vậy trời. Mẹ có thiếu gì con cung cấp cho, chớ làm chi mà để vầy”. Mẹ cũng khóc theo nó. Nó làm công an, có bữa nó than ngủ ngoài sậy canh bọn ác ôn mà vắt cắn cả vốc. Mẹ đưa nó cái áo dù lớn (loại dùng nhảy dù) mà hôm đi đấu tranh ở đồn Ðầm Dơi được mấy anh tặng, để nó cặm cây giăng ngủ. Dè đâu nó ngủ được có 2 đêm… nó hy sinh”, mẹ nghẹn giọng, lấy khăn lau dòng nước mắt, khóc nấc./.
Mẹ VNAH Phan Thị Nguyên tên thật là Phan Thị Ưu. Gia đình mẹ được Chủ tịch nước tặng Bảng Gia đình vẻ vang chống Mỹ cứu nước; mẹ và chồng đều được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bản thân mẹ được tặng Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Kỷ niệm chương Cựu chiến binh Việt Nam. Ðược UBND tỉnh Cà Mau công nhận là gia đình cách mạng gương mẫu… Mẹ Phan Thị Nguyên bộc bạch, những danh hiệu, bằng khen, chứng nhận được treo trang trọng trong nhà là tài sản quý báu của gia đình, mẹ dành cả cuộc đời mình mới có được. |
Ký của Băng Thanh