ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:55:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa hè năm ấy

Báo Cà Mau (CMO) Tôi là trai đồng bằng sông Cửu Long, duyên may được về Thủ đô Hà Nội học đại học. Có mấy chuyện làm tôi nhớ mãi.

Ðó là đêm trước khi tôi đi, má tôi gọi ra căn dặn đủ thứ. Má nói, tiền bạc phải giữ gìn cẩn thận, đường sá xa xôi. Má kêu tôi chỉ để một ít ở ngoài thôi, còn lại thì mặc cái quần cụt có túi ở trong, nhét tiền vô đó, kẻo người ta móc hết. Nói tới đó, má ngồi khóc rưng rức. Ba tôi, cậu Bảy và người anh đưa tôi đi, ngược đường thiên lý Nam - Bắc trên chuyến xe lửa thống nhất. Ðến ga Ðà Nẵng, xe lửa dừng lại, ba tôi tranh thủ xuống tắm. Tánh ba chậm rãi, thế nên còi tàu hú rền rời bến, bánh xe lửa xì xụp lăn, mà ba còn chưa lên tàu. Ông anh tôi vội nhảy xuống tìm ba. Lát sau, từ phía toa xe dưới, ba tôi mặc quần cụt màu xanh, cổ vắt cái khăn rằn Nam Bộ, tóc còn nổi bọt xà bông, gương mặt hớt hãi đi tới, ông anh theo sau mắm môi mắm lợi để không phá lên cười.

Ðời sinh viên của tôi bắt đầu vào mùa thu dìu dịu của Hà Thành. Cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng hay. Tuổi trẻ có khả năng thích nghi và hoà nhập nhanh. Tôi được sống trong tình cảm thầy cô, bè bạn trên đất Bắc. Phải nói rằng, các bạn học của tôi ở miền Trung, miền Bắc rất hiếu học và học rất giỏi. Ở môi trường này, tôi học hỏi thêm được rất nhiều, cũng tự thấy bản thân còn nhiều hạn chế và luôn cố gắng. Tôi cũng tích cực tham gia vào các hoạt động Ðoàn, Hội ở khoa Văn. Các thầy tôi nói, trai khoa Văn sau này rớt giá, thời trước mà mang cái danh này thì mặt vênh vút lên trời. Thế là tự ái, phải vớt vát lại chút danh dự cho trai văn khoa.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Hết năm thứ nhất, Liên chi đoàn khoa Văn tổ chức đợt mùa hè tình nguyện vùng Hoà Bình, tôi hăng hái đăng ký. Cái khoa ít con trai, lực lượng các bạn nữ thì vô cùng hùng hậu. Vùng rừng núi Hoà Bình chúng tôi về chủ yếu là nơi đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện phải nói là rất khó khăn. Cũng chuyến đi ấy, có quá nhiều kỷ niệm, mà sau này, mỗi khi hè tới, lòng tôi lại chộn rộn, nhớ nhung tha thiết. Tôi và các bạn của tôi, mỗi người từ những vùng quê khác nhau, thế nhưng đã có chung một thời thanh xuân rực rỡ, nồng nàn.

Công việc đầu tiên của chúng tôi là bố trí chỗ ăn ở cho lực lượng gần 30 nam thanh, nữ tú văn khoa (số lượng con trai chưa đầy chục). Sau khi bàn bạc với vị trưởng bản, chúng tôi tận dụng một lán bỏ trống của công trình làm đường đã dời đi, căng lều, trải bạt, kê ván để có chỗ ngủ cho cả đội. Công việc quan trọng tiếp theo là xây tạm 2 khu vệ sinh, đặc biệt là nơi dành cho các bạn nữ. Trước khi đi, nhà trường đã căn dặn kỹ: “Ði tình nguyện là giúp đỡ cho bà con vùng cao khó khăn. Cái quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên, không để xảy ra bất cứ vấn đề nào. Nếu có gì, từng người phải chịu trách nhiệm”. May mắn là trong đoàn đa phần các anh khoá trên, có kinh nghiệm mấy mùa tình nguyện, rất chững chạc, nên tôi cũng yên tâm.

Bữa cơm đầu tiên ở Hoà Bình, cả bản tập trung lại để chiêu đãi đoàn thanh niên tình nguyện. Rượu đầy vơi, lửa bập bùng cháy gần thâu đêm. Thứ rượu ngô uống ngòn ngọt, tưởng không say mà say không tưởng. Thế là nhiều thành viên đoàn lúc mới đi hăng hái, lúc về phải khiêng. Quãng đường từ chỗ nhà trưởng bản về lán trại chỉ tầm một cây số đường sườn dốc thoai thoải, chúng tôi đi thành cụm, vậy mà gặp một sự cố điếng hồn. Ấy là một nhóm các anh thanh niên từ đâu chặn ngang đường, quả quyết và nhiệt tình đòi cùng chúng tôi khiêng tiếp một số bạn nữ say mèm về lán.

Anh Khôi, trưởng đoàn, trên tôi 3 khoá, đứng ra nói chuyện với nhóm trai bản. Nói chung, các chàng trai ấy cứ nhùng nhằng nhưng cũng không đến nỗi manh động. Chưa biết thế nào, thì thật thần kỳ, các bạn nữ đang say mềm bỗng tỉnh như sáo, bước lên phía trước và nở nụ cười tươi rói. Các anh trai làng tiu nghỉu, lảng qua một bên. Các bạn nữ đi trước nhảy chân sáo như vui lắm, nhóm con trai đi sau khoá hậu, ngực đập bập bùng. Khi đi được một đoạn, các bạn nữ chẳng biết làm sao phát lên cắm đầu chạy thục mạng. Ðám con trai chúng tôi cứ thế cũng thục mạng chạy theo. Về tới lán còn tim đập, chân run. Mấy bạn nữ không dám ngủ đành qua lán chúng tôi, đốt lửa, nhìn nhau đọc thơ Kiều mà mặt mày xanh lét, mắt dáo dát chung quanh.

Ðoàn tình nguyện nhờ điểm trường bản để dạy các em học chữ. Các bạn nữ chu đáo mang bánh kẹo, quần áo, giày dép để phát cho các em. Mặc trên mình màu áo xanh thiêng liêng, lần đầu tiên tôi được các bé kêu bằng thầy, lòng sung sướng rộn ràng, nhưng mặt phải nghiêm. Dạy cũng vui, nhưng không vui bằng lâu lâu, có những bạn gái bản liêng liếc nhìn mình rồi buông một nụ cười toả xanh rừng núi. À thì ra, con gái vùng cao lại duyên đến vậy. Trong đội có anh Tuyển, tính rất hoạt bát. Anh kề tai tôi nói nhỏ: “Chú mày thích, chiều nay đi với anh”.

Tôi làm sao cưỡng lại được. Anh Tuyển dẫn tôi đi ra phía suối vào buổi chiều tà. Hai thằng len lén và chọn một chỗ khá xa, nhìn về suối. Thì ra là các bà, các chị, các thiếu nữ ở bản đang tắm suối. Những mái tóc dài bồng bềnh trôi theo dòng nước. Tà dương vàng rọi, ẩn nấp dưới dòng nước suối trong vắt, róc rách chảy là những tiếng cười giòn tan, những cánh tay trần trắng muốt. Tôi đổ quạu, “ông anh bậy quá”. Anh Tuyển nhe răng cười, “chú mày không chịu xem thì thôi, nổi nóng gì. Trên này, phụ nữ tắm suối toàn như thế”. Tôi quay đầu về thẳng, nhưng trong đầu cứ miên man cảnh đẹp mê hồn ấy.

Tới lán, thấy chị Thu, phó đoàn, lo lắng nói nhỏ với anh Khôi. Nhìn mặt anh Khôi rất căng. Chưa hiểu chuyện gì thì anh Khôi thông báo: “Cánh con trai tập hợp ra cõng bạn Hằng ở dưới hố lên”. Hố gì, sao phải cõng? Thì ra, bạn Hằng trong lúc đi vệ sinh, trụ cầu tạm gãy, nên lọt xuống dưới ấy. Thiệt là cắc cớ. Chúng tôi định lao ra thì anh Khôi cản lại: “Khoan, tụi mày lấy khăn khiếc bịt hết mắt mũi lại cho anh”. Vậy là các chị em vây quanh, cử tôi và một bạn khác bịt mắt cõng bạn Hằng lên. Hằng bị trật chân, đã cố trườn lên được một đoạn, đau quá vừa nằm vừa ngồi khóc bù lu bù loa. Lúc đó, chẳng còn mùi vị gì cả, cứ thế mà quặp bạn ấy, hai thằng vừa khiêng, vừa kéo. Rồi cũng ổn. Nhưng sau đó, về lại Hà Nội, cả học kỳ sau, Hằng cứ thấy tôi là bẽn lẽn tránh mặt.

Dạo đó, có mấy anh lớn trong đoàn đã có điện thoại di động “cùi bắp”. Ði tình nguyện thì công sản hết, chúng tôi dùng điện thoại các anh để liên lạc với gia đình. Ngặt nỗi, trên Hoà Bình sóng rất yếu, muốn điện thoại phải leo lên đồi, ngồi ở ngọn cây cao nhất. Tới lượt tôi, cuộc điện thoại về Cà Mau diễn ra suôn sẻ. Tôi vui vẻ về lán để chuẩn bị đêm văn nghệ giao lưu cùng xã đoàn bạn. Tôi hát dở, nhưng là dân miền Nam, được vinh dự giới thiệu hát khai mạc một bài vọng cổ. Nhà sàn, hát phải ngồi. Tôi rất hào hứng, cố gắng khoe hết khả năng thanh nhạc vốn rất hạn chế của mình. Thì đâu, phía đối diện, một bạn đoàn viên nữ của bản cứ chằm chằm nhìn tôi, gương mặt hết sức biểu cảm, nhất là cái miệng cứ cười múm mím. Thế là tôi càng cao hứng. Lúc đó, anh Khôi sang phía đối diện mời rượu. Ðột nhiên, mặt anh trở nên hốt hoảng nhìn tôi, ngón tay cứ chỉ trỏ phía dưới. Ráng hết bài, phía bạn vỗ tay rần rần, cười ngặt nghẽo. Tôi đứng lên, ra phía ngoài, anh Khôi lao theo: “Lạy cha, cái đáy quần tan hoang thế kia mà hát vọng cổ như lên đồng”. Tôi lấy tay kiểm tra, miệng mếu xệch: “Hồi chiều leo đọt cây nghe điện thoại”. Văn nghệ, văn gừng gì nữa, tôi lủi thủi về lán nằm chèo queo. Quê thiệt!...

Thời gian qua thật nhanh. Ðã là tháng Ba của năm cuối. Ký túc xá Mễ Trì nở bung trắng những cánh hoa sưa li ti, chỉ hai, ba ngày là tàn. Tháng Ba, hoa gạo nở đỏ khắp đất Bắc. Và khi cánh hoa gạo cuối cùng rơi, thì mùa xuân cũng khép lại, trời đất vào hè. Hằng hẹn gặp tôi. Một quyển sách màu xanh. Một cánh thư màu xanh. Hằng nói, khi nào tôi về Nam hãy đọc. Nhưng tôi cứ đọc. Trong thư là những lời chúc thật tốt đẹp cho tương lai. Cuối thư là dòng chữ: “Cảm ơn cậu! Tớ nhớ mãi mùa hè tình nguyện ở Hoà Bình”.

Bây giờ cũng là tháng Ba, Hằng ạ. Hoa sưa đã rơi, hoa gạo đã tàn. Hè lại về rồi nhỉ. Thanh xuân của chúng ta, một quãng đời thật đẹp đã ở đó.

Mãi mãi trong tim./.

 

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương