Bánh phu thê (hay còn gọi là bánh xu xê) là món ăn tượng trưng cho tình cảm vợ chồng thuỷ chung, son sắt, một lòng một dạ gìn giữ tình yêu bền chặt. Ðây cũng là một trong những loại bánh cổ truyền của người Việt Nam qua bao đời nay.
- Bánh lá rau mơ món ăn dân dã miền quê!
- Thơm ngon, bắt mắt những chiếc bánh dân gian
- “Xóm bánh ú” giữ lửa nghề
- Bắt mắt bánh tằm khoai mì
Theo tương truyền, bánh phu thê ra đời từ thời Lý, khi Vua Lý Thánh Tông xuất binh chinh phạt giặc ngoại xâm, hoàng hậu ở nhà đã làm món bánh này gửi ra trận. Vua ăn thấy ngon nên đặt tên là bánh phu thê, để gợi nhớ đến tình cảm vợ chồng. Từ đó, bánh phu thê được lưu truyền, trở thành chiếc bánh tượng trưng cho niềm hạnh phúc vuông tròn và thường xuất hiện trong các dịp lễ ăn hỏi, hoặc làm món quà biếu tặng, dâng cúng ông bà vào dịp mùng 1, rằm...
Tuỳ theo sở thích, yêu cầu, người làm bánh phu thê có thể kết hợp tạo nhiều màu sắc bắt mắt.
Hội viên phụ nữ Phường 1, TP Cà Mau làm bánh phu thê tham gia lễ hội bánh dân gian.
Nguyên liệu chính để làm bánh phu thê là bột gạo, bột năng, đậu xanh, dừa sợi, gia vị và màu từ rau củ để tạo màu cho vỏ bánh. Một chiếc bánh phu thê truyền thống sẽ được gói bằng hai thứ lá, bên trong là lá chuối và bên ngoài lá dừa, sau đó đem đi hấp chín. Ðối với bánh phu thê làm lễ vật trong ngày cưới, bánh sẽ đổ vô khuôn vuông hoặc tròn nhỏ, hấp chín để nguội, bọc giấy thực phẩm rồi cho vô hộp nhỏ có hình cặp đôi cô dâu chú rể, hoặc trái tim rất xinh xắn...
Ngày nay, bánh phu thê vẫn được một số gia đình chọn làm sính lễ trong quả cưới, với mong muốn khi nên duyên, các cặp đôi sẽ có được niềm hạnh phúc trọn vẹn, bền chặt.
Bánh phu thê (hộp vuông màu xanh có hình cô dâu chú rể), một trong những sính lễ quan trọng và có ý nghĩa trong mâm quả cưới.
Lễ cưới truyền thống gia đình Việt. (Ảnh chụp trong một gia đình tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi)
Loan Phương thực hiện