(CMO) Dù nắng hay mưa, những chuyến đò ngang sông Gành Hào, kinh Rạch Rập vẫn cứ xuôi mái chèo đưa rước khách. Hình ảnh ấy đã quá đỗi quen thuộc với người dân TP. Cà Mau. Chắc có lẽ đó cũng là những con đò chèo cuối cùng mưu sinh trên sông nước Cà Mau.
Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt nhăn nheo, sạm đen vì nắng, vậy mà tay bà vẫn thoăn thoắt nhịp chèo. Bà Nguyễn Thị Yến (Sáu Đò) ở Phường 8, TP. Cà Mau, kể: “Quê tôi ở Cái Nước. 15 tuổi tôi đã biết chèo xuồng. Rồi lớn lên theo chồng về đây, từ năm 1975, tôi bắt đầu kiếm sống bằng nghề chèo đò".
"Hồi trước, đường sá khó khăn, người dân đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng nên nhiều người làm nghề này lắm. Giờ xe cộ đông đúc vậy là đò ế ẩm, người ta bỏ nghề hết rồi...”, bà Sáu Đò bỏ lửng câu nói.
Nặng nghiệp mưu sinh
Khách qua sông đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc xuồng chèo. |
Hơn 40 năm gắn bó với nghề chèo đò, ở cái tuổi 74 nhưng bà Sáu Đò vẫn không muốn nghỉ ngơi, hằng ngày cứ xuôi mái chèo trên sông để đưa rước khách. Bà Sáu phân trần: “Chèo đò từ hồi còn trẻ nên đâu phải muốn nghỉ là nghỉ được. Thấy đường sá, xe cộ tấp nập tính bỏ nghề chớ, nhưng người ta còn đi thì mình còn chèo. Có lúc cực muốn bỏ nghề nhưng nghĩ, lỡ chèo thì chèo cho hết đời vậy”.
Khi được hỏi sao bà không chọn chạy đò bằng máy mà lại chèo, bà Sáu Đò tỉnh bơ: “Làm gì có tiền mà mua nổi cái máy. Cứ lấy sức làm lời, lấy đôi chèo làm vốn, thế là sống thôi”.
Người dân nơi bến đò đá đậu (Phường 2, TP. Cà Mau) đã quen với hình ảnh bà Sáu Đò cùng chiếc xuồng chèo. Được xem là “tay chèo kỳ cựu” ở đây, cứ tầm 6 giờ sáng là bà có mặt để đón khách. Người thì qua sông, khi thì chở hàng, ai kêu đi đâu thì bà chở đến đó.
Niềm vui đơn giản của bà là cầu mong cho đắt khách qua sông. Mỗi chuyến khách trả từ 2.000 đồng trở lên, tuỳ theo quãng đường xa hay gần mà bà chở đi. Hôm nào “trúng mánh” thì cũng được hơn 60.000 đồng.
Dù đã 74 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Yến vẫn gắng bó với nghề chèo đò.
Bà Sáu Đò phân trần: “Nghề này cực lắm chớ, lúc nắng thì đỡ chớ gặp mưa thì coi như ế. Giờ già cả đâu biết làm gì nên thôi cứ gắn bó với chiếc xuồng chèo được lúc nào hay lúc đó. Có khi bệnh nghỉ ở nhà cũng buồn, nên hễ bớt bớt thì đi chèo cho có đồng ra đồng vô”.
Chòng chành xuôi ngược trên sông nước mấy mươi năm, ở cái tuổi hơn nửa đời người trải qua biết bao nhiêu khổ cực, nắng mưa nhưng bà Sáu Đò vẫn vững tay chèo nuôi sống gia đình. Bà có 3 người con nhưng không may 2 người bị tật nguyền. Cuộc sống càng chật vật khi chồng bà mất cách đây 27 năm, tất cả gánh nặng đều trút trên đôi vai của bà.
Bà Sáu Đò trải lòng: “Chồng mất, một mình tôi nuôi con khôn lớn. Nhờ có chiếc xuồng chèo mà tôi mới có thể trụ vững đến hôm nay. Dù nay có lớn tuổi, tôi cũng không thể bỏ nghề này được”.
Không riêng bà Sáu Đò kiếm sống bằng nghề chèo đò mà nhiều người phụ nữ ở đây vẫn muốn bám trụ với nó, bởi chỉ đơn giản “nghỉ chèo thì sống bằng gì”. Thế là dù chiếc xuồng có “quá tuổi” hay đôi tay chèo có cằn cỗi thì những nhịp chèo mưu sinh vẫn cứ hằng ngày xuôi ngược trên khúc sông này.
Họ luôn quý trọng nhau bởi cái tình “đồng nghiệp”. Bà Nguyễn Thị Liên, 72 tuổi, ở Phường 8, TP. Cà Mau, tâm sự: “Chị em tui chèo ở đây mấy chục năm qua. Không bà con ruột rà nhưng chúng tôi thương nhau bằng tình nghĩa, hơn nữa ai cũng nghèo. Cuộc sống khó khăn thì bám víu vào nghề chèo mà sống, chứ giờ già cả lên bờ làm việc khác thì ai mà mướn”.
Những chuyến đò không mỏi
“Đò ơi.....” là tiếng gọi quen thuộc khi hễ ai muốn qua sông và tiếng gọi ấy đã gắn bó cả một thời đối với người dân miệt sông nước này. Những chiếc xuồng chèo cứ xuôi ngược trên khúc sông này theo thời gian, chứng kiến nhiều sự đổi thay của phố thị.
Ước mơ bình dị, rất đỗi đời thường của những “tay chèo” ở đây là mong muốn có được cuộc sống ổn định, có sức khoẻ để tiếp tục gắn bó với nghề. Làm lụng vất vả, chèo đò mấy mươi năm chỉ mong sao gia đình có được căn nhà tươm tất.
Những chiếc đò chèo đã dần vắng bóng và người đi đò cũng thưa thớt theo thời gian.
Với kinh nghiệm chèo đò hơn 30 năm qua, bà Ngô Thị Hiền, 53 tuổi, ở kinh Rạch Rập, Phường 8, bộc bạch: “Mấy chục năm chèo đò qua sông, quãng thời gian dài kiếm sống bằng nghề này, ngẫm lại cũng quá dài. Cuộc sống ai mà không mong có được công việc tốt, nhưng lỡ gắn với nghiệp chèo thì cũng cố gắng thôi. Chỉ mong sao có được căn nhà ổn định, chứ ở nhà thuê mướn hoài khổ lắm. Con cái nó cũng nghèo như mình thì làm sao phụ giúp được”.
Mỗi ngày qua sông 2 lần, chị Lê Bảo Ngọc ở kinh Rạch Rập, Phường 8, TP. Cà Mau, chia sẻ: “Công việc chèo đò thấy vậy chứ không phải ai cũng chèo được. Phải nhanh tay, khéo léo thì xuồng mới không bị chao đảo khi gặp sóng lớn. Cực nhất là khi trời mưa, cứ tát nước liên tục vì sợ chiếc đò chìm vì nó cũng già cỗi lắm rồi!”.
Vì mưu sinh mà người chèo đò cứ “rắn rỏi” theo thời gian, bởi những lo toan trong cuộc sống và cả những ước mơ cho tương lai. Mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ là những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, vì gia đình mà gồng gánh.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, chị Lâm Ngọc Hoa, ở Khóm 4, Phường 8, TP. Cà Mau, chỉ về hướng chiếc đò, rồi nói: “Chỉ mong sao chiếc đò đừng hư hỏng gì là tôi mừng rồi. Gãy tay chèo này thì chắp cây nối lại chèo tiếp, chừng nào làm hết nổi thì thôi vậy. Tụi nhỏ giờ có đứa nào biết chèo đâu, nghề này chắc thất truyền luôn”.
Thật như chị Lâm Ngọc Hoa nói, nghề này có lẽ đã trở thành "quý hiếm" trên miệt sông nước Cà Mau. Hằng ngày, giữa ồn ào xe cộ tấp nập, ở một góc nhỏ của thành phố, vẫn còn một "đội quân" chèo đò và họ đã tạo cho nghề những giá trị riêng theo thời gian./.
Hằng My
“Hiện tại còn 6 người chèo đò qua khúc sông này. Nghề tuy cực nhưng ai cũng không bỏ tay chèo. Thay vì đi đường vòng xa thì tôi chọn đi xuồng chèo, cũng tiện lợi, thoải mái. Nếu mấy cô mà nghỉ chèo thì chắc không còn thấy chiếc xuồng chèo nữa, vì có ai nối nghiệp đâu”, anh Trịnh Thành Tý, Phường 4, TP. Cà Mau, chia sẻ. |