Mặc dù phải chịu những thiệt thòi, khó khăn trong vận động, sinh hoạt và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp. Thế nhưng, với nghị lực và niềm tin, họ đã vươn lên với những việc làm ý nghĩa.
Mặc dù phải chịu những thiệt thòi, khó khăn trong vận động, sinh hoạt và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp. Thế nhưng, với nghị lực và niềm tin, họ đã vươn lên với những việc làm ý nghĩa.
Bà Trần Thế Nguyên, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, bị khuyết tật từ năm lên 3 tuổi. Vợ chồng bà hiện nay đều lớn tuổi, nhưng mỗi ngày vẫn đi trên 10 cây số để bán bánh mì. Mỗi ngày bán được 40-50 ổ bánh mì, lời được 25.000-30.000 đồng. Mặc dù đôi tay không được như những người khác nhưng bà vẫn cố gắng lao động, chăm chỉ làm ăn.
Bà Trần Thế Nguyên, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, cùng chồng đi bán bánh mì. |
Bên cạnh đó, với diện tích 3.000 m2 đất, 2 vợ chồng bà cải tạo, thả tôm, cua mỗi năm thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Bà nói: “Tôi là người khuyết tật, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Tự bản thân tôi với chồng đi bán bánh mì cố gắng vươn lên thoát nghèo, đến hôm nay đã thoát nghèo”.
Ông Lê Dũng Tiến, Phó Trưởng ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, nói: “Trước đây gia đình của cô Nguyên rất khó khăn nhưng cô không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự cố gắng làm ăn. Vợ chồng cô cùng nhau đi bán bánh mì để kiếm những đồng lời sống qua ngày, đến nay cuộc sống khá ổn định”.
Bà Phạm Thị Bông, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, chồng mất hơn 25 năm, bà một mình nuôi con, đi lại với đôi chân không được bình thường nhưng quyết vượt lên số phận. Mỗi tháng bà Bông kết được 30 cái thảm, cũng kiếm được trên 700.000 đồng. Bên cạnh đó, bà còn đi nấu đám thuê, mỗi tháng cũng được 4-5 đám, thu nhập gần 1 triệu đồng.
Ông Huỳnh Công Chuyển, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, nói: “Thời gian qua, địa phương rất quan tâm đối với người khuyết tật, tích cực vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ họ. Riêng trường hợp của cô Bông, chúng tôi vận động cất cho cô được căn nhà. Cô đã tích cực lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi có khoảng 1.900 người khuyết tật. Nhằm tạo điều kiện cho những người khuyết tật có điều kiện vươn lên, phát triển kinh tế, không mặc cảm với số phận, đầu năm 2015 đến nay, các cấp hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn huyện đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện được trên 2,6 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng 11 căn nhà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí trên 6.700 lượt người, tặng gần 29.000 quyển tập, tặng trên 4.200 suất quà, trên 23 tấn gạo…
Bà Lý Hồng Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi huyện Đầm Dơi, nói: “Thời gian tới, hội tiếp tục vận động nhà hảo tâm và các công ty doanh nghiệp, những người con quê hương hỗ trợ nhà, quà Tết, vốn cho những người khuyết tật gặp nhiều khó khăn để có vốn vươn lên”.
Dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất, những người khuyết tật trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã và đang từng ngày vượt lên khó khăn, mặc cảm. Họ thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của bản thân mình. Họ đã và đang vượt lên bệnh tật, vượt lên cảnh ngộ khó khăn để tạo lập hạnh phúc. Họ đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống này mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn./.
Bài và ảnh: Thành Quốc