(CMO) Cách đây hơn 10 năm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân bỗng dưng nổi tiếng sau bài báo với tựa đề “Về xã 5 không” đăng trên Báo Cà Mau. Sau đó, nhiều tờ báo của cả Trung ương, địa phương, ngành tiếp tục phản ánh những khó khăn, bất cập tại xã Tân Hải (huyện Phú Tân).
Và cũng từ thời điểm ấy, nơi đây có luôn một cái tục danh (dẫu chẳng ai mong muốn nhưng ai cũng biết) là "xã 5 không". Phía sau bài báo ấy là một câu chuyện rất dài mà chúng tôi may mắn có điều kiện tìm hiểu. Ở đó có những nhà báo sâu sát với thực tế, luôn trăn trở và dám lăn xả với nghề. Ở đó có hành trình của một vùng đất anh hùng đi qua đau thương, mất mát của chiến tranh để dựng xây cuộc sống mới.
Kỷ niệm về bài báo cũ
Gợi nhớ về bài báo cũ, chị Võ Thị Ngọc Hân, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải, cho biết: “Hôm rồi gặp lại chị Phương Lài (Nhà báo Phạm Thị Lài, phóng viên Báo Cà Mau), chị em nhắc lại chuyện cũ. Địa phương rất trân trọng và cảm ơn tấm lòng của người làm báo chân chính”.
Chị Hân chia sẻ: “Bài báo khi ấy phản ánh rất trúng những khó khăn của Tân Hải, đó là hạ tầng nông thôn vừa thiếu, vừa yếu. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn”. Những ngày mới vào nghề, nghe chị Phương Lài thường kể về kỷ niệm viết bài báo ấy với rất nhiều tâm huyết.
12 năm sau bài báo “Về xã 5 không”, Tân Hải giờ là đầu tàu nông thôn mới của huyện Phú Tân. |
Chị Lài nói rằng: “Làm báo phải chịu khó đi, chịu khó nghe và chịu khó cảm thông với những trăn trở của cuộc sống. Qua những câu chuyện của đồng nghiệp, rồi có dịp về theo đoàn tiếp xúc cử tri, mình thấy Tân Hải còn quá nhiều khó khăn. Trong lòng lúc đó cứ thấy ray rứt lắm, phải trở lại nơi ấy để sẻ chia, để hiểu hơn những gởi gắm của bà con”. Sau bài báo, phóng viên nhiều tờ báo khác đổ về Tân Hải đã tạo nên một cơn bão thông tin có sức lan toả mạnh mẽ. Cả hệ thống chính trị huyện Phú Tân và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã vào cuộc.
Tác giả bài báo được cơ quan chức năng mời giải trình, làm rõ một số nội dung, các đoàn công tác xác minh những nội dung nêu trong bài báo cũng khẩn trương thành lập. Hỏi chị Lài, “khi ấy, chị có nao núng hoặc suy nghĩ gì không?”, chị bình thản: “Mình làm đúng lương tâm, đúng quy trình, có căn cứ và tư liệu, chẳng có gì phải suy nghĩ. Nói thật, chính lúc đó mình cũng muốn mọi việc rõ ràng hơn, có sự vào cuộc của các cấp, ngành đủ chức năng, thẩm quyền để giải toả và giải đáp thắc mắc của người dân”.
Bài báo sau đó đã gây được tiếng vang (rồi đoạt giải cao trong cuộc thi báo chí tỉnh nhà), tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, Tân Hải vì vậy có thêm người bạn đồng hành trong chặng đường phát triển. Nói như chị Ngọc Hân: “Sau bài báo, Tân Hải được quan tâm hơn, chú ý hơn. Chính bài báo đã tạo ra bước ngoặt quan trọng đó”.
Nói về năm 2006, khi bài báo “Về xã 5 không” gây xôn xao dư luận, ông Hai Trọn (Nguyễn Minh Trọn, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Tân thời điểm ấy) còn nhớ rất rõ: “Phải nói bài báo đó có tác động rất mạnh, tạo ra sự chú ý, quan tâm mạnh mẽ vào Tân Hải. Cái khó khăn của Tân Hải khi đó thì rõ rồi, hạ tầng cơ sở vừa thiếu, vừa yếu; kinh tế cũng còn nhiều hạn chế”. Cũng theo chú Hai Trọn, bài báo đã đánh động được cả những khó khăn chung của huyện Phú Tân khi ấy, nhờ đó nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp tỉnh, cấp Trung ương, mở đường cho sự phát triển.
Từ "5 không" thành đầu tàu nông thôn mới
Xuất phát điểm của Tân Hải từ năm 2003 khi chia tách với xã Phú Tân là vùng trũng nghèo, khó khăn vây bủa. Từng là Bí thư Đảng uỷ xã Phú Tân (xã chung), ông Hai Trọn hồi nhớ: “Bà con ở đây trước còn làm được vụ lúa, nhưng thất bát lắm, kinh tế nói chung không có gì đáng kể. Thêm nữa, khi chia tách xã, bên Tân Hải này hầu như cũng không được đầu tư hạ tầng gì nhiều”. Với tỷ lệ hộ nghèo có lúc hơn 30%, dân Tân Hải thời ấy đi đâu cũng kêu khó, kêu khổ. Ông Hai Trọn tâm tình: “Nói cho cạn lòng, khi ấy ai cũng biết nơi đây khó khăn, nhưng tháo gỡ như thế nào quả thật nan giải”.
Nhưng khó không phải là không làm được, người Tân Hải đã cho thấy sức vươn lên kỳ diệu của mình. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, Tân Hải đề ra lộ trình thoát khỏi những yếu kém và vươn tới mục tiêu lớn: Đạt chuẩn nông thôn mới. Chặng đường 9 năm ấy, theo đánh giá của chị Ngọc Hân là: “Đầy khó khăn, nhưng cũng rất đáng tự hào”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hải đã kề vai, chung sức, chung lòng để xoá đi mặc cảm là xã 5 không, cũng là xoá đi những khó khăn đeo bám, ám ảnh người Tân Hải tự bao đời. Tấm bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 là một thành quả lớn, thành quả của biết bao nghĩ suy, trăn trở. Ai có thể tin rằng, Tân Hải giờ chỉ còn hơn 3% hộ nghèo, thu nhập bình quân ở mức cao nếu so sánh theo mặt bằng chung của cả tỉnh.
Anh Lê Thanh Vũ, Bí thư Chi bộ ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, bộc bạch: “Ấp này hồi trước nghèo lắm, giờ hơn 400 hộ chỉ còn 16 hộ nghèo thôi. Cái được nhất là nhà nhà, người người chí thú làm ăn, đời sống ngày càng sung túc”. Ấp Công Nghiệp là đầu tàu của Tân Hải trong việc xây dựng, chỉnh trang diện mạo nông thôn mới với mô hình hàng rào cây xanh. Tới đây ai cũng sẽ phải trầm trồ vì đâu đâu cũng là những hàng rào được tỉa cắt cẩn thận, hoa kiểng tươi tốt quanh năm.
Ông Phan Văn Lượm cười ý nhị: “Cũng nhờ một phần vào bài báo 5 không đó chớ”. Hỏi chú Tư Lượm khi ấy có đọc được bài báo đó không, ông gật đầu: “Đọc chớ, dân ở đây ai mà không đọc. Bài đó đọc thấy… đã lắm”. Công Nghiệp không chỉ đẹp mà còn là ấp được đánh giá thuộc tốp đầu trong việc phát triển đời sống của người dân.
Ghé thăm mô hình đa cây, đa con của ông Ba Khoẻ (Phạm Thành Khoẻ), ông giới thiệu: “Cái này là dê, chú nuôi hơn 15 năm rồi, còn đàn bò thì khoảng 5 năm. Phía sau là hơn 6 ha đất nuôi tôm, mình làm theo kiểu ăn chắc, mặc bền mà, mỗi năm cũng tích luỹ được trên dưới 200 triệu”.
Mô hình chăn nuôi ông học được từ báo, đài, kỹ thuật nuôi cũng được ông mày mò tích luỹ qua nhiều kênh thông tin, với ông: “Hổng có báo, đài, thông tin thì coi như đói thiệt chớ hổng phải đói chơi”. Nhắc về thời "xã 5 không", ông cười: “Cái đó qua lâu rồi, giờ Tân Hải là xã cái gì cũng có”… Trong lời nói của ông, chúng tôi nhận ra có một điều mà Tân Hải đã gây dựng được, đó là niềm tin của nhân dân, là sự chung sức, chung lòng của toàn bộ hệ thống chính trị. Sức đất, sức người ở đây đang hoà quyện để tạo nên một tương lai rạng rỡ./.
Phạm Hải Nguyên