ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 13:47:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp: Chặng đường đi không tính bằng cây số

Báo Cà Mau Trong cái nóng đỉnh điểm cuối mùa, chú Sáu Sơn vừa nói vừa cười hồn hậu: “Siết lên để còn về mần ruộng nghen mấy em”. Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (tên thường gọi là Sáu Sơn) vẫn cặm cụi trên hành trình của mình: Hành trình của nhà báo có gốc gác nông dân. Một người chưa bao giờ tự nhận mình có điều gì đáng để nói. Sống với đời, với người một cách kiên trì, nhân hậu.

Trong cái nóng đỉnh điểm cuối mùa, chú Sáu Sơn vừa nói vừa cười hồn hậu: “Siết lên để còn về mần ruộng nghen mấy em”. Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (tên thường gọi là Sáu Sơn) vẫn cặm cụi trên hành trình của mình: Hành trình của nhà báo có gốc gác nông dân. Một người chưa bao giờ tự nhận mình có điều gì đáng để nói. Sống với đời, với người một cách kiên trì, nhân hậu.

Chú Sáu nói: “Mình trong người bệnh nhiều, chạy xe đôi khi muốn té xỉu. Nhưng nghề báo cho mình những điều này hay lắm, mình may mắn lắm mới có được, đó là ý chí, nghị lực và niềm tin”. Ở tuổi đời “xưa nay hiếm”, ông viết báo, tập hợp tư liệu lịch sử, viết lời bình cho tác phẩm điện ảnh và làm ruộng. Ông Sáu nói: “Ði nhiều, tôi luyện cho mình được bí quyết đó là… chạy xe máy không biết mệt”.

Hành trình làm báo của chú bắt đầu từ miền quê Khánh Hoà (huyện U Minh) như lời chú thuật: “Ở đó B52 Mỹ còn chê không có người, nên đâu thèm ném bom, chữ nghĩa bập bẹ, suốt ngày bị bà ngoại mắt kèm nhèm kêu đọc truyện Tàu để bà nghe”.

Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp vẫn miệt mài trên hành trình với nghề, với cuộc sống.          Ảnh: PHẠM NGUYÊN

Chú nhớ về người bà của mình, ngoài hàm ơn máu thịt còn là việc giúp chú đọc chữ rành rọt. Ðến hơn 70 tuổi đời, chú nói: “Mình đọc lúc đó chủ yếu cho bà ngoại nghe, hơn 60 năm sau mới thấy sách hay”. Chú dẫn ra chuyện Khương Tử Nha 80 tuổi mới bắt đầu sự nghiệp, vậy là chú còn trẻ, còn làm được nhiều thứ, mặc dù “ráng dữ lắm mấy em, bệnh có khi đi không nổi mà”. Những ai không biết, nói chú suốt ngày tha thẩn trên những nẻo đường, làm những chuyện không đâu, người gay gắt hơn bình luận chú “hơi bị khùng khùng”. Chú Sáu Sơn tâm sự: “Mê nghề lắm, nhưng khi được sống với nghề mình đã “cứng tuổi” rồi”.

Năm 19 tuổi, chú Sáu theo kháng chiến với những nhiệm vụ đầu tiên: in và rải truyền đơn. Quả thật phi thường, in tài liệu từ bột nếp, khói đèn, mỡ bò in sáp, cuộc đấu tranh giải phóng quê hương ở Cà Mau qua lời chú Sáu kể, đơn giản, cụ thể mà làm lòng chúng tôi thổn thức. Chú nói, mê nhiếp ảnh, mê viết mà đâu có ai dạy, viết một bài đầy kín trang giấy sổ học trò đã mừng ra nước mắt. Tới với nghề từ những chuyện “bếp núc”, nên chú Sáu có cái “chừng mực” theo đánh giá chung là “hiền”, nhưng theo chúng tôi, đó là phong cách. Một người sống có phong cách theo nghĩa chuẩn đã khó, làm báo để luyện cho ngòi bút của mình có một phong vị riêng thì quả thật lắm công phu.

Hôm cô Thuỳ Mai, một nhà báo khác được thế hệ trẻ chúng tôi mến phục, nhắn: “Con qua đây, cô chia sẻ một số điều về chú Sáu”, tôi mừng “hết lớn”. Cô nói, viết về chú Sáu không nên đao to, búa lớn. Viết về chú hay nhất là từ những chuyện nhỏ nhất. Cô kể, bất cứ anh em nào khó khăn, nhất là trong nghề, chú Sáu không có tiền thì mượn tiền đi đến giúp đỡ. “Chú Sáu ngộ lắm, có cái tánh này, giúp là phải biết, phải đến tận nơi, phải hỏi đầu đuôi, sau đó chuyện vật chất trở nên nhẹ tênh”, cô Thuỳ Mai kể. Cô còn nói vui, “chớ nhiều khi người ta không trả, chú Sáu có bao giờ đòi đâu”.

Qua cô Thuỳ Mai, mới hiểu thêm hoàn cảnh riêng của chú. Vợ chú Sáu nổi tiếng giỏi giang, mình ên đào một hơi bốn lớp vá đìa, hơn nữa lại nổi tiếng “đẹp gái” nhất vùng. Chú đi miết, đi hoài, đi hoạt động cách mạng, đi làm báo, rồi tới tuổi hưu cũng… “đi đâu hổng biết” nhưng  người vợ ấy vẫn âm thầm bên chú, tôn trọng sự lựa chọn của chồng, tạo điều kiện để chồng… đi nữa.

Nơi chú Sáu đến là khắp nẻo của mảnh đất Cà Mau. Chú chia sẻ: “Mình đi coi giúp được gì thì giúp”. Có khi móc tiền túi để cho một học sinh nghèo mua bộ sách giáo khoa đến trường, hay hạnh phúc hơn khi vận động giúp những em bị bệnh tim bẩm sinh có số tiền gần trăm triệu làm phẫu thuật. Chú cười: “Thiệt ra mình có giúp gì đâu. Nhưng kể ra những trường hợp này nếu mình không nói thì đâu ai biết mà tới giúp”. “Ði lang thang”, chú gắn trên mình thêm trách nhiệm của Hội Khuyến học tỉnh. Chú coi học tập là chuyện lớn nhất của đời người, và đó là nền tảng để mỗi cá nhân phát triển, lớn hơn là nội lực vững chắc của cả một địa phương.

Nơi chú tới là những vùng đất, đơn vị, gia đình, cá nhân đã trọn lòng cống hiến cho cách mạng. Hành trình của chú đi giúp chúng tôi hiểu thêm, ở nơi đâu trên mảnh đất này cũng đều có những con người, những địa danh anh hùng. Chú Sáu đi khác với chúng tôi, những nhà báo “sung sướng”, “không kèn, không trống”, không công lệnh, giấy giới thiệu cơ quan nhưng những ánh mắt tràn đầy hy vọng của bà con là điều mà chúng tôi còn rèn luyện lâu lắm mới đạt được.

Với chú Sáu, mỗi thông tin, con chữ đều quý giá, mỗi tác phẩm đều phải vì lợi ích của cộng đồng. Chú Sáu làm báo không cao siêu, cầu kỳ, không trọng danh, hám lợi. Chú tâm tình: “Nghề nuôi sống mình, vật chất giúp mỗi con người vững vàng hơn, nhưng sống vì vật chất thì sẽ chông chênh ngã”. Chú cần mẫn trên những trang viết, quá khứ có, hiện tại phong phú và có cả những trăn trở cho tương lai. Chú thừa nhận “nhà báo mà, khi trúng, khi trật”, nhưng cái chính là biết sai ở đâu để khắc phục mình. Chú Sáu đã từng tự mình dằn vặt bản thân vì những “bước hụt” trên con đường báo chí. Trân trọng nghề, trân trọng mình, sống nhân hậu với đời sống, bấy nhiêu đó là chặng đường chú đi hoài không mỏi…

Tình yêu nghề đã giúp chú Sáu có đủ sức mạnh, nghị lực và sự lạc quan để sống, để tiếp tục công việc. Chú bộc bạch: “Ai cũng thăng trầm, nhưng thăng đừng cao quá và trầm đừng sâu quá”. Những điều không vui cũng chẳng nên nhắc lại nhiều. Có điều, sau khi lắng đi tất cả, người ta vẫn thấy một ông già rong ruổi “trên từng cây số” để làm báo. Từ chú Sáu, chúng tôi mới nhận thức sâu sắc hơn, nhà báo ngoài kỹ năng tác nghiệp, máy móc, tư duy còn cần phải có… thể lực.

Chú Sáu hỏi: “Em giờ viết báo có cảm giác hạnh phúc không?”. Chữ hạnh phúc chú hỏi không phải là số bài viết trong một tháng, nhuận bút bao nhiêu, mà đó là từ cảm nhận của người làm báo. Người nông dân cày xong thửa ruộng, đổ đầy bồ vụ lúa chín khô và chúng tôi có cái cảm giác hạnh phúc của một tác phẩm báo chí hoàn thành. Trong lòng nhẹ nhõm, đầu óc cảm giác có một niềm phấn khích, nhìn cuộc sống đâu đâu cũng là điều để mừng vui hoặc suy nghĩ. Nhà báo nếu nhìn đâu cũng như đâu, không chộn rộn lòng với những gì đang diễn ra thì coi như đứt gốc. Ai cũng nói làm báo phải có nhân vật, có số liệu, dự phòng “bí kíp” những lúc bị phản hồi, nhưng có lẽ chân lý nằm ở chỗ khác, đó là cảm xúc, là tấm lòng.

Chú Sáu và những bậc cha chú là tấm gương để chúng tôi tiếp tục dấn thân trên con đường nghề nghiệp. Nhà báo không sợ đường xa, không sợ mưa gió, không sợ đói khát, không sợ hăm doạ, nhà báo chỉ sợ phụ lòng Nhân dân, sao nhãng nghề nghiệp của mình. Chú nói: “Phải học từ những người đi trước, đó đều là những nhà báo của Cà Mau mình, tác phẩm đi xuyên chiến tranh và đồng hành cùng sự phát triển của quê hương”.

Nắng cuối mùa gay gắt, chú nói “phải về U Minh làm ruộng”. Chặng đường mà chú đi có lẽ không thể tính bằng cây số…

Bút ký của Phạm Nguyên

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.