ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 11:28:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những mùa hoa cúc tần

Báo Cà Mau (CMO) Mẹ có ba lọ nước hoa. Hai lọ nước hoa do hai đứa con gái mua tặng mẹ nhân dịp hai đứa đi Thái Lan và Singapore. Còn lọ nước hoa kia do ba tặng mẹ nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Mãi đến 30 năm sau, nghĩa là mẹ đã bước qua tuổi 50 ba mới tặng lọ nước hoa đầu tiên.

Cả đời mẹ không dùng son phấn. Mẹ nói đó là thói quen, vả lại mẹ chẳng chưng diện để làm gì, chẳng làm đẹp cho ai. Cả đời mẹ chưa hề bước chân vào một gian hàng mỹ phẩm. Với mẹ đó là hoang phí khi phải mua một thỏi son giá vài trăm ngàn hoặc có khi là bạc triệu. Mẹ càng không hình dung ra ba lọ nước hoa mẹ đang cất giữ rất kỹ lưỡng như báu vật kia cũng có giá bạc triệu cho mỗi lọ.

Tôi biết gần như tất cả phụ nữ trên thế gian này đều thích tặng nước hoa hay son môi. Có lẽ vì thế mà nền công nghiệp sản xuất mỹ phẩm trên thế giới này luôn ăn nên làm ra. Việc mẹ có ba lọ nước hoa chẳng có gì đáng nói, bởi có những cô ca sĩ, người mẫu đã có hàng trăm lọ nước hoa trong tủ trang điểm của họ. Tuy nhiên, câu chuyện ba lọ nước hoa của mẹ lại là chuyện khác. Mẹ không dùng đến nó, nhưng nó là tài sản không rời khỏi mẹ.

Mẹ không phải là một người đàn bà có ăn học. Mẹ bảo khi gặp ba lần đầu trên chuyến xe khách vào một ngày mưa như trút, mẹ có linh cảm đó là duyên nợ. Khi đó mẹ rất đói vì không hình dung ra rằng mình có thể đói như vậy. Chuyến xe năm đó đưa mẹ đi Đà Nẵng. Hồi đó không có xe máy lạnh hay xe giường nằm như bây giờ, mà là một chuyến xe đò chậm chạp, chạy giống như đang cố trườn lên trên từng mét đất. Xe chạy sắp sửa tới Quảng Ngãi thì bị hỏng máy. Cả một buổi gần như cả mấy chục hành khách đều phải dật dờ ở bóng mát của những bụi cây vì  mệt mỏi. Ở đó cũng chẳng có hàng quán để có thể mua thực phẩm ăn cho đỡ đói. Năm đó mẹ mới 18 tuổi, mẹ vẫn thường đi theo những chuyến xe đò như vậy để giao hàng hoặc đi thu tiền. Vì ở nhà có một lò nước mắm tận Cửa Bé, đây là một nghề kế thừa của gia đình.

Ba là người khách ngồi bên cạnh mẹ. Trong túi xách của ba lúc ấy có một gói xôi chả. Ba đã chia sẻ bữa ăn cùng mẹ, và họ đã quen nhau. Ba và mẹ lấy nhau hai năm sau đó. Ba là con trai nhà quê, theo cách gọi của mẹ là ba rất chất phác. Nhà ba ở một làng chuyên trồng rau xanh để bán. Mẹ lấy ba, mẹ cũng trở thành một người trồng rau thứ thiệt cùng ba. Nhưng với mẹ đó là một cuộc sống hạnh phúc. Mẹ bảo với tôi: “Không hạnh phúc sao được con? Bởi ba con hiền lành, yêu vợ con. Ba con lại là người đàn ông tốt, không mèo mỡ, không cờ bạc, không rượu chè”. Còn vườn rau trồng đủ loại rau kia lại là một nguồn thu nhập ổn định. Bởi theo cách nói của ba: “Có ngày nào mà chợ không bán rau?”.

Ba, một người nông dân chân chất tỏ tình với mẹ bằng một gói xôi nấu sẵn ở nhà mang theo trong cuộc hành trình đi Đà Nẵng, ngày đó ba đi thăm ông cậu ruột. Rồi ba và mẹ quen nhau. Những lần hẹn hò ba đạp xe đạp gần chục cây số từ vườn rau của ba tới chỗ làm mắm của mẹ. Cả hai ra quán bán nước giải khát ngay bờ sông, nơi dập dìu những con tàu đánh cá neo đậu, họ ghé quán uống nước để nói đủ thứ chuyện trên đời. Và sau đó thì đám cưới. Lễ rước dâu cũng xôn xao cả  xóm, họ đổ ra xem nối nhau trên con đường dài dằng dặc, đi qua những luống tần ô đang mùa nở hoa vàng lộng lẫy.

Minh hoạ: Lý Kiều Loan

Bà nội tôi là một người đàn bà hiền lành, một mình bà nuôi ba tôi khôn lớn, một mình bà lo cả vườn rau, cho đến khi mẹ về làm dâu. Mẹ trở thành người thay thế bà nội để lo cho những ngọn rau mướt xanh. Cũng từ khi có mẹ, ba không còn bận rộn mà trở thành một người đàn ông thong thả. Mẹ chăm sóc rau từ khi mặt trời chưa mọc, mẹ trở về nhà khi mặt trời đã tắt. Cứ thế, ngày của mẹ là những mầm xanh tươi mỗi ngày mỗi bung nõn.

Ba là người đàn ông chung thuỷ, nhưng ba lại rất ít khi quan tâm tới mẹ, có thể bởi mẹ không đòi hỏi gì nhiều ở ba ngoài tình yêu thương của ba. Gánh nặng gia đình bởi thế nặng trĩu trên vai mẹ, và hai đứa tôi sinh ra đời, cũng một tay mẹ chăm sóc.

Khi Dũng, bạn trai và bây giờ là chồng tôi tặng cho tôi thỏi son môi đầu tiên trong cuộc đời, tôi đem về khoe mẹ. Mẹ cầm thỏi son môi nói với tôi: “Cả đời mẹ chỉ mong được tặng một lọ nước hoa, nhưng giờ mẹ chẳng có lọ nào”. Câu nói của mẹ đã làm cho tôi chạnh lòng. Mỹ phẩm không phải dùng để làm đẹp, nó còn giúp cho những người yêu thương nhau có điều kiện để thể hiện tình yêu thương của mình đối với người mà mình rất yêu quý. Còn với mẹ, việc được nhận một lọ nước hoa không phải để chứng tỏ mình trong đám đông, không phải để dùng nó trong các yến tiệc, mà chỉ là một giấc mơ bình thường của một người đàn bà.

 Ba nói với tôi: “Cả đời mẹ không son phấn. Ba quên mất chuyện này”. Và sau đó ba đã tìm cách để sửa sai khuyết điểm của mình.

Và, mẹ có ba lọ nước hoa. Ba lọ nước hoa ấy mẹ cất trong một chiếc hộp gỗ khảm xà cừ, có khoá cẩn thận, có lớp vải nhung để tránh va chạm. Ba lọ nước hoa không hề được mở ra.

Hôm ghé thăm tôi, trước khi ra về, mẹ lấy ba lọ nước hoa mẹ mang theo đưa ra, bảo tôi hãy giữ ba lọ nước hoa mà dùng. Mẹ nói: “Vì mẹ đã già rồi. Mẹ cũng chẳng quen dùng nó”. Mẹ để ba lọ nước hoa trên bàn trang điểm của tôi. Dũng bảo đánh xe đưa mẹ ra sân ga, mẹ bảo: “Thôi, để mẹ kêu một chiếc xe thồ”. Cả tháng trời ở nhà tôi, mẹ bồn chồn vì không biết những người phụ việc chăm sóc vườn rau như thế nào, ba ăn uống có được không? Mẹ cứ nhắc mãi là ba rất thích ăn canh chua. Và một điều nữa là mẹ nhớ ba. Cách nhớ ba của mẹ như những ngọn gió cứ thổi lùa qua những tán lá ở công viên bên dưới khi tôi từ cửa sổ căn phòng chung cư của mình nhìn xuống. Cách nhớ ấy là của một người phụ nữ đã quen dang rộng đôi tay của mình để che chở cho chồng con. Thói quen ấy thấm vào da thịt mẹ từ khi mẹ nhận gói xôi của ba trong cơn đói trên chuyến xe đi Đà Nẵng năm mẹ 20 tuổi. Vậy mà đã ba mươi năm.

 Tôi sinh đứa con đầu lòng. Mẹ bảo, hay con đặt nó tên ở nhà là Cúc Tần đi. Dũng cười: “Thanh niên bây giờ đặt nickname lạ lắm mẹ ạ. Thôi con đặt tên cháu là Cúc Tần theo ý mẹ nhé”. Đêm tôi chuyển bụng, mẹ ở phòng ngoài đã vội vã thức giấc. Mẹ chuẩn bị hết mọi thứ cho lần sinh đầu lòng của con gái mình. Lúc đầu, mẹ bảo mẹ chỉ ở lại một tuần rồi mẹ về, bởi vì nếu ba ở nhà một mình không ai nấu cơm cho ba ăn, không ai ủi quần áo cho ba mặc… Nhưng mẹ không thể về vì tôi cần mẹ, cả bé Cúc Tần cũng cần mẹ. Con bé mới sinh ra đời, sau những tiếng khóc đầu tiên là những ngày dụi vào lòng bà ngoại tìm hơi ấm. Nó níu chân mẹ một cách vô tình dẫu khi ở với tôi trong những ngày sinh nở, mẹ vất vả trăm bề. Mẹ thức cho tôi ngủ, mẹ giặt những tấm tã cho cháu chứ nhất định không cho người làm phụ vào, mẹ tự ra chợ mua đồ về nấu những bữa ăn ngon cho tôi. Với mẹ, không ai làm cho mẹ yên lòng, và việc chăm sóc chồng con là niềm đam mê của mẹ.

 Mẹ sống với ba ba mươi năm. Bao nhiêu năm ấy mẹ chỉ có niềm vui là lo cho gia đình. Cũng chừng ấy năm là chừng ấy mùa hoa cải, chừng ấy mùa hoa tần ô nở vàng trên vườn nhà. Tôi hồn nhiên lớn lên trong màu hoa vàng ấy bằng sự chắt chiu và chăm sóc của mẹ như một điều hiển nhiên. Cho đến khi sinh con, tôi mới hiểu rằng mẹ quan trọng đến dường nào.

 Mẹ leo lên chiếc xe thồ. Mẹ lại nhảy xuống, bảo tôi để mẹ ẵm bé Cúc Tần thêm một lát. Rồi mẹ lại leo lên xe. Chiếc xe chở mẹ lao vào trong lấp loá ánh đèn thành phố. Mẹ bảo khi xe chạy: “Khoảng nửa tháng nửa mẹ vào lại”.

Tôi đoán trên tàu mẹ sẽ trằn trọc không ngủ. Tôi đoán mẹ sẽ gọi điện cho ba, nói như reo: “Em đang về đấy”. Tôi đoán khi về tới nhà việc đầu tiên của mẹ là sẽ ra thăm vườn, và mẹ sẽ đi chợ, nấu cho ba một nồi canh chua vào buổi trưa.

Tôi lên nhà, tôi bước vào phòng. Chiếc hộp đựng ba lọ nước hoa của mẹ để trên bàn. Tôi mở chiếc hộp ra, lấy ba lọ nước hoa xếp trước mặt, ngắm nó. Và tôi hình dung là khi về, mẹ sẽ vội ra thăm vườn cải cúc tần đang nở hoa vàng./.

Truyện của Nhược Quân

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương