Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm. Hiện nay lúa phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm. Hiện nay lúa phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm được thực hiện trên tổng diện tích trên 161 ha, có 92 hộ dân tham gia, tổng kinh phí đầu tư 538 triệu đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách của tỉnh hỗ trợ 30% cho lúa giống và tôm giống, phần còn lại là vốn đối ứng của nông dân. Ngay từ đầu vụ, tranh thủ thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho việc rửa mặn, bà con nông dân đồng loạt xuống giống.
Cánh đồng luân canh lúa - tôm ở xã Lý Văn Lâm mang lại thu nhập cao cho nông dân. |
Tại đây, bà con nông dân được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau hướng dẫn kỹ thuật canh tác và đồng loạt xuống giống với 2 loại chủ lực là OM 2517 và CXT 30. Đây là những giống lúa có những đặc điểm nổi trội như cứng cây, chịu phèn mặn và cho năng suất khá cao, đã được người dân áp dụng vào vụ lúa - tôm những năm qua đạt kết quả khả quan. Theo hình thức liên kết 4 nhà, tại đây người dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm.
Đến thời điểm này, lúa đang bước vào thời kỳ “cong trái me”, ước năng suất có thể đạt trên 6 tấn/ha. Đây cũng là thời điểm xuống giống tôm, do vậy, để giúp bà con nông dân thực hiện mô hình luân canh lúa - tôm đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ 9.000 con tôm giống/ha, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chọn con giống, mật độ thả 3 con/m2… Thực hiện mô hình này giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái, phục hồi được nguồn lợi thuỷ sản, giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, hướng tới nền sản xuất mang tính bền vững.
Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, khi nông dân tham gia thực hiện mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm, trừ chi phí, mỗi héc-ta nông dân lãi trên 58 triệu đồng. Thông qua thực hiện mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trong sản xuất, hướng tới nền sản xuất mang tính bền vững. Vừa tăng thu nhập cho nông hộ trên cùng diện tích đất canh tác, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, tiến tới liên kết, hợp tác sản xuất theo hướng kinh tế hàng hoá.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thực hiện mô hình luân canh lúa - tôm ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ít tốn chi phí, chất lượng gạo cũng sạch hơn. Mặt khác, trong thời gian canh tác, chính cây lúa tiêu huỷ những chất tồn dư, tránh gây ô nhiễm cho vụ nuôi tôm.
Cùng với con tôm, cây lúa, trên bờ bao, bà con có thể trồng thêm rau màu để tăng thu nhập. Đây được xem là biện pháp sản xuất tổng hợp, có tính bền vững cao và tiềm năng còn rất lớn, phù hợp, dễ áp dụng. Tuy nhiên, do một ít hộ chỉ chú trọng đến con tôm mà chưa quan tâm đến trồng lúa. Do vậy, để mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm phát triển, các ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng lúa - tôm để đầu tư hạ tầng, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức sản xuất mô hình lúa - tôm theo hướng hợp tác./.
Bài và ảnh: Ninh Hải