ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:47:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nuôi ba ba

Báo Cà Mau (CMO) Với dân bợm nhậu, món ba ba rang muối, nướng muối ớt, đặc biệt là nấu chuối mẻ tàu hũ thì khỏi phải nói. Trong nhóm bạn nhậu “17 giờ” của tôi, Phụ là thành viên cứng. Tay này là cậu ấm xứ Thới Bình, đất đai rộng minh thiên, nhà có thêm 2 chiếc ô-tô chuyên cho khách thuê. Tay này mê nhất món ba ba của quán Vợ Thằng Bờm trên phố. Cứ thứ Sáu cuối tuần, nhóm “17 giờ” chúng tôi tụ họp.

Minh hoạ:  M. Tấn

Bữa nọ, trong cơn say chếnh choáng, Phụ tuyên bố xanh rờn với nhóm nhậu: “Dạo này dịch bệnh khó khăn quá, nuôi tôm thì biết chừng nào mới khá nổi, xe thì ế khách quá trời. Tao chuyển sang mô hình nuôi ba ba. Nuôi cái này có nhiều lợi ích. Thứ nhất, tao thấy ở xứ mình, người ta nuôi ba ba làm giàu quá trời. Thứ hai, đây là món khoái khẩu, anh em mình có mồi ngon. Thứ ba, là cái quan trọng nhất, nuôi ba ba nó hạp với bản mệnh của tao. Thầy tướng số phán rồi đó”. Chúc mừng thằng bạn nhậu, cả nhóm hôm đó không say, không về. Riêng tôi chẳng biết về bằng cách nào, nhưng đầu óc láng máng nhớ là thằng bạn mình đang triển khai một mô hình hoành tráng mới - nuôi ba ba.

Dù là bạn nhậu, nhưng thú thật, nhóm tụi tui chỉ cà kê trên “sân nhỏ”, xong rồi thì chuyện ai mới lo, mới làm. Tôi làm phóng viên ở tờ báo tỉnh, hay đi cơ sở nắm thông tin viết bài. Xứ Thới Bình với tôi có gì đâu xa lạ. Tôi cũng có về nhà thằng Phụ mấy lần, thấy cơ ngơi của nó mà phát thèm. Ðiều lạ là từ khi nó tuyên bố nuôi ba ba, chuyện họp nhóm cuối tuần, nó xuất hiện thưa dần. Mấy lần alo nó định ghé tham quan, coi mô hình nó làm ra sao, quy mô cỡ nào, nó đánh trống lảng.

Trong nhóm có thằng Biên, nhân viên điện lực, nghe đâu mới chuyển về phụ trách địa bàn Thới Bình. Bữa họp nhóm cuối tuần nọ, thằng Phụ lại vắng. Cả nhóm cứ thắc mắc, thằng Biên láo liên xa gần: “Tao có đi ngang nhà thằng Phụ nè. Hổm rày nhà cửa nó đóng kín mít. Tao hỏi ở xóm, nói nó đi làm ăn “xa” nghe tụi bây. Tao hỏi thêm, nghe bà con nói, nó có nuôi ba ba hồi nào đâu mà nó nổ với anh em mình quá trời, quá đất”. Rồi đề tài của thằng Phụ cũng qua nhanh trên mâm nhậu.

Cuối năm, công việc đăng đăng, đê đê, tần suất họp nhóm “17 giờ” thưa thớt. Bỗng một hôm, điện thoại tôi hiện lên số thằng Phụ: “Mầy có tiền, cho tao vay một ít làm ăn”. Tôi thấy ót lành lạnh: Thằng cha này quên chuyện giao kèo của nhóm sao ta? Nhậu cưa đều. Có mấy thứ cấm kỵ, trong đó có chuyện mượn, vay tiền bạc. Tôi đưa đẩy: “Mầy biết tao rồi đó, làm công ăn lương, nợ trong ngân hàng còn ắp lẫm. Tiền đâu cho mầy mượn. Mà độ rày, mầy đi đâu mất dạng, làm anh em nhớ quá trời”. Bên kia đầu dây ngập ngừng: “Dạo này tao làm ăn khó khăn quá”. Tôi gặng hỏi: “Mầy dám nổ với tụi tao nuôi ba ba, nghe thằng Biên cho hay mầy nói dóc”. Chưa dứt câu, bên kia đầu dây chỉ còn lại tiếng tút tút.

Hôm nay, nhóm chúng tôi làm tiệc tất niên. Ngày họp bình thường, anh em tự giác tới giờ, tới ngày thì vác mặt đến quán Vợ Thằng Bờm. Nhưng họp cuối năm phải alo liên hệ, sắp xếp thêm một số khách mời danh dự, lên thực đơn mồi đàng hoàng. Kỳ lạ là cả nhóm điện thoại cho thằng Phụ thì “thuê bao ngoài vùng phủ sóng”. Vắng nó, mồi ba ba chắc phải kêu ít lại. Thôi kệ, “vắng mợ thì chợ cũng đông”, chắc nó kẹt công chuyện gì lắm nên mới kiếu vắng. Cả 5 năm rồi, cuối năm, nhóm “17 giờ” anh hào đều tề tựu để tiễn năm cũ, đón năm mới.

Mở màn cuộc họp mặt, thằng Biên cung cấp một thông tin động trời: “Vợ chồng thằng Phụ đã bán hết mấy chục công đất, bán luôn hai cái xe hơi. Giờ đi trốn nợ ở đâu không rõ. Chuyện nó nói nuôi ba ba gì đó giờ tao xác nhận lại là dóc láo hết”. Nhưng mà tại sao cả sản nghiệp ai ai cũng mơ ước thế kia chưa đầy nửa năm đã tan tành hết. Cả nhóm ngơ ngác, thằng Biên ra bộ điệu hiểu biết: “Tao cũng nghe đâu dính cờ bạc, cá độ gì đó”. Cái thằng chọc tức nhau, vậy mà cũng phát biểu. Rốt cuộc nó cũng có biết trời trăng gì đâu mà lên gân, cao giọng.

Bạn nhậu phải quan tâm nhau, đó là một trong những điều thiêng liêng nhất. Ví dụ như khi về tới nhà phải nhắn tin. Bị cảnh sát giao thông bắt dọc đường (dù không giúp đỡ được gì) cũng phải gọi điện cho biết. Buổi họp cuối năm không khí chùng hẳn vì thông tin từ thằng Biên cung cấp. Mỗi người một suy nghĩ, đoán già, đoán non. Tới chai thứ 5, thì chủ đề ba ba lại rôm rả lên. Ðề tài này, tôi là phóng viên nên am hiểu nhất. “Tao nói thiệt, hồi đó giờ chưa thấy ai nuôi ba ba mà nghèo, chỉ thấy giàu. Tao đi cả trăm mô hình khắp tỉnh, ngó người ta nuôi ba ba mà mắc ham. Tao có đất, tao cũng tính nuôi ba ba”. Thằng Chiêu sành ăn thì hỏi ngặt: “Ðố tụi mầy, ăn ba ba cái gì ngon nhất?”. Tất nhiên là mỗi thằng một đáp án, không ai chịu ai, tranh cãi sôi nổi. Chuyện của thằng Phụ cũng trôi luôn.

Sớm hôm sau, điện thoại tôi hiện lên cuộc gọi của thằng Biên. “Alo, mầy qua bệnh viện tỉnh gấp. Thằng Phụ tự tử, may cứu kịp, bà con phát hiện chở nó lên đây”, Biên hấp tấp nói rồi tắt máy. Hơi rượu còn bay bay, tôi chạy sang, thấy Phụ đã tỉnh, nhưng nhìn như cái xác không còn hồn vía. “Trời ơi! Mầy sao vậy nè, vợ mầy đâu? Sao mầy ngu quá, đời còn dài, tiền hết mần lại, chết rồi sống lại được không?”. Ðôi mắt nó vô hồn, miệng thều thào: “Vợ tao theo thằng khác rồi mầy ơi. Tao chết cho đời nó nhẹ”. Tiếng của nó như vọng về từ cõi khác: “Cũng tại tao nuôi ba ba”. Tôi giận quá, định nói gì đó, thì đột nhiên như bị trời đánh: “Tao gom hết vốn nuôi con ba mươi ba, mà chiều nó xổ ra con ba mươi bốn”…/.

 

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương